Monday, March 8, 2021

Giải cứu đúng nghĩa và Giải cứu hình thức

Người Dân Tự Quyết

Để tiếp nối chương trình, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục Người Dân Tự Quyết, qua bài viết của Lý Trần Công có tựa đề:  “Giải cứu đúng nghĩa và Giải cứu hình thức”_ sẽ được Hướng Dương trình bày.

Chiến dịch “giải cứu dứa” cho nông dân Đài Loan được chính quyền của bà Thái Anh Văn phát động, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đảo quốc này hưởng ứng tích cực, vừa bù đắp xuất khẩu vừa giúp người trồng dứa không bị thua lỗ. Vào ngày 26/2/2021, Bắc Kinh tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm dứa từ Đài Loan với cáo buộc loại trái cây nhiệt đới này nhiễm bệnh rệp sáp. Động thái này của Trung cộng khiến người đứng đầu Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan Chen Chi-chung mô tả là “quyết định đơn phương” “không thể chấp nhận được”, bởi trên thực tế 99,79 % các lô hàng dứa thông quan đều đã qua các khâu kiểm dịch thực vật.

Trong năm 2020, Đài Loan đã xuất khẩu 41.661 tấn trái cây các loại, trị giá khoảng 1,5 tỷ Đài tệ tương đương 53,9 triệu USD sang Trung quốc. Với đòn trừng phạt kinh tế này Trung cộng sẽ hy vọng gây khó khăn cho Đài Loan trong lãnh vực xuất khẩu trái cây. Tuy nhiên chính quyền của bà Thái Anh Văn đã hóa giải đòn trừng phạt kinh tế này của Bắc Kinh chỉ sau vài ngày và có lẽ nó đã gây ngạc nhiên không ít cho tập đoàn lãnh đạo tại Bắc Kinh, khi Úc, Canada, Hoa kỳ và Nhật Bản cùng đồng lòng giải cứu trái thơm cho quốc đảo Đài Loan.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đích thân đến thành phố Cao Hùng, một trong những trung tâm sản xuất dứa của Đài Loan hôm 28/2/2021, để trực tiếp trấn an người nông dân. “Không cần phải hoảng sợ hay lo lắng. Chính quyền hỗ trợ hết mình nông dân trồng dứa”, bà Thái nói. Bài Thái hứa hẹn sẽ giúp nông dân mở rộng thị trường ra toàn cầu, đồng thời kêu gọi người dân và doanh nghiệp hỗ trợ nông dân bằng cách thu mua và tiêu thụ dứa tại địa phương. Chỉ sau bốn ngày số lượng dứa đã được bao tiêu trong chiến dịch “giải cứu dứa” lần này đã cao hơn cả tổng số lượng dứa xuất khẩu của năm ngoái sang Trung Quốc. Đài Loan đã dạy cho Trung cộng một bài học về kỹ năng quản trị quốc gia theo đường lối dân chủ, nhân văn và lấy dân làm gốc là như thế nào.

Cũng gần như cùng thời điểm một “chiến dịch giải cứu” nông sản khác cũng diễn ra tại Hải Dương của Việt Nam. Do dịch bệnh cúm Tàu tái phát mạnh ở Hải Dương khiến địa phương này bị phong tỏa hoàn toàn. Trong khi đó, toàn tỉnh Hải Dương có trên 55.000 tấn hành củ, khoảng 26.000 tấn cà rốt và khoảng 8.000 tấn rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại bị tồn đọng do lệnh phong tỏa nội bất xuất ngoại bất nhập. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng có chỉ đạo để giải cứu nông sản Hải Dương. Nhưng rất tiếc là trong dịp Tết Nguyên Đán thủ tướng cộng sản Nguyễn Xuân Phúc bận rộn nhiều việc trong đó có việc bận đi chùa hái lộc cầu quan, nên không thấy Phúc thủ tướng ho lên một tiếng để dân tình biết là ông ta vẫn còn sống.

Cuối cùng thì dù thủ tướng cộng sản Nguyễn Xuân Phúc không quan tâm, nhưng vụ giải cứu nông sản ở Hải Dương cũng vẫn thành công tốt đẹp: người mua thì mua được hàng với giá rẻ bèo, còn thua lỗ lại là thảm họa nợ nần cho người bán. Triết lý “Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” mà đảng csVN chế tác ra, đó chính là loại hình kinh tế “Mạnh được yếu thua/ sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”.Nông dân Hải Dương sắp tới đây sẽ được guồng máy hút máu của ngân hàng nhà nước xiết nợ bằng cách tịch thu nhà đất, ruộng vườn của họ hoặc dụ dỗ nông dân thế chấp tài sản để vay mới trả nợ cũ và kèm theo lời khuyên “Làm giầu không khó, nhưng khi gặp giông gió, bão tố thì chịu khó mà trả tiền chẳng bớt một xu”.

Có khi nào người dân Việt Nam sống dưới chế độ cộng sản hiện nay tự mình đặt câu hỏi, rằng tại sao cũng là “giải cứu nông sản” nhưng nông dân Đài Loan thì được các lãnh đạo của họ quan tâm giúp đỡ, còn Hải Dương thì đảng và nhà nước không ngó ngàng gì đến nông dân? Câu trả lời thật đơn giản: Thể chế chính trị giữa Việt Nam và Đài Loan khác nhau thì cách thức quản trị xã hội tất nhiên là phải khác nhau. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn là do người dân bầu chọn qua lá phiếu, còn Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Xuân Phúc thì đích thị là do đảng chọn, đảng bầu, thì phải toàn tâm toàn ý lo cho sự sống còn của đảng, còn đâu nữa thời gian mà lo cho dân cho nước. Ở những xứ sở dân chủ tự do thì người dân có toàn quyền giám sát mọi hoạt động của quan chức kể cả là tổng thống. Họ có quyền phê bình, chỉ trích, tranh luận thậm chí là mạt sát những kẻ lãnh đạo không làm hài lòng dân chúng. Còn ở xứ dân chủ xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, công dân chỉ cần đưa thông tin lên mạng xã hội sai phạm của một tên công an cấp trưởng, phó phòng thôi, là đã bị bắt vì tội dám nói xấu lãnh đạo.

Câu nói “Việt Nam làm bạn với các nước” mà đảng và nhà nước thường tuyên truyền trong dân chúng liệu có thể là sự thật? Các nước cộng sản với nhau mà csVN còn “cơm không lành, canh không ngọt”. Do vậy các nước với hệ thống tư bản chủ nghĩa không thể làm bạn với csVN mà chỉ có lợi dụng lẫn nhau và bạn bè chỉ trên danh nghĩa. Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản có thể giải cứu dứa cho Đài Loan rất nhanh chóng. CSVN thì dù tuyên bố kinh tế tăng trưởng mạnh trong năm 2020, thế nhưng lại kêu gọi “Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19”. Người dân Việt Nam không bao giờ nghĩ đảng và nhà nước lại không có tiền để mua vắc-xin, chỉ có thế lực thù địch mới kêu gọi tuổi trẻ góp tiền mua vắc xin COVID-19 mà thôi.

Lý Trần Công

No comments:

Post a Comment