Để tưởng niệm “Người Lính Già Vũ Cao Quận”, Đài DLSN trân trọng giới thiệu tập hồi ký “Chín ngày trong một đời người”. Sau đây, mời quý thính giả tiếp tục theo dõi tập hồi ký qua sự trình bảy của Bá Cơ…
Chín ngày trong một đời người.
Bài 6
Khoảng 17 giờ ngày 25-04-2001 tôi, công dân Vũ Cao Quận chính thức bị nhà cầm quyền nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa bắt bỏ tù, một nhà tù thực sự 100%. Còn ngôn từ tạm giam hay tạm giữ chỉ là câu chữ của giấy tờ. Đến hôm nay dù chỉ là những dòng hồi ký, tôi cực lực phản đối việc bắt giữ vi hiến và phi pháp này.
… Qua cổng chính đến một cái sân nhỏ, có lẽ là phòng giam của tù nữ vì tôi thấy mấy cô khoảng 35, 40 tuổi gì đó đang lao động quét dọn, vừa làm vừa chuyện trò, vẫn vô tư, vui vẻ. Nhìn cảnh lạc quan của mấy nữ tù nhân, tuy lạ lẫm bỡ ngỡ nhưng tôi tự thấy hình như họ truyền niềm tin một điều gì tốt đẹp ở cái nơi khốn khổ này cho tôi. Rồi qua một sân lớn có căng lưới bóng chuyền họ dẫn tôi vào một căn phòng hình lục lăng thì phải, vì có nhiều cửa sắt dẫn đến các khu nhà giam. Giữa sàn có kê một cái bàn làm việc dài và ghế băng. Ngồi đó có khoảng 5, 6 công an quản giáo cấp đại úy hay thiếu tá gì đó, ở cạnh tường tôi đã thấy có một hai tù nhân đã ngồi ở ghế đó, tôi toan ngồi vào nhưng một công an giọng lạnh tanh: “Này, ngồi xuống đất”. Tôi vừa căm phẫn, vừa cam phận của một người tù tôi ngồi bệt xuống đất. Ngồi cạnh tôi là một cháu thanh niên mặt mũi sáng sủa. Cháu chủ động hỏi tôi: “Bác bị bắt về tội gì?”. Tôi trả lời: “Chính tôi cũng chưa hiểu tôi bị bắt về tội gì !”. Có thể cháu tưởng tôi là một ông già lẩm cẩm nên không hỏi nữa. Chợt một câu nói tưởng như bâng quơ, nhưng đây là một lời dằn mặt hay nhắc khéo của một tù “tự giác” có vẻ là tổ trưởng gì đó nói: “Mẹ kiếp. Vào đến đây mà cứ làm như… lại còn đội mũ…”. Tôi chợt nhớ đến “cái mũ vải” lão ông của đời thường tôi đang đội. Nghĩ bụng, ai vào tù bao giờ mà biết vào tù phải bỏ mũ. Tôi vo viên cái mũ đút vào túi quần. Chưa yên, trong khi chờ bàn giao tôi cho trại giam, mấy cặp mắt quản giáo trừng trừng nhìn tôi như nhìn một con vật lạ. Quả có thế, những lão già có tuổi gần 70 như tôi sa chân vào đây không nhiều. Một công an có bộ mặt to béo đỏ hồng như tây hỏi giật giọng: “Này, dắt gái hay ma túy hả?”. Tôi nhẫn nhục không trả lời. Nhưng lại một tiếng vu vơ khác, lần này từ miệng một thiếu tá công an mang phù hiệu quân y (chắc là bác sĩ): “Già rồi mà còn chống Đảng”. Có lẽ bị sự kìm nén về “môi trường” và thái độ khinh bạc, tôi phản ứng ngay: “Này, anh biết gì về tôi mà chống Đảng với không chống Đảng?”. một giọng đáp lại ngay: “Im cái mồm, vào đây đừng có lý sự.” Ở chốn tù đày này lời nói đầy quyền lực ấy là một chân lý, trước “dùi cui” đừng có lý sự. Tôi “tiếp thu” và câm miệng ngay.
Bàn giao xong, họ ra lệnh khám xét tư trang. Trên nền đất bẩn thỉu, họ bắt tôi lôi quần áo từ ba lô ra và cả chăn màn, họ sai cái cậu tù có vẻ tổ trưởng tới lộn tùng phèo đồ đoàn của tôi. Họ thu lại cái bàn chải, hộp sữa bột vợ tôi mới gửi có vỏ bằng sắt. May mà có cái kính và mấy trăm ngàn nhờ V.L. chuyển giúp cho vợ tôi. Nhưng chưa xong… tay thiếu tá bác sĩ gọi tôi lại gần bàn đo huyết áp cho tôi. Khi tôi vén tay áo thì lộ ra cái đồng hồ nữ tí xíu của con gái tôi, họ nói: “Ồ, lại còn định giấu đồng hồ hả”. Nghĩ bụng thân còn chẳng tiếc, tiếc gì cái đồng hồ. Đã bao giờ vào tù đâu mà biết đồng hồ tí xíu mà cũng bị thu, ừ nộp thì nộp. Họ lập biên bản thu giữ cái đồng hồ, nhưng hôm được trả tự do tôi cũng chẳng đòi lại. (Khoảng 6 tháng sau, khi trung tá P. biết việc này anh đã nhiệt tình lên tận trại giam nhận lại đồng hồ trao cho tôi). Mọi thủ tục đã xong, một đại úy to béo như tây hất hàm ra lệnh cho tôi theo anh ta. Qua hai lần cửa sắt, tôi đến khu buồng giam mà hôm sau tôi mới biết tên nó. Đó là khu G. tôi được dẫn vào phòng G1 được đề biển bên ngoài là “Phòng tạm giam”. Qua cánh cửa sắt vào phòng tạm giam là một cái sân nhỏ chừng 10m2 có xây một bể nước chứa khoảng gần khối nước và một cái chạn để thức ăn và bát đũa cho tù nhân. Khi cửa buồng giam được mở, tôi bước vào đã thấy có hai bạn tù đã ở trong đó. Họ thu dọn và chỉ chỗ nằm cho tôi.
No comments:
Post a Comment