Kính thưa quý thính giả, tuy quốc gia Myanmar rơi vào tay độc tài quân phiệt và Việt Nam rơi vào tay độc tài CS, nhưng số phận cả 2 dân tộc đều nằm trong tay giới trẻ yêu nước can đảm đứng lên lật đổ bạo quyền. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Nền dân chủ Myanmar nằm trong tay giới trẻ” _ sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Hôm thứ hai đầu tuần, ngày 22 tháng 2, ba tuần sau vụ đảo chính lật đổ chính quyền dân sự và thiết lập chế độ quân quản, các thành phố ở Myanmar đồng loạt biến thành những biển người, khi hàng triệu người dân đổ ra đường biểu tình đòi trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự và tái lập thể chế dân chủ.
Thứ bảy tuần rồi, cảnh sát chống bạo động đã nổ súng vào người biểu tình ở Yangon, giết chết hai người và làm bị thương hàng chục người khác. Hôm sau chủ nhật, hàng ngàn cư dân thủ đô Naypyidaw đã đưa tang cô Mya Thwate Thwate Khaing, một phụ nữ trẻ đã trở thành biểu tượng của cuộc phản kháng sau khi bị bắn vào đầu trong lúc biểu tình hôm 9 tháng 2.
Người dân Myanmar tin vào điềm báo của ngày tháng. Hôm Thứ Hai, 22 Tháng Hai, được coi là ngày tốt để khởi sự một công cuộc đấu tranh; họ gọi là “phong trào 2.22.2.” Ba mươi ba năm trước, ngày 8 Tháng Tám, 1988, từ cuộc đấu tranh của sinh viên Viện Công Nghệ Rangoon (RIT) người Myanmar đã phát động cuộc nổi dậy 8.8.88 (8888 Uprising) trên toàn quốc, buộc nhà độc tài quân phiệt Ne Win phải từ chức.
Mười năm xây dựng, có thể nói ngay rằng chế độ dân chủ của Myanmar còn có quá nhiều khiếm khuyết khi quyền lực quốc gia vẫn nằm trong tay quân đội, lấn át hẳn chính phủ dân cử. Bản Hiến Pháp do quân đội soạn thảo và thông qua năm 2008 dành cho Tatmadaw quyền được bổ nhiệm không qua bầu cử một phần tư số đại biểu Quốc Hội, bổ nhiệm bộ trưởng các bộ quan trọng nhất. Các tướng lĩnh quân đội cùng thân nhân của họ cũng nắm những ngành kinh tế then chốt nhất, từ khai thác đá quý, xuất nhập cảng hàng hóa đến trang trại nuôi gà vịt. Chính phủ dân sự dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi chỉ có vai trò rất giới hạn trong việc hoạch định những chính sách phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy vậy, mười năm thoát khỏi tình trạng cô lập với thế giới bên ngoài và xây dựng lại đất nước đã thổi một luồng sinh khí mới vào xã hội Myanmar, nuôi dưỡng kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Chỉ xét về kinh tế, Myanmar đã tiến một bước dài trong việc phục hồi các hoạt động kinh doanh và nâng mức thu nhập của người dân lên nhiều lần. Trong bảy năm từ 2010 đến 2017, tổng sản lượng GDP của Myanmar tăng gấp đôi, thu nhập bình quân đầu người, tính theo sức mua tương đương (PPP) cũng tăng gần gấp đôi, từ $3,679 lên $6,244/người/năm, nợ công của quốc gia giảm từ 50% GDP xuống còn 35% GDP, theo số liệu của FocusEconomics.
Nhưng thay đổi đáng chú ý nhất của công cuộc xây dựng dân chủ ở Myanmar là nó đã củng cố khát vọng dân chủ tự do trong nhất là giới trẻ.
Trở lại với cuộc đảo chính quân sự rạng sáng ngày 1 Tháng Hai, 2021. Bà Aung San Suu Kyi cùng các nhà lãnh đạo chính phủ dân sự bị bắt giam chỉ vài giờ trước khi họ bắt đầu tiếp nhận nhiệm kỳ thứ hai của Quốc Hội, sau thắng lợi áp đảo của đảng NLD trong cuộc bầu cử ngày 8 Tháng Mười Một, 2020. Tổng tư lệnh quân đội, Tướng Min Aung Hlaing tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài một năm, sau đó sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới. Để biện minh cho vụ đảo chính, ông ta nêu lý do cuộc bầu cử đã bị gian lận, dù Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia và các quan sát viên quốc tế đều khẳng định cuộc bầu cử là tự do và công bằng.
Hoa Kỳ cùng với các chính phủ phương Tây nhanh chóng phản đối đảo chính, đòi trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự. Washington đã ra lệnh cấm vận hai tướng lĩnh hàng đầu của Myanmar, đóng băng khoản tài sản $1 tỷ của chính phủ nước này tại các ngân hàng Mỹ, nhưng theo các nhà bình luận chính trị, những biện pháp này không có nhiều hiệu quả thực tế.
Lời giải bây giờ nằm trong tay những người biểu tình trẻ tuổi của Myanmar. Nhưng thực tế cuộc đấu tranh của giới trẻ Hồng Kông chống lại ách cai trị của Trung Quốc bảo vệ các quyền tự do dân sự của vùng lãnh thổ này những năm vừa qua, cuộc đấu tranh của giới trẻ Thái Lan đòi thay đổi “luật khi quân” khắc nghiệt, hạn chế quyền lực của Hoàng Gia Thái và cải cách dân chủ đang diễn ra hiện nay cho thấy, trong những cuộc đối đầu không cân sức giữa giới trẻ yêu tự do và thể chế độc tài toàn trị quân phiệt, phần thắng dễ dàng nghiêng về phía những nhà cai trị có súng đạn, nhà tù và những mưu hèn kế bẩn.
Được biết một số nhà ngoại giao phương Tây đang âm thầm nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa phe quân đội đảo chính với đảng NLD để tháo ngòi nổ xung đột. Nếu trong những ngày tới không có những sự kiện đột biến – chẳng hạn như thỏa thuận giữa hai cánh quân sự và dân sự, hoặc một số tướng lĩnh cấp cao từ bỏ hàng ngũ, trở về với nhân dân – thì thất bại của phong trào biểu tình 2222 là có thể thấy trước. Và hy vọng tái lập chế độ dân chủ ở Myanmar cũng sẽ lụi tàn.
Thế giới không nên để cho điều ấy xảy ra./.
Hiếu Chân
No comments:
Post a Comment