Thursday, March 18, 2021

NƯỚC MỸ KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN

Bình Luận

Cuộc chiến kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục leo thang với tân chính quyền Joe Biden. 

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Đỗ Ngà với tựa đề: “NƯỚC MỸ KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.

Đỗ Ngà

Ngày 18/2 tổng thống Joe Biden cho rà soát lại các chuỗi cung ứng công nghệ liên quan với Mỹ mà trong đó Trung Quốc đóng vai trò quan trọng, thì ngày 24/2 ông ký một sắc lệnh hành pháp nhằm vào việc loại bỏ vai trò Trung Cộng trong các chuỗi cung ứng này. Sắc lệnh ký chưa được 20 ngày là chính phủ Hoa Kỳ đã bắt tay hành động.

Được biết, trong ngành công nghệ bán dẫn, Mỹ là quốc gia cung cấp sản phẩm chip cho các tập đoàn công nghệ lớn của Tàu, ngược lại Trung Quốc đang là nước cung cấp đất hiếm làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn. Đấy là sự ràng buộc qua lại. Ý của Mỹ là muốn cắt đường cung cấp chip để bóp chết các đại gia công nghệ Tàu nhưng vướng đất hiếm. Chỉ cần tìm nguồn cung đất hiếm thay thế thì Mỹ thoải mái bóp cổ Tàu mà không ngại bị Tàu trả đũa. Đó là vấn đề mấu chốt.

Được biết trước đây, Huawei đã bị tổng thống Donald Trump tròng thòng lọng vào cổ, thì giờ tổng tống Joe Biden lại dùng tay siết mạnh hơn. Theo Vneconomy dẫn lời của Reuters thì trong tuần vừa qua, chính quyền Biden đã cho sửa đổi giấy phép cấp cho các doanh nghiệp Mỹ bán hàng cho Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei. Mục đích là hạn chế hơn nữa nguồn cung chip để sử dụng cho thiết bị 5G của Huawei. Reuters cho rằng quyết định trên của Mỹ có thể làm gián đoạn hoặc phá vỡ các hợp đồng hiện tại với Huawei, vốn được ký kết theo các giấy phép trước đó.

Động thái này của tổng thống Biden thì trước sau gì phía Trung Cộng cũng siết lại nguồn cung đất hiếm. Tuy nhiên, ông Biden cũng đã chuẩn bị tình huống. Song hành với việc trừng phạt Huawei thì ông cũng đang có động thái chuẩn bị. Được biết, hôm nay ngày 12/3, bộ tứ kim cương gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn họp nhau bàn về kế hoạch giảm phụ thuộc đất hiếm vào Trung Cộng. 

Thực ra đất hiếm của Mỹ và Úc vẫn có, tuy nhiên vì công nghệ tinh chế đất hiếm gây ô nhiễm môi trường nặng nên Mỹ chỉ khai thác đất hiếm thô xuất sang Trung Quốc, Trung Quốc dùng nguồn đất hiếm thô nhập và đất hiếm thô khai thác nội địa sản xuất ra đất hiếm tinh chế rồi xuất sang Mỹ phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Nay trong bộ tứ Kim Cương có Ấn Độ là nước nghèo sẵn sàng thay thế Trung Cộng xây dựng ngành công nghiệp khai thác và tinh chế đất hiếm, họ có thể nhập đất hiếm thô từ Mỹ và Úc, sau đó tinh chế rồi xuất sang Mỹ nhằm thay thế dần nguồn cung từ Trung Quốc.

Được biết vào năm 2010, khi mà Trung Quốc với Nhật leo thang tranh chấp quần đảo Senkaku thì phía Trung Quốc chơi trò ngừng xuất đất hiếm sang Nhật. Lúc đó, giá một số kim loại thuộc nhóm này đã tăng vọt gần 9 lần. Nhật cũng cay Trung Cộng về trò ngưng xuất đất hiếm này lắm, tuy nhiên bao năm qua Tokyo vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt phải nhượng Bắc Kinh ít nhiều. Nay có nguyên bộ tứ, và trong bộ tứ này có một thị trường tỷ dân thì về lâu về dài, Nhật có thể rời xa dần sự ràng buộc bất đắc dĩ với Bắc Kinh.

Lần này bộ tứ Kim Cương không chỉ bàn về quân sự mà còn bàn về cả giải pháp kinh tế, một bước tiến lớn để bộ tứ này đi đến hợp tác cả về kinh tế và quân sự nhằm tạo 2 gọng kìm kiểm soát sự lớn mạnh của Trung Cộng. Như vậy, tổng thống Joe Biden không những không lật chính sách này của người tiền nhiệm Donald Trump mà ông còn phát triển nó lên mức toàn diện hơn.

Phản ứng trước kế hoạch của tổng thống Joe Biden, tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Cộng Zhao Lijian rằng “Mỹ là một quốc gia không đáng tin” và ông ta kêu gọi Mỹ ngừng gây áp lực vô lý đối với công ty Trung Quốc và đề nghị họ làm nhiều điều có lợi hơn cho trao đổi song phương trong hợp tác công nghệ và thương mại.

Rõ ràng là trước hành động của tổng thống Joe Biden thì Bắc Kinh đã phản ứng nhưng là phản ứng yếu ớt của kẻ ở chiếu dưới, tức phản ứng trong tư thế không có công cụ gì để trả đũa. 

Thực ra mối đe dọa từ Trung Quốc đã được cơ quan FBI nghiên cứu và điều tra rất kỹ để cung cấp dữ liệu cho tổng thống ra quyết định. Việc làm này được đặt nền tảng dưới thời tổng thống Barack Obama và sau đó tổng thống Donald Trump dùng kết quả điều tra này để ra chính sách. Và đến bây giờ là tổng thống Joe Biden lại phát triển những gì mà Donald Trump đã làm dang dở. Đấy! Tổng thống Cộng Hòa Hay Tổng Thống Dân Chủ đấu nhau ì xèo để tranh ghế, nhưng cuối cùng ông nào lên thì họ cũng biết kế thừa những chính sách lớn có tính sống còn cho nước Mỹ, họ chẳng dại gì thù vặt mà phủ định nó cả. Như thế thì nước Mỹ không mạnh sao được?

No comments:

Post a Comment