Mở đầu chương trình, Vân Hà & Nguyên Khải mời quý thính giả theo dõi chi tiết của các tin hôm nay.
1) THÊM MỘT TNLT TỐ CÁO TÌNH TRẠNG SINH SỐNG TỒI TỆ TRONG TRẠI GIAM
TNLT Đặng Thị Huệ, người bị bắt giam vì chống đối các bót lệ phí, vừa lên tiếng tố cáo tình trạng sinh sống tồi tệ trong trại giam Ninh Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Theo lời kể của gia đình sau chuyến thăm nuôi mới nhất, bà Huệ cho biết trại giam chật cứng tù nhân, và sinh hoạt như “trại tập trung của Đức quốc xã”. Trước đó, trong cú điện thoại gọi về gia đình, bà Huệ cho biết là bị xâm hại nghiêm trọng về quyền lợi dành cho các tù nhân theo công ước quốc tế. Điển hình là mỗi tù nhân có không tới 2 thước vuông trong phòng giam và không có nhà ăn.
Cần nhắc lại, bà Đặng Thị Huệ bị bắt giam vào tháng 10 năm 2019, với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”. Trong phiên tòa sơ thẩm vào tháng 5 năm ngoái, bà Huệ bị kết án 18 tháng tù, nhưng sau đó được giảm 3 tháng. Cộng thêm với bản án treo 24 tháng trong một vụ án trước đó, bà Huệ phải ở tù tổng cộng 39 tháng.
2) VIỆT NAM SẼ TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU DỰ LUẬT ĐẶC KHU
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết là vừa gửi thư đề nghị quốc hội tiếp tục nghiên cứu dự luật đặc khu để phát triển kinh tế.
Theo tuyên bố của ông Phúc, dự luật đặc khu trước đây bị người dân chống đối dữ dội là vì không tuyên truyền đúng đắn, nên không thuyết phục được người dân. Tuy nhiên, theo chiến lược mới nhất về phát triển kinh tế trong 10 năm sắp tới mà đại hội đảng lần thứ 13 vừa thông qua, việc thành lập các đặc khu kinh tế là điều cần phải thực hiện.
Cũng theo tiết lộ của ông Phúc trong cuộc họp nhà nước vào hôm Chủ nhật 28/3, trong vòng 5 năm tới, VN cần phải nỗ lực xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, với tổng phí tổn dự trù là hơn 120 tỷ Mỹ kim. Ông Phúc bày tỏ ước mơ là đến năm 2030, VN sẽ có khoảng 5,000km đường cao tốc và hàng chục phi trường hiện đại.
3) ĐÁNH BOM TỰ SÁT Ở NHÀ THỜ NAM DƯƠNG TRONG DỊP LỄ PHỤC SINH
Hai người đàn ông đã đánh bom tự sát ở bên ngoài một nhà thờ Công giáo tại thành phố Makassar của Indonesia, khiến ít nhất 14 người bị thương vào hôm Chủ nhật 28/3, tức ngày đầu tiên của lễ Phục sinh.
Hai tên khủng bố nói trên đã đi trên một chiếc xe gắn máy và đang tiến vào nhà thờ thì bị chận lại nên lập tức nổ bom tự sát. Tổng thống Joko Widodo lập tức lên án đây là hành vi khủng bố và yêu cầu lực lượng an ninh phải lùng tìm nhóm phiến quân chủ mưu vụ này.
Vụ tấn công xảy ra vào lúc 10 giờ rưởi tối hôm qua, vào lúc chấm dứt buổi Lễ Lá của các tín đồ Công giáo. Ít nhất 14 người đã bị thương, trong khi hai tay khủng bố đều tan xương nát thịt. Cần nói thêm, các vụ tấn công vào nhà thờ Công giáo thường xuyên diễn ra ở Nam Dương, một đất nước có số tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới. Vào năm 2018, hàng chục người đã thiệt mạng trong các vụ đánh bom ở thành phố Surabaya.
4) HƠN 3,000 NGƯỜI MIẾN ĐIỆN ĐÃ THÁO CHẠY SANG THÁI LAN
Sau đợt không kích dữ dội của quân đội Miến Điện vào hôm thứ Bày 27/3, hơn 3 ngàn người dân ở tỉnh Karen thuộc đông nam Miến Điện đã tháo chạy sang Thái Lan.
Theo lời kể của nhân chứng, quân đội Miến đã mở cuộc không kích xuống 5 khu vực ở huyện Mutraw, sát biên giới Thái Lan, nơi có một trại tỵ nạn của sắc dân Karen. Hàng ngàn người đã chạy vào rừng để lánh nạn, trong khi 3 ngàn người khác đã vượt biên giới chạy sang đất Thái.
Các vụ oanh kích nói trên diễn ra vào ngày Quân lực Miến Điện, tức hôm thứ Bảy 27/3, với hơn 120 người biểu tình bị cảnh sát và binh sĩ bắn chết trên toàn quốc. Phẫn nộ trước cuộc tàn sát đẫm máu này, vào hôm qua, giới chỉ huy quân đội của 12 nước trên thế giới, trong đó có Anh, Mỹ, Úc và Canada đã gấp rút ra một tuyên bố chung, lên án hành vi tàn bạo của tập đoàn quân phiệt Miến Điện.
Đây là một hành động hiếm hoi trên thế giới kể từ nhiều năm qua, thể hiện sự đồng lòng của quân đội ở các nước Á châu và Âu châu. Trước đó, LHQ và chính phủ nhiều nước đã lên án chiến dịch đàn áp đẫm máu ở Miến Điện, nhưng tập đoàn quân phiệt nước này vẫn không lùi bước.
5) CAMPUCHIA VẪN LAO ĐAO VÌ ĐỢT DỊCH VŨ HÁN LẦN THỨ 3
Vào cuối tuần qua, số ca nhiễm dịch Vũ Hán vẫn ở mức kỷ lục, với 179 ca chỉ riêng trong ngày thứ Bảy 27/3, trong đó có 2 ca tử vong.
Đa số các ca nhiễm mới nhất đều liên quan đến vụ 4 bệnh nhân Trung Cộng đã trốn khỏi khu cách ly ở thủ đô Phnom Penh vào ngày 20/2, nên trở thành nguồn lây nhiễm chính yếu trong đợt dịch lần này. Tỉnh Kandal, nằm sát biên giới VN, cũng ghi nhận thêm 4 ca nhiễm nhưng không có công dân Việt nào nằm trong số này.
Tính đến chiều tối hôm qua, giới chức y tế Campuchia ghi nhận được 2,300 ca nhiễm và 10 ca tử vong, với hơn một nửa đều xuất phát từ 4 người Tàu trốn khỏi khu cách ly nói trên. Khoảng 30 người Việt cũng nằm trong danh sách bị nhiễm dịch.
No comments:
Post a Comment