Miến Điện đang trải qua những thời khắc của Hongkong trước đây, với những cuộc xuống đường biểu tình chống độc tài quân phiệt để đòi tự do dân chủ và nhân quyền cho xứ sở của họ. Đối mặt với bạo quyền, người dân phút chốc hóa thành anh hùng lưu dấu sử xanh. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài quan điểm của LLCQ với tựa đề: “Miến Điện: Nền Dân Chủ Viết Bằng Máu”, sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Lực Lượng Cứu Quốc
Ngày 01/02/2021, giới quân sự Miến Điện bất ngờ đặt dấu chấm hết cho chính quyền dân sự sau 5 năm tồn tại, bắt giam các lãnh đạo đất nước, ban bố tình trạng khẩn cấp trong một năm. Cuộc bầu cử Quốc Hội Miến Điện diễn ra hồi tháng 11 năm 2020, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành được đến 322 số ghế giành quyền thành lập chính phủ. Tuy nhiên phe quân đội cáo buộc cuộc bầu cử có gian lận và tiến hành lật đổ chính quyền dân sự tại Miến Điện.
Hàng trăm nghìn người biểu tình đã đổ xuống các đường phố ở Myanmar và đây được cho là một trong những cuộc đình công phản đối đảo chính lớn nhất từ trước tới nay ở quốc gia này. Tự do cũng như hơi thở và dân chủ tạo ra phong cách sống cho mỗi người. Thật vậy trong 5 năm vừa qua, người dân Miến Điện đã thừa hưởng được một bầu không khí tự do dân chủ sau một thời gian dài tranh đấu không ngừng nghỉ. Giờ đây người dân Miến Điện, họ lại bắt đầu ở vạch xuất phát với từng bước chân rầm rập trên đường phố để giành lại quyền dân tộc tự quyết bằng máu và sinh mạng của chính họ. Chúng ta ngả mũ và nghiêng mình cảm phục ý chí đấu tranh kiên cường của người dân Miến Điện trước một thế lực bạo quyền và đầy kinh nghiệm trấn áp.
Theo Hãng tin Reuters, số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình từ sau cuộc đảo chính ngày 1-2 đến nay là ít nhất 55 người và hơn 1.700 người đã bị bắt giữ. Các cường quốc trên thế giới ghi nhận cuộc khủng hoảng của Myanmar với sự bất an ngày càng gia tăng, quân đội Miến Điện nói họ sẵn sàng đương đầu với các lệnh trừng phạt và bị cô lập sau cuộc đảo chính. Dòng máu độc tài quân phiệt đang chảy tràn trong tim những lãnh đạo quân đội Miến Điện, đã thôi thúc họ gây nên cuộc chính biến lật đổ một chính quyền dân sự, bất chấp xu thế thời đại và mọi hậu quả có thể xẩy đến cho đất nước. Tham vọng quyền lực của tướng lãnh quân đội Miến Điện là có thật, tuy nhiên để đương đầu với sự cô lập của cộng đồng quốc tế nếu có, thì lực lượng đảo chính phải luôn cần một trụ đỡ cho mình. Thế lực đó đang dần hiện rõ đó là Trung cộng và thậm chí là cả Nga đang đứng sau để hậu thuẫn cho quân đội Miến Điện.
Có một lưu ý khá thú vị tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức, được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Bình luận về tình hình bạo lực của quân đội trong các cuộc biểu tình tại Myanmar, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã phát biểu: “Đỉnh cao của nỗi hổ thẹn quốc gia, là khi lực lượng vũ trang của một nước sử dụng vũ khí chống lại chính người dân của họ”. Lời của Ngoại trưởng Singapore, là đang nhắm chỉ trích đến tướng lĩnh quân đội Miến Điện, nhưng trớ trêu thay nó lại gây khó chịu cho những nước độc tài đảng trị khác trong khối Asian như csVN chẳng hạn. Các chế độ chuyên chế và cộng sản thường sử dụng câu khẩu hiêu “Ổn định chính trị để phát triển đất nước”, như là một chiếc bình phong để mị dân và che mắt quốc tế. Quân đội Miến Điện hiện nay cũng đang nhân danh điều này để bào chữa cho bàn tay đẫm máu dân lành của họ.
Điểm son nổi bật trong cuộc tranh đấu hiện nay của người dân Miến Điện đó chính là sự tham gia của tất cả các thành phần giai cấp trong xã hội. Từ nam phụ lão ấu, tới giới sĩ nông công thương, các nhà tu hành và thậm chí là cả những nhân viên cảnh sát – quân đội cởi bỏ quân phục để trở về tham gia biểu tình cùng với nhân dân. Khát vọng tự do, dân chủ của người dân Miến Điện thật đáng để cho chúng ta trân trọng và cảm phục ý chí tranh đấu của họ. Cái chết của cô gái 19 tuổi có cái tên là Ma Kyal Sin trong ngày 3/3, ngày biểu tình bị đàn áp đẫm máu nhất ở Miến Điện với 38 người chết, đã trở thành biểu tượng anh hùng dám dấn thân cho tự do và công lý trong giới trẻ Miến Điện.
Muốn có tự do thì phải tranh đấu, vì tự do không hề rẻ mà phải trả một cái giá rất đắt có khi là cả bằng máu và sinh mạng. Trong lịch sử, nhân loại đã từng chứng kiến nhiều ngã rẻ hay khúc quanh lịch sử mang tính định mệnh: chiến tranh và hòa bình, thống trị và lật đổ, áp bức và giải phóng, tất cả những điều này nói lên sự khao khát thật sự mà con người muốn tìm kiếm, đó là hai chữ TỰ DO. Sự thành bại của cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ của người dân Miến Điện hiện nay, không thể so sánh với sự khao khát và tinh thần tranh đấu mà người dân đất nước này đang tiến hành vì một thể chế chính trị tốt đẹp cho tương lai con cháu họ. Hồng- kông mới đây và Miến Điện hiện nay sẽ là tấm gương và động lực để tuổi trẻ Việt Nam dấn thân cho đất nước trong một tương lai không xa.
LLCQ
No comments:
Post a Comment