Kính thưa quý thính giả, trong thế giới đương đại bao gồm tương lai trung hạng, Trung Quốc chứ không phải Nga Sô mới thực sự là đối thủ chiến lược lợi hại nhất của Hoa Kỳ. Chính vì thế Hoa Kỳ đang nổ lực xây dựng và củng cố những liên minh chiến lược từ Á sang Âu hầu chế ngự con khủng long Trung Quốc. Mời quý thính giả nghe phần bình luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Mỹ-Trung lôi kéo đồng minh, lập thế trận toàn cầu mới” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh của đài ĐLSN tối hôm nay.
Hiếu Chân
Chính phủ Joe Biden mới cầm quyền được hai tháng nhưng theo giới quan sát chính trị quốc tế, quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đại diện cho hai nguyên tắc đối lập nhau trong quản trị quốc gia – đã rơi xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao dưới thời cựu Tổng Thống Jimmy Carter.
Biểu trưng cho sự đối đầu này là cuộc họp đầy sóng gió ở Anchorage, tiểu bang Alaska, cuối tuần trước giữa hai phái đoàn ngoại giao. Ở đó, hai bên tố cáo lẫn nhau bằng những lời lẽ nặng nề ngay trước ống kính truyền hình.
Nhưng nhận định quan hệ Mỹ-Trung “xuống mức thấp nhất” có thể chưa phản ánh đầy đủ tính chất nghiêm trọng của tình hình. Thực tế, giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã hình thành một cuộc xung đột mới, một thế “lưỡng cực” mới, không chỉ về thương mại (thương chiến) mà bao trùm lên hầu như tất cả mọi lĩnh vực, từ thể chế chính trị tới quân sự, công nghệ, nhân quyền, văn hóa giáo dục và truyền thông. Hơn thế nữa, mỗi bên đều nỗ lực dùng mọi cách thức để lôi kéo đồng minh và đối tác, hình thành khối liên minh để chống lại phía bên kia nhằm giành lấy hoặc duy trì vị thế siêu cường thống lĩnh thế giới.
Xu thế đối đầu Mỹ-Trung đã manh nha từ lâu nhưng đặc biệt tăng tốc từ khi ông Biden lên làm tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ với đường lối củng cố khối đồng minh dân chủ để ngăn chặn các thể chế độc tài của Trung Quốc, Nga, Iran và một số quốc gia Cộng Sản cũ như Bắc Hàn, Việt Nam, Cu Ba…
Trung Quốc tất nhiên không ngồi yên. Kẻ thù của kẻ thù là bạn – câu đó đúng với trường hợp Nga và Trung Quốc. Hai nước từng là đối thủ tranh giành quyền lãnh đạo thế giới Cộng Sản thời Chiến Tranh Lạnh nhưng đã xây dựng mối quan hệ bền chặt trong những năm gần đây do cùng phản đối trật tự tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo. Hai nước có những mối tương đồng về thể chế chính trị, cùng theo mô hình độc tài toàn trị.
Đảng Cộng Sản cầm quyền ở Trung Quốc không cho phép đối lập chính trị và kiểm soát chặt chẽ xã hội dân sự, trong khi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã thẳng tay đàn áp những công dân kêu gọi một hệ thống cởi mở hơn. Đầu tuần này, Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến Trung Quốc hội đàm với Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị để tái khẳng định mối quan hệ thân thiết Bắc Kinh-Moscow, cùng chống lại các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và phương Tây.
Quan hệ Mỹ-Trung chuyển từ ràng buộc (engagement) sang cạnh tranh (competition) và đối đầu (adversary) từ khi ông Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư đảng Cộng Sản kiêm chủ tịch nhà nước Trung Quốc gần 10 năm trước. Để thay thế cái trật tự thế giới do Hoa Kỳ thiết lập và duy trì từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, Bắc Kinh đã từng bước lập ra một trật tự mới lấy Trung Quốc làm trung tâm hoặc lũng đoạn các định chế quốc tế hiện tồn như Liên Hiệp Quốc và các tổ chức của Liên Hiệp Quốc mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) bị Bắc Kinh thao túng trong vụ đại dịch COVID-19 hiện nay là một ví dụ.
Cuộc đối đầu Đông-Tây hiện nay có thể nói, là do Trung Quốc chủ định từ nhiều năm trước và nay đã đến lúc Hoa Kỳ phản ứng lại.
Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi lên cầm quyền diễn ra chiều Thứ Năm, 25 Tháng Ba, Tổng Thống Joe Biden đã trình bày tóm tắt những việc mà Hoa Kỳ sẽ làm trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Đối nội, Washington sẽ gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sáng tạo và công nghệ, mở rộng sản xuất công nghiệp để ổn định dây chuyền cung cấp giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc; đối ngoại là củng cố các khối đồng minh Âu-Á với các nước có cùng chí hướng ngăn chặn độc tài.
Sự trả đũa của Trung Quốc rõ ràng đang làm cho Châu Âu đoàn kết hơn, gần gũi với Hoa Kỳ hơn, và tạo thuận lợi rất nhiều cho chuyến công du của Ngoại Trưởng Blinken.
Rõ ràng thế giới đang bước vào một thời kỳ Chiến Tranh Lạnh mới, rộng lớn hơn, đa diện hơn và quyết liệt hơn nhiều so với cuộc chiến đã kết thúc khi Liên Xô và khối Cộng Sản Đông Âu sụp đổ bốn mươi năm trước. Học thuyết về “Điểm Tận của Lịch Sử” (The End of History) cho rằng chế độ dân chủ-tự do đã trở thành hình thái cuối cùng, ưu việt nhất của xã hội loài người, theo học giả Francis Fukuyama, xem ra đã quá lạc quan và không chính xác
No comments:
Post a Comment