Sunday, March 14, 2021

Tin Tức: Chủ Nhật, 14.3.2021

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Khánh Ngọc và Nguyên Khải

1) VIỆT NAM TIẾP TỤC TIÊM VACCINE ASTRAZENECA

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục việc tiêm vaccine phòng virus Vũ Hán của AstraZeneca cho dù có một vài phản ứng nghiêm trọng xảy ra cho người được tiêm thuốc này trên thế giới.

Sau bốn ngày tiêm từ 08.03 cho hơn 1.500 người ở 13 cở sở thuộc 9 tỉnh ở Việt Nam, Bộ Y tế cho hay những người được tiêm đều có phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy…

Bộ Y tế cho biết hiện có hai nguồn vaccine Astrazeneca nhập khẩu về Việt Nam. Thứ nhất là nguồn hỗ trợ của COVAX Facility, cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) thành lập, các nhà sản xuất vaccine và các đối tác lập ra. Nguồn vaccine này sau khi về đến Việt Nam sẽ được chuyển thẳng cho Chương tình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Nguồn thứ hai là vaccine Astrazeneca nhập khẩu theo thoả thuận ký kết giữa Bộ Y tế, Công ty Astrazeneca và Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Cuối tháng 02, Việt Nam đã nhận 117.600 liều vaccine của hãng AstraZeneca do SK Bio Nam Hàn sản xuất.

2) GẦN 90% DOANH NGHIỆP VIỆT NAM BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH VŨ HÁN

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói rằng gần 90% doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch virus Vũ Hán. Tác động do dịch gây nên là mất cân bằng dòng tiền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc, ngừng hoạt động và thậm chí phá sản.

Hơn 87% trong số hơn 8.600 doanh nghiệp tham gia khảo sát bị ảnh hưởng tiêu cực, 11% không bị ảnh hưởng và 2% ảnh hưởng theo chiếu hướng tích cực. Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất là may mặc, thông tin, truyền thông, thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ.

Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức thấp nhất trong năm 2020 khi chưa bằng một nửa so với những năm trước đây và số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đến mức kỷ lục và vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.

3) NHẬT BẢN GIÚP VIỆT NAM XÂY DỰNG CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ RÁC THẢI

Nhật Bản đã đồng ý tăng cường hợp tác trong việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn không phát thải theo đề nghị của Việt Nam tại cuộc họp lần thứ 3 của Ủy ban hỗn hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam với Bộ Môi trường Nhật Bản diễn ra trong tuần qua. 

Tại cuộc họp, Việt Nam đề xuất phía Nhật Bản tiếp tục thực hiện các công việc có liên quan tới những nghiên cứu sâu rộng về các công cụ kinh tế trong việc điều hành rác thải sinh hoạt để đóng góp vào việc xây dựng kinh tế tuần hoàn, từ đó giúp Việt Nam xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn việc thi hành luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.

Bộ Môi trường của Nhật đồng ý tiếp tục hợp tác và chia sẻ thông tin với Việt Nam trong việc xây dựng các tiêu chuẩn và tiêu chí có liên quan cũng như xây dựng các văn bản pháp lý để phân loại, vận chuyển, tái chế và xử lý rác thải. Nhật có thể hỗ trợ Việt Nam bằng việc cử chuyên gia tới Việt nam để giúp xây dựng và kiểm duyệt các văn bản hướng dẫn việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường.  Trong thời gian tới, hai bên sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến để làm rõ các vấn đề liên quan tới việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn để bảo vệ môi trường.

Nhật Bản là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam trên thế giới. Năm 2014, hai bên quyết định nâng cấp Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản thành Quan hệ Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì Hòa bình và Phồn vinh ở Châu Á.

4) HOA KỲ HỨA HẸN MỘT LIÊN MINH TRONG BỘ TỨ ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI ĐẠI DỊCH VIRUS VŨ HÁN VÀ TRUNG CỘNG

Vào thứ Sáu ngày 12.03, một ngày sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với thủ tướng các nước Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc trong khuôn khổ Diễn đàn Đối thoại không chính thức bốn bên (QUAD), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thông báo một sáng kiến chung: Sản xuất một tỷ liều vac-xin ngừa virus Vũ Hán tại Ấn Độ. Đây cũng là bước đầu tiên của tân tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc phản công ngoại giao chống Trung Cộng.

Bản thông cáo chung kết thúc cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của nhóm này cho rằng bốn quốc gia mong muốn có một khu vực tự do, rộng mở toàn diện, an toàn, thấm nhuần các giá trị dân chủ và không ràng buộc. 

Văn bản do tòa Bạch Ốc công bố nhấn mạnh tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và tự do hàng hải,  đồng thời nhắc đến các tranh chấp chủ quyền tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, những khu vực mà Bắc Kinh thường xuyên tiến hành các hành động quấy nhiễu.

Việc Hoa Kỳ cho phép Johnson&Johnson sản xuất vac-xin tại Ấn Độ nhằm mục tiêu là không để cho Bắc Kinh độc quyền sản xuất vac-xin trong khu vực. Cả bốn nước này tuyên bố muốn có một mối liên minh bền vững và lâu dài. Một cuộc họp thượng đỉnh mới, với sự hiện diện của nguyên thủ và lãnh đạo các chính phủ, sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

5) AN NINH MYANMAR BẮN CHẾT 12 NGƯỜI BIỂU TÌNH VÀO THỨ BẢY

Truyền thông quốc tế đưa tin bạo lực leo thang ở Myanmar và lực lượng an ninh của nước này đã hạ sát ít nhất 12 người trong khi trấn áp người biểu tình chống đảo chính vào ngày thứ Bảy. Các người biểu tình bị bắn chết ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, thành phố Pyay ở miền trung, và thủ đô thương mại Yangon.

Cho đến nay đã có hơn 70 người thiệt mạng ở Myanmar trong các cuộc biểu tình lan rộng chống lại việc quân đội tiếm quyền. Nhà cầm quyền quân sự Myanmar tăng cường trấn áp trong khi các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản tuyên bố sẽ hợp tác để khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này.

Vào thứ Sáu ngày 12.03, Anh Quốc kêu gọi công dân của họ ở Myanmar rời nước này, cùng lúc Nam Hàn tuyên bố sẽ đình chỉ những trao đổi quốc phòng và xét lại viện trợ phát triển cho Myanmar.

Nga, nước có quan hệ gần gũi với quân đội Myanmar, lo ngại về tình hình bạo lực gia tăng và đang “phân tích” liệu có nên tạm ngừng hợp tác quân sự-kĩ thuật hay không.

Cũng liên quan đến bạo lực ở Myanmar, Hoa Kỳ tạm thời đình chỉ trục xuất các công dân Myanmar sống ở Mỹ vì cuộc trấn áp của quân đội ở nước này. Nhà chức trách Hoa Kỳ cũng cấp giấy phép lao động cho khoảng 1.600 người Miến Điện đang ở Mỹ, trong đó có các nhà ngoại giao bất đồng với chính quyền quân sự Myanmar. Họ đủ điều kiện để được hưởng Tư cách Được Bảo vệ Tạm thời (TPS) trong 18 tháng.

No comments:

Post a Comment