Để tưởng niệm “Người Lính Già Vũ Cao Quận”, Đài DLSN trân trọng giới thiệu tập hồi ký “Chín ngày trong một đời người”.Hôi ký do Bá Cơ diễn đọc và sẽ được phát thanh vào mỗi tối thứ tư hàng tuần. Sau đây là bài 7
Chỗ nằm của tù nhân, thay cho giường 2 tầng là tầng trệt là sàn cao hơn đường đi chừng 10 cm. Tầng 2 là sàn đúc bê tông cách tầng trệt 1 mét. Cả hai mặt sàn nằm đều lát đá hoa. Nhà vệ sinh và chỗ tắm ốp gạch men trắng, hố vệ sinh tự hoại. Nói chung buồng G1 kể cả cái sân nhỏ là một căn nhà nhỏ lý tưởng cho một cặp vợ chồng trẻ nghèo ở đời thường. Tất nhiên là không có cái sàn bê tông tầng 2. Căn buồng ngủ rất sạch sẽ, liền kề là nhà vệ sinh cũng rất sạch sẽ. Không mạng nhện, không thạch sùng, không muỗi, kiến, cho nên đồ tiếp tế cho tù nhân như thịt kho, gà luộc, ngan rán… ăn không hết bảo quản để trên giá ba lô có quạt trần quạt 24/24 không kém gì để ở tủ lạnh. Cũng cần nói thêm là không có chuột và gián, nếu ở nhà như nhà tôi thì sự sạch sẽ còn thua căn buồng tù tôi đang ở. Trên góc cao gần sát trần có cái giá để một cái tivi 14 inch Sanyo. Tivi được mở từ 18 giờ đến 22 giờ 30. Chủ nhật mở cả ngày[1]. Sở dĩ tôi kể tỉ mỉ sự tốt đẹp, nhân đạo của một buồng tù xã hội chủ nghĩa như một bát cơm gạo trắng rất ngon tương phản với con gián chết nằm chềnh ềnh trên bát cơm là cái cùm chân ở góc tường trệt. Chưa lúc nào tôi cảm nhận thấy hết cái hay, cái thâm thúy về thuyết “cái gậy và củ cà rốt” len lỏi vào tận chốn ngục trung này.
Vì họ chuyển tôi từ phòng tạm giữ ở số 14 Lê Quýnh lên trại tạm giam trung tâm (từng có tên cũ là trại tạm giam Trần Phú) nên khi vợ tôi lên đưa cơm thì tôi đã bị chuyển đi rồi. Do đó chiều hôm đó tôi không có suất ăn. Dù rằng trước đó hai bữa tôi chỉ ăn qua loa chút phở và cháo, nhưng ở tuổi tôi, tôi có thể nhịn thêm bữa trưa mai cũng được. Trong khi hai ông bạn tù đang mê mải xem tivi tôi lặng lẽ mắc màn đi nằm thì Tr.T. kêu lên: “Ối, suýt quên. Nhân có ông Quận mới đến không có cơm chiều, hôm nay ngoài cơm có bữa chè tù”. Tr.T. lôi từ tầng trệt lên một cái xô nhựa đỏ có nắp đậy và một cái cặp lồng nhựa cũng màu đỏ, vừa đặt lên sàn ngủ ông vừa nói như giải thích cho bạn tù mới: ở nhà tù mỗi thàng được ăn hai bữa chè, hai bữa thịt, hai bữa cá. Hôm nay chè chiều nên tôi múc một xô và một cặp lồng, các ông ăn tự nhiên, bỏ thì phí lắm. Khi mở nắp xô và cặp lồng, tôi có cảm tưởng phải mười đến mười hai người mới ăn hết chỗ chè đó. Ông múc ra hai cái bát nhựa mỏng, bé tí như bát cho các cháu mẫu giáo ăn vì trong tù không được dùng bất cứ thứ gì cứng. Oâng mời tôi và M. ăn. Tôi ở nhà vốn khoảnh ăn chè, nhất là chè “bà cốt” tôi lại càng không ăn nên toan cảm ơn và từ chối thì ông lại nói: “ông ăn đi một tí mà lấy sức”. Nể lời ông, tôi cầm bát múc ăn. Ông nhường tôi cái bát và thìa của ông cho tôi, còn ông ăn bằng cái muôi nhựa to và ăn luôn vào cặp lồng.
bài 8:
Miếng ăn được hưởng cái “ân huệ” đầu tiên của nhà tù là miếng chè tù
tôi đang nhai và nuốt trong mồm. Định nghĩa cho đúng từ “chè” là món
cháo gạo tẻ nấu thật nhuyễn với đường vàng có thoang thoảng mùi gừng.
Tuy không muốn ăn và bụng cũng không thấy đói nhưng thật thú vị càng ăn
càng thấy ngon nên khi ông múc cho bát thứ hai tôi cũng ăn hết. Tóm lại
ngon thì ngon, ba chúng tôi cũng chỉ ăn hết chừng hai phần mười số chè.
Tr.T. cẩn thận đậy nắp xô lại cất xuống tầng trệt nói là để mai nếu
không bị thiu thì vẫn ăn tốt. Tôi chợt nhớ tới “Đêm Giữa Ban Ngày” hoặc
“Chuyện Kể Năm 2000” phải sống trong cái vai kịch bi thảm ấy thì con
người sẽ ăn được bất cứ thứ gì miễn là sống, ăn những của thiu thối vất
trong nước gạo của nhà tù. Mà cũng khó tưởng tượng nổi là con người biến
thành con thú từ lúc nào mà chỉ dùng hai hàm răng mà ăn ngấu nghiến hết
mười quả dứa còn cả vỏ. Chỉ nguyên nói về miếng ăn thì tôi “một tù
nhân” ngây ngô, ngốc nghếch này chắc phải học hỏi các bậc đàn anh tù tội
còn dài dài như: Trần Thư, Vũ Thư Hiên, Phùng Văn Mỹ, Bùi Ngọc Tấn…
hoặc các bậc sư tổ về tù tội như: thiếu tướng Đặng Kim Giang, Vụ trưởng
Vũ Đình Huỳnh, Viện trưởng Viện Mác Lênin Hoàng Minh Chính… để chuẩn bị
tinh thần cho chuỗi ngày tù không định sắp tới.
Tuy nhiên suy
nghĩ cũng chỉ là suy nghĩ, vì thời kỳ “trung cổ Việt Nam” của hai bạo
chúa họ Lê cũng qua rồi và bước tới thời kỳ hy vọng đất nước Việt Nam sẽ
tươi sáng hơn, sẽ tự do dân chủ hơn, sẽ nhân hậu thương dân hơn dưới sự
trị quốc, an dân của “minh quân” Nông Đức Mạnh mới lên ngôi cách đây 3
ngày. Lòng thanh thản tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết nữa.
No comments:
Post a Comment