Monday, March 29, 2021

Hồ Chí Minh và Cơ Quan Tư Pháp (1)

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hoàng Ân

Tiến Văn

Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,

Trong tất cả các bài viết ở chuyên mục này, mọi người có thể nhận thấy khi nói về chế độ hiện hành tại Việt Nam, các từ Quốc Hội hay Tòa Án đều được chúng tôi để trong dấu nháy nháy nhằm chỉ thị rõ chúng không phải là các định chế thật như tên gọi.

Nói về tòa án chúng ta không thể không nói đến vai trò của các quan tòa những người thường được gọi theo danh từ hiện đại là các thẩm phán. Chưa nói đến các lý thuyết dân chủ cao xa, khi nói đến thẩm phán là chúng ta phải hình dung ra và mong mỏi rằng đó phải là những người công tâm, độc lập; họ chỉ xét xử theo pháp luật và theo trí óc xét đoán dựa trên nền tảng công lí để xác định sự thật trong một vụ án. Để đạt được mong mỏi đó, điều tối thiểu là các thẩm phán không phải tuân theo sự chỉ đạo của bất cứ ai, đồng thời đời sống, lương bổng, sự thăng tiến của họ cũng không bị lệ thuộc vào bất cứ ai ngoại trừ pháp luật và phẩm hạnh của họ.

Theo tư tưởng dân chủ, thẩm phán nói riêng và cơ quan quyền lực tư pháp nói chung phải giữ được sự độc lập của riêng mình, không phải chịu sự chỉ đạo của cá nhân hay của các cơ quan quyền lực khác như chính phủ hay quốc hội. Thẩm phán và cơ quan tư pháp càng không thể và không được hợp tác, làm việc cùng với các cơ quan quyền lực khác để tránh mọi ảnh hưởng, tác động ngầm do sự thân quen có thể gây ra. Đây chính là ý niệm cơ bản trong lí thuyết phân quyền của các chế độ dân chủ.

Tuy nhiên, trong chế độ do Hồ và đồng bọn tạo dựng, tính chất độc lập của thẩm phán và tư pháp đã bị thao túng và phá bỏ từ rất sớm.

Đầu năm 1948, Hồ đã đích thân gửi một lá thư tới Hội Nghị Tư Pháp toàn quốc diễn ra tại Việt Bắc với thâm ý muốn chỉ đạo các vị quan tòa và nghành tư pháp phải gắn kết theo sự chỉ đạo của cơ quan hành chính tức chính phủ dưới sự điều khiển của chính Hồ và đảng cộng sản. Với sự tinh ranh và khéo léo, Hồ đã viết thế này:

…Công việc tư pháp cũng như mọi công việc khác là càng làm ta càng tiến bộ, nhưng càng tiến bộ ta càng thấy rõ những sự trở ngại và những khuyết điểm nó còn sót lại… Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của Chính quyền, cho nên càng phải đoàn kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung cho cả tư pháp và hành chính.

Tuy nhiên, trong nghành tư pháp lúc đó đa phần các cán bộ, thẩm phán là những người đã qua giáo dục thời Pháp và chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ đòi hỏi tư pháp phải độc lập, họ đã phản bác lại ý muốn của Hồ muốn “tư pháp phải đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với hành chính”. Khi kết thúc, Hội Nghị đã nêu rõ quan điểm của những người làm công tác tư pháp, làm thẩm phán vào năm 1948 như sau:

Một. Cơ quan tư pháp dưới quyền kiểm soát của Ủy ban kháng chiến hành chính, chứ không phải dưới quyền kiểm soát của ông Ủy viên hành chính của Ủy ban này. Vì vậy, chỉ có ông Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính, đại diện cho ủy ban mới có quyền kiểm soát cơ quan tư pháp.

Hai. Kiểm soát là xem xét cách làm việc về đại cương, về chính trị, chứ không phải can thiệp vào phạm vi chuyên môn của cơ quan tư pháp.

Như vậy các trí thức của chúng ta dù đi theo Hồ vẫn cố gắng giữ cho được sự công tâm, độc lập của những người ngồi ghế quan tòa.

Đáng tiếc rằng, đây hoàn toàn không phù hợp với ý muốn và tham vọng của Hồ vì nếu tư pháp và tất cả các vị quan tòa đều độc lập thì bản thân Hồ và đồng đảng sẽ bị bó tay không thể nào tự ý hành xử một cách vô pháp, không thể nào muốn bắt ai, kết tội ai theo ý muốn của chúng.

Sau khi quyết nghị nói trên được công bố, Hồ đã cho guồng máy tuyên truyền tấn công lại quan điểm tư pháp độc lập. Báo Sự Thật, tiền thân của báo Nhân Dân ngày nay, ra ngày 15 tháng 4 năm 1948 in một bài viết có nhan đề “Tư pháp với Nhà nước” với quan điểm độc đoán rất trắng trợn rằng:

Tư pháp là một nghành của nhà nước. Nhà nước như một cái máy và nói chung tư pháp là một bộ phận trong cái máy đó… ý nghĩa, hình thức và tác dụng của tư pháp phải tùy thời đại và chế độ xã hội mà thay đổi… Cũng vì lẽ ấy bộ máy dân chủ cộng hòa Việt Nam sau ngày 2-9-45 không thể lập y bộ phận tư pháp trước ngày 19-8-45.

Tuần sau chúng ta sẽ trao đổi tiếp về các hành vi của Hồ trong ý đồ biến tư pháp thành công cụ trấn áp cho chính quyền của y.

Hoàng Ân cùng Tiến Văn xin tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị cùng anh chị em trong chuyên mục tuần tới.

28/03/2021

No comments:

Post a Comment