Thứ Sáu, ngày 07.08.2015
Sinh hoạt dân chủ tiêu biểu trong xã hội là quyền tự do hội họp và lập hội. Đây là chuyện đương nhiên và cũng là một trong những quyền hiến định tại Việt Nam. Mời quý thính giả theo dõi Quan Điểm của LLDT/CNTQ, về bản dự thảo “Luật về Hội” do quốc hội dự tính thông qua trong năm 2016, và áp dụng vào đầu năm 2017 qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Kính thưa quí thính giả,
Một trong những quyền tự nhiên của con người sống trong xã hội là tự
do hội họp và lập hội. Quyền này đã được ghi rõ ở điều 20 củabản Tuyên
Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 rằng: "(1) Ai cũng có quyền tự do hội
họp và lập hội có tính cách hòa bình. (2) Không ai bị bắt buộc phải gia
nhập một hội đoàn". Quyền ấy lại được minh thị trong điều 22 Công Ước
Quốc Tế về các quyền Xã Hội và Dân Sự năm 1966, nội dung ghi rằng: "Ai
cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các
nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình". Việt Nam đã là hội viên Liên
Hiệp Quốc, và còn là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Hơn thế nữa, Điều 25 bản Hiến Pháp của CHXHCN Việt Nam năm 2013, đã quy
địnhrằng: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận
thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do
pháp luật quy định."
Cho đến nay, nước ta chưa có một bộ luật nào nhằm hướng dẫn việc lập
hội và bảo vệ quyền lập hội của người dân như đã nêu trên, mà chỉ có
những sắc lệnh và nghị định nhằm cấm cản, kiểm soát và hạn chế sinh hoạt
đoàn hội của công dân mà thôi.
Do sự đòi hỏi của các định chế quốc tế khi Việt Nam muốn được tham dự
vào sân chơi chung; và vì nhu cầu phát triển ý thức dân chủ của người
Việt Nam đang lên cao, thể hiện bằng sự ra đời của nhiều tổ chức xã hội
dân sự độc lập, khiến quốc hội VN phải cho ra đời một bộ luật về hội
đoàn. Ngày 9 tháng 6 năm 2015 trên trang thông tin Thư ViệnPhápLuật của
VN, đã xuất hiện một bản dự thảo mang tên Luật về Hội, mà Quốc Hội dự
tính sẽ ban hành trong năm 2016, có hiệu lực vào đầu năm 2017. Dự thảo
này có 8 chương và 37 điều.
Thoạt nhìn qua, chúng ta thấy như có một tia hy vọng lóe lên ở cuối
đường hầm, vì đã từ rất lâu cuộc tranh đấu cho quyền tự dohội họp và lập
hội vẫn chỉ là một ước mơ viễn vông, nay có một bộ luật ra đời xác định
quyền ấy, thì quả thật đó là một niềm vui lớn. Nhưng khi đọc kỹ, đi sâu
vào chi tiết bản dự thảo, thì niềm hy vọng vụt tắt lịm ngay, vì nội
dung của nó không hề bảo vệ quyền lập hội, mà chỉ thấy những rào cản gồm
nhiều vòng đai rất kiên cố, để ngăn chận và kiểm soát, từ khâu vận động
thành lập, giấy phép thừa nhận, đến sinh hoạt, điều hành; tất cả đều do
nhà nước xen vào từng chi tiết rất nhỏ nhặt.
Đặc biệt quan tâm tới bản dự thảo, là Tuyên Bố Chung của 22 tổ chức
xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam, phổ biến ngày 1 tháng 8 năm 2015. Nội
dung Bản Tuyên Bố Chung đã đưa ra 8 điều dẫn chứng rằng bản dự thảo mang
tính: (1) Phân biệt đối xử, vì điều 2 bản dự thảo viết rằng: "Luật này
không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội
Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; tổ chức tôn giáo, tín
ngưỡng. (2) Giấy phép như "rào cản". (3) có quá nhiều "cấm đoán" rất mơ
hồ. (4) Vi Phạm nguyên tắc tự nguyện tự quản. (5) Hạn chế quyền gia nhập
của người dân. (6) "Nhà nước hóa" hội đoàn. (7) Cản trở các hội đoàn
độc lập, và (8) Nên đổi tên "Luật về Hội" thành "Luật về Quyền Lập Hội".
Theo nhận định của luật sư Hà Huy Sơn, thìLuật phải bảo đảm quyền tự
do lập hội của công dân, theo tinh thần Hiến pháp, và các văn bản dưới
luật hướng dẫn Luật về hội, không được hạn chế, hay thu hẹp quyền tự do
lập hội của công dân do Luật về hội quy định. Ông đặc biệt lưu ý đến
khoản 2 điều 31 của Dự thảo, quy định:"Cấp đăng ký thành lập, chia,
tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận
điều lệ và chức danh người đứng đầu hội." Ông đưa ra 2 đề nghị:
1- Thời hạn cấp đăng ký đối với từng trường hợp: thành lập, chia,
tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận
điều lệ và chức danh người đứng đầu hội. Nếu quá thời hạn quy định, cơ
quan quản lý có thẩm quyền không trả lời, thì người đăng ký đương nhiên
được công nhận là hợp pháp.
2- Nếu từ chối cấp đăng ký, phải trả lời bằng văn bản, và chỉ rõ các
lý do bị pháp luật cấm, được quy định bởi các điều luật cụ thể của luật
nào do Quốc hội thông qua, hoặc do Hiến pháp quy định.
Ngoài những nhận định nêu trên, chúng tôi thấy rằng văn phong của bản
dự thảo quá nghèo nàn, không xứng đáng là một bản văn luật, vì có quá
nhiều câu mơ hồ, muốn hiểu cách nào cũng được. Văn của luật pháp không
cho phép diễn giải tùy tiện. Cho dù bên cạnh luật còn cần có bản giải
thích luật nữa.
Về nội dung bản dự thảo cho thấy nhà nước trực tiếp điều hành hội
đoàn chứ không do những người lập hội điều hành nữa. Đọc bản dự thảo
chúng ta có cảm tưởng đây là một bản nội qui, hay điều lệ của một tổ
chức tư, không phải bản luật của quốc gia ban hành. Nếu dự thảo này
thành luật và được áp dụng thì nhà nước mua thêm việc làm cho các cấp
hành chánh từ trung ương xuống tận xã ấp, một việc làm dư thừa và vô
ích, tốn công quĩ quốc gia.
Tóm lại nhu cầu ở nước ta cần một bản luật để bảo vệ quyền lập hội
của người dân, và là căn bản pháp lý để giúp các hội đoàn phát triển và
sinh hoạt lành mạnh, đem lợi ích cho hội viên và cho xã hội. Căn bản
pháp lý ấy được áp dụng khi các hội đoàn cần phân xử nếu có tranh chấp
nôi bộ.
Nội dung bản dự thảo do quốc hội CSVN đưa, không thể đáp ứngđược chức
năng chúng ta mong đợi. Chẳng những thế nó còn tỏ rõ chủ trương muốn
bóp nghẹt các hội đoàn mà nhà nước CS không muốn.
Chúng tôi kêu gọi những nhà luật học chân chính, tích cực đóng góp để
VN sớm có một bộ luật đúng nghĩa bảo vệ được quyền hội họp và lập hội
như người dân mong đợi.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài qaun điểm của chúng tôi.
Lực Lượng Cứu Quốc
(xem bản dự thảo đính kèm)
LUẬTVỀ HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật này quy định về hội.
Chương I - QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Luật này quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội.
2. Luật này không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn
Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh,
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; tổ chức tôn
giáo, tín ngưỡng.
Điều 2. Hội
1. Hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có tôn
chỉ, mục đích phù hợp quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục
đích lợi nhuận, đoàn kết, giúp đỡ nhau, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp
của hội, hội viên, của cộng đồng; góp phần phát triển đất nước vì mục
tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
2. Hội bao gồm hội có tư cách pháp nhân, hội không có tư cách pháp nhân:
a) Hội có tư cách pháp nhân là hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật;
b) Hội không có tư cách pháp nhân là hội chưa được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điểm b Khoản 2 Điều này.
Điều 3. Bảo đảm quyền lập hội
Nhà nước tôn trọng và bảo đảm công dân, tổ chức Việt Nam có quyền lập
hội, gia nhập hội, ra khỏi hội theo quy định của Luật này và các quy
định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 4. Chính sách của Nhà nước
1. Tạo điều kiện cho hội hoạt động và phát triển theo quy định của pháp luật.
2. Ban hành cơ chế, chính sách để hội tham gia xã hội hóa các hoạt
động cung cấp dịch vụ, tư vấn; thực hiện chương trình, dự án, đề tài và
các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
3. Nhà nước cấp, khoán, hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao (nếu có).
4. Nhà nước có chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, phân công sang làm việc tại hội.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 5. Áp dụng pháp luật về hội
1. Trường hợp tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội quy định
tại luật khác mà có quy định khác với quy định của Luật này thì thực
hiện theo quy định của Luật này.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp
dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 6. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội.
2. Tự nguyện, tự quản.
3. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.
4. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động.
5. Không vì mục đích lợi nhuận.
Điều 7. Tên, trụ sở, phạm vi hoạt động, địa vị pháp lý của hội
1. Tên của hội được viết bằng tiếng Việt, có thể được phiên âm, dịch
ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; phù hợp với quy định của
pháp luật và tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của
hội; không trùng lắp, gây nhầm lẫn với tên của hội khác đã được thành
lập hợp pháp trong cùng phạm vi hoạt động; không gắn liền với tên danh
nhân, tên của cá nhân, tổ chức; không vi phạm đạo đức xã hội, thuần
phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.
2. Trụ sở của hội đặt tại Việt Nam theo phạm vi hoạt động của hội.
3. Phạm vi hoạt động của hội (theo lãnh thổ) gồm:
a) Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh;
b) Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh);
c) Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện);
d) Hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã).
4. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, biểu tượng riêng theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở, ép buộc, can thiệp vào việc thành lập, tổ chức, hoạt động hội trái quy định của pháp luật.
2. Thành lập, hoạt động trái pháp luật, trái quy tắc đạo đức xã hội,
xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cộng đồng, tổ chức, cá
nhân; gây phương hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn
xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc, quyền con người, quyền công dân.
Chương II- THÀNH LẬP HỘI
Điều 9. Điều kiện thành lập hội
1. Tên theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật này.
2. Tôn chỉ, mục đích hoạt động theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật này.
3. Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động
chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi
hoạt động.
4. Có điều lệ.
5. Có trụ sở.
6. Có đủ số người đăng ký tham gia hội tối thiểu theo quy định của Chính phủ.
Điều 10. Ban vận động thành lập hội
1. Công dân, tổ chức Việt Nam có nhu cầu thành lập hội phải dự kiến
danh sách những người tham gia ban vận động thành lập hội, đề nghị cơ
quan nhà nước có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội.
2. Ban vận động thành lập hội có trách nhiệm:
a) Vận động công dân, tổ chức đăng ký tham gia thành lập hội;
b) Hoàn thiện hồ sơ đăng ký thành lập hội theo quy định tại Điều 11
Luật này gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14
Luật này;
c) Hết thời hạn 02 (hai) năm kể từ ngày có quyết định công nhận ban
vận động thành lập hội, ban vận động không thực hiện quy định tại Điểm
a, Điểm b Khoản này, quyết định công nhận ban vận động thành lập hội hết
hiệu lực.
3. Ban vận động thành lập hội tự giải thể sau khi tổ chức đại hội thành lập hội bầu ra ban lãnh đạo.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 11. Đăng ký thành lập hội
1. Hồ sơ đăng ký thành lập hội gồm:
a) Đơn đăng ký thành lập hội;
b) Dự thảo điều lệ;
c) Quyết định công nhận và danh sách thành viên ban vận động thành lập hội;
d) Danh sách và đơn đăng ký tham gia hội của công dân, tổ chức Việt Nam;
đ) Văn bản chứng minh quyền sử dụng hợp pháp nơi dự kiến đặt trụ sở của hội;
e) Văn bản đóng góp tài sản (nếu có) và tài liệu chứng minh.
2. Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ
đầy đủ và hợp pháp theo quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước
có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này phối hợp với các cơ quan có
liên quan cấp giấy đăng ký thành lập hội; trường hợp không đồng ý phải
có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Điều 12. Nội dung chủ yếu của điều lệ hội
1. Tên, biểu tượng của hội.
2. Tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của hội.
3. Địa vị pháp lý, trụ sở của hội.
4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội.
5. Quyền và nghĩa vụ của hội.
6. Tiêu chuẩn hội viên.
7. Quyền, nghĩa vụ của hội viên; thủ tục gia nhập hội, ra khỏi hội, thẩm quyền kết nạp, khai trừ hội viên.
8. Cơ cấu, tổ chức, thể thức bầu và miễn nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn
của ban lãnh đạo, ban kiểm tra, nguyên tắc, hình thức biểu quyết.
9. Thể thức bầu, miễn nhiệm và nhiệm vụ, quyền hạn của các chức danh
lãnh đạo hội. Tiêu chuẩn, độ tuổi, số nhiệm kỳ của chức danh người đứng
đầu hội.
10. Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, đổi tên, giải thể và thanh quyết toán tài sản, tài chính.
11. Tài sản, tài chính, quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội.
12. Khen thưởng, kỷ luật.
13. Khiếu nại, tố cáo; giải quyết khiếu nại trong nội bộ hội.
14. Sửa đổi, bổ sung điều lệ.
15. Hiệu lực thi hành.
16. Các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật (nếu có).
Điều 13. Đại hội thành lập hội
1. Trong thời hạn 06 (sáu) tháng, kể từ ngày có quyết định thành lập
hội ban vận động thành lập hội phải tổ chức đại hội thành lập hội; hết
thời hạn này mà không tổ chức đại hội thành lập hội thì giấy đăng ký
thành lập hội hết hiệu lực.
2. Nội dung chủ yếu của đại hội thành lập:
a) Công bố việc thành lập hội;
b) Thảo luận và thông qua điều lệ;
c) Bầu ban lãnh đạo;
d) Thông qua phương hướng hoạt động của hội;
đ) Thông qua nghị quyết đại hội.
3. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày kết thúc đại hội, ban
lãnh đạo hội gửi báo cáo kết quả đại hội, đề nghị công nhận điều lệ và
chức danh người đứng đầu hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định
tại Điều 14 Luật này.
4. Trong thời hạn 45 (bốn mươi lăm) ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ
báo cáo kết quả đại hội thành lập, đề nghị công nhận điều lệ và chức
danh người đứng đầu hội, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại
Điều 14 Luật này công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu hội;
trường hợp không công nhận, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 14. Thẩm quyền cấp giấy đăng ký thành lập, chia, tách, sáp nhập,
hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều lệ và chức
danh người đứng đầu hội
1. Thẩm quyền cấp giấy đăng ký thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp
nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận chức danh người đứng
đầu hội
a) Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp giấy đăng ký thành lập, chia, tách, sáp
nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận chức danh
người đứng đầu hội đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên
tỉnh.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) cấp giấy đăng ký thành
lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên,
công chức danh người đứng đầu hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong
tỉnh. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh ủy quyền để Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) cấp
giấy đăng ký thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ,
giải thể, đổi tên, công nhận chức danh người đứng đầu hội đối với hội có
phạm vi hoạt động trong huyện, xã.
2. Thẩm quyền phê duyệt điều lệ hội:
a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ Liên hiệp Các hội khoa học
và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên hiệp
Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt
Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;
b) Đối với các hội không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản
này thì cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập hội quy định tại Khoản 1
Điều này phê duyệt điều lệ hội.
Chương III - HỘI VIÊN
Điều 15. Hội viên của hội
1. Hội viên của hội gồm hội viên chính thức, có thể có hội viên liên kết, hội viên danh dự.
2. Hội viên chính thức: Công dân, tổ chức Việt Nam tán thành điều lệ
hội, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn hội viên theo quy định của Luật này và
điều lệ hội, tự nguyện, có đơn xin gia nhập hội có thể trở thành hội
viên chính thức của hội:
a) Đối với cá nhân: Là công dân Việt Nam, không trong thời gian bị
truy cứu trách nhiệm hình sự, không bị tòa án tuyên cấm tham gia hoạt
động về hội hoặc hành nghề thuộc lĩnh vực hoạt động chính của hội;
b) Đối với tổ chức: Là tổ chức có tư cách pháp nhân của Việt Nam,
không trong quá trình giải thể, chia, tách, hợp nhất, đình chỉ, tạm đình
chỉ hoạt động hoặc bị cấm hoạt động theo quyết định của Tòa án;
c) Doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước
ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là doanh
nghiệp có yếu tố nước ngoài) đủ tiêu chuẩn hội viên chính thức theo quy
định của điều lệ hội có thể trở thành hội viên chính thức của hội có
phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh và hội có phạm vi hoạt động
trong tỉnh. Doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài cử người đại diện là công
dân Việt Nam tham gia hội. Hội được kết nạp doanh nghiệp có yếu tố nước
ngoài làm hội viên chính thức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định
tại Điểm a Khoản 1 Điều 14 Luật này quyết định.
3. Hội viên liên kết: Công dân, tổ chức Việt Nam, doanh nghiệp có yếu
tố nước ngoài không có điều kiện hoặc không có đủ tiêu chuẩn trở thành
hội viên chính thức của hội, tán thành điều lệ hội, tự nguyện gia nhập
hội, có thể trở thành hội viên liên kết của hội.
4. Hội viên danh dự: Công dân, tổ chức Việt Nam có uy tín, công lao
đóng góp cho hội thì có thể được hội suy tôn làm hội viên danh dự của
hội.
Điều 16. Quyền của hội viên
1. Được hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
2. Được hội cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động của
hội, được tham gia các hoạt động do hội tổ chức theo quy định của pháp
luật và điều lệ hội.
3. Được tham gia thảo luận, quyết định các chủ trương công tác của
hội theo quy định của hội; được kiến nghị, đề xuất ý kiến với hội và cơ
quan có thẩm quyền về những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực hoạt động
của hội theo quy định của pháp luật và điều lệ hội.
4. Được dự đại hội (đối với đại hội đại biểu thì phải là hội viên đại
biểu), ứng cử, đề cử, bầu cử các cơ quan, các chức danh lãnh đạo theo
quy định của hội.
5. Được giới thiệu hội viên mới.
6. Được khen thưởng theo quy định của hội và quy định của pháp luật.
7. Được cấp thẻ hội viên (nếu có).
8. Được ra khỏi hội khi xét thấy không thể tiếp tục là hội viên.
9. Các quyền khác theo quy định của điều lệ hội và quy định của pháp luật.
10. Hội viên liên kết, hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ
như hội viên chính thức, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của hội và
quyền ứng cử, đề cử, bầu cử ban lãnh đạo.
Điều 17. Nghĩa vụ của hội viên
1. Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước và tuân thủ điều lệ, quy định của hội.
2. Tham gia các hoạt động của hội; đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để xây dựng hội phát triển vững mạnh.
3. Bảo vệ uy tín của hội, không được nhân danh hội trong các quan hệ
giao dịch, trừ khi được lãnh đạo hội phân công bằng văn bản.
4. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của hội.
5. Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định của hội.
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của điều lệ hội và quy định của pháp luật.
Điều 18. Chấm dứt tư cách hội viên
1. Đối với hội viên cá nhân:
a) Tự nguyện có đơn đề nghị ra khỏi hội hoặc bị khai trừ theo quy định của điều lệ hội;
b) Bị tòa án tuyên bố là mất tích, hạn chế năng lực hành vi dân sự
hoặc mất năng lực hành vi dân sự; chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã
chết; bị kết án phạt tù theo quy định của pháp luật.
2. Đối với hội viên tổ chức:
a) Tự nguyện có đơn đề nghị ra khỏi hội hoặc bị khai trừ theo quy định của điều lệ hội;
b) Bị giải thể, phá sản, hợp nhất, chia, tách; bị tòa án tuyên cấm hoạt động về hội hoặc hành nghề thuộc lĩnh vực hội hoạt động.
3. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục chấm dứt tư cách hội viên, giải
quyết quyền và nghĩa vụ đối với hội viên do điều lệ hội quy định.
Chương IV - TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
Điều 19. Cơ cấu tổ chức của hội
Cơ cấu tổ chức của hội gồm:
1. Đại hội;
2. Ban lãnh đạo;
3. Ban kiểm tra;
4. Đơn vị, tổ chức thuộc hội.
Điều 20. Đại hội
1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội là đại hội nhiệm kỳ hoặc đại hội bất thường.
2. Đại hội nhiệm kỳ hoặc đại hội bất thường được tổ chức dưới hình
thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu. Đại hội toàn thể hoặc đại
hội đại biểu chỉ được tổ chức khi có trên 1/2 (một phần hai) số hội viên
chính thức hoặc có trên 1/2 (một phần hai) số đại biểu chính thức có
mặt.
3. Nhiệm kỳ đại hội do điều lệ hội quy định nhưng không quá 05 (năm) năm kể từ ngày kết thúc đại hội nhiệm kỳ trước.
4. Đại hội bất thường được triệu tập khi ít nhất có 2/3 (hai phần ba)
tổng số ủy viên ban lãnh đạo hoặc có trên 1/2 (một phần hai) tổng số
hội viên chính thức đề nghị.
5. Những nội dung quyết định tại đại hội gồm có:
a) Thông qua báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ và phương hướng hoạt
động nhiệm kỳ tới của hội; báo cáo kiểm điểm của ban lãnh đạo, ban kiểm
tra;
b) Bầu ban lãnh đạo;
c) Sửa đổi, bổ sung điều lệ hội (nếu có);
d) Đổi tên hội (nếu có);
đ) Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hội (nếu có);
e) Tài chính của hội;
g) Các vấn đề khác theo quy định của điều lệ hội;
h) Thông qua nghị quyết đại hội.
6. Chậm nhất 30 (ba mươi) ngày trước khi tổ chức đại hội, ban lãnh
đạo hội thông báo bằng văn bản về việc tổ chức đại hội cho cơ quan nhà
nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này. Hội tổ chức đại hội
sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định
tại Điều 14 Luật này.
7. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày kết thúc đại hội, ban
lãnh đạo hội gửi báo cáo kết quả đại hội, đề nghị đổi tên, công nhận
điều lệ sửa đổi, bổ sung (nếu có) và chức danh người đứng đầu hội đến cơ
quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này.
8. Trong thời hạn 45 (bốn mươi lăm) ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ
báo cáo kết quả đại hội, đề nghị đổi tên, công nhận điều lệ sửa đổi, bổ
sung và chức danh người đứng đầu hội, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy
định tại Điều 14 Luật này công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu
hội; trường hợp không công nhận, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý
do.
9. Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục báo cáo tổ
chức đại hội, báo cáo kết quả đại hội và việc đổi tên, phê duyệt điều lệ
sửa đổi, bổ sung của hội.
Điều 21. Ban lãnh đạo và người đứng đầu hội
1. Ban lãnh đạo là cơ quan lãnh đạo của hội giữa hai nhiệm kỳ đại hội, do đại hội bầu trong số các hội viên chính thức của hội.
2. Số lượng, tiêu chuẩn, nhiệm kỳ, nguyên tắc hoạt động của ban lãnh đạo do điều lệ hội quy định.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của ban lãnh đạo:
a) Tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết đại hội, điều lệ hội, lãnh đạo hoạt động của hội giữa hai kỳ đại hội;
b) Chuẩn bị và quyết định triệu tập đại hội;
c) Quyết định chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của hội;
d) Quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy của hội; ban hành quy chế hoạt
động; quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của hội; quy chế quản
lý, sử dụng con dấu của hội; quy chế khen thưởng, kỷ luật; các quy định
trong nội bộ hội phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ hội;
đ) Bầu, miễn nhiệm thường trực ban lãnh đạo, các chức danh lãnh đạo của hội;
e) Nhiệm vụ và quyền hạn khác quy định tại điều lệ hội.
4. Người đứng đầu hội là người đại diện theo pháp luật của hội, chịu
trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của hội. Người đứng đầu hội
do ban lãnh đạo bầu trong số các ủy viên ban lãnh đạo theo quy định của
pháp luật và điều lệ hội. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và
bãi nhiệm chức danh người đứng đầu hội.
5. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục công nhận và bãi nhiệm chức danh người đứng đầu hội.
Điều 22. Ban kiểm tra
1. Ban kiểm tra là cơ quan kiểm tra, giám sát việc chấp hành điều lệ hội giữa hai nhiệm kỳ đại hội.
2. Thẩm quyền bầu, số lượng, tiêu chuẩn, nhiệm kỳ, nguyên tắc hoạt động của ban kiểm tra do điều lệ hội quy định.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của ban kiểm tra:
a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều lệ hội, nghị quyết đại hội,
nghị quyết, quyết định của ban lãnh đạo, các quy chế của hội trong hoạt
động của các tổ chức, đơn vị trực thuộc hội, hội viên;
b) Xem xét, giải quyết đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ
chức, hội viên và công dân gửi đến hội theo quy định của pháp luật và
điều lệ hội;
c) Nhiệm vụ và quyền hạn khác quy định tại điều lệ hội.
Điều 23. Đơn vị, tổ chức thuộc hội
1. Đơn vị thuộc hội:
a) Văn phòng, các ban chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ giúp việc cho
ban lãnh đạo hội, được thành lập theo quy định của điều lệ hội;
b) Liên chi hội, chi hội, phân hội, tổ hội thuộc hội do hội thành lập
theo quy định của điều lệ hội, không có tư cách pháp nhân, con dấu, tài
khoản riêng;
c) Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có thể có văn
phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với
nơi đặt trụ sở của hội, phải xin phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt
văn phòng đại diện và báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm
quyền quy định tại Điều 14 Luật này.
2. Tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc hội thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật (nếu có).
Điều 24. Quyền hạn của hội
1. Tổ chức, hoạt động theo điều lệ hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
2. Tuyên truyền tôn chỉ, mục đích của hội.
3. Đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của hội.
4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên theo quy định của pháp luật và điều lệ hội.
5. Tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của hội; hòa giải tranh chấp trong nội bộ hội.
6. Phổ biến, huấn luyện kiến thức cho hội viên; cung cấp thông tin cần thiết cho hội viên theo quy định của pháp luật.
7. Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn theo quy
định của pháp luật; tham gia cung cấp dịch vụ, tổ chức dạy nghề, truyền
nghề theo quy định của pháp luật.
8. Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan
đến nội dung hoạt động của hội theo quy định của pháp luật. Kiến nghị
với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới hoạt
động của hội và lĩnh vực hội hoạt động. Được tổ chức đào tạo, bồi
dưỡng, tổ chức các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật và
được cấp chứng chỉ hành nghề khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp
luật.
9. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của hội.
10. Thu hội phí của hội viên và hoạt động tạo nguồn thu theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.
11. Được vận động, nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
12. Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh được gia nhập các
tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo
quy định của pháp luật.
13. Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Điều 25. Nghĩa vụ của hội
1. Chấp hành các quy định của pháp luật và tổ chức, hoạt động theo điều lệ hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
2. Hội hoạt động thuộc lĩnh vực nào phải chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đó.
3. Khi thay đổi chức vụ lãnh đạo hội, thay đổi trụ sở, hội phải báo
cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này và cơ
quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động.
4. Báo cáo việc thành lập pháp nhân thuộc hội với cơ quan nhà nước có
thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này và cơ quan quản lý nhà nước về
ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động.
5. Chậm nhất vào ngày 01 tháng 12 hàng năm, hội phải báo cáo tình
hình tổ chức, hoạt động của hội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy
định tại Điều 14 Luật này và cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực
chính mà hội hoạt động.
6. Chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà
nước có thẩm quyền trong việc tuân thủ pháp luật và điều lệ hội.
7. Lập và lưu giữ tại trụ sở hội danh sách hội viên, đơn vị thuộc
hội, văn phòng đại diện và các tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc
hội (nếu có), sổ sách, chứng từ về tài sản, tài chính của hội, nghị
quyết, biên bản đại hội, các cuộc họp ban lãnh đạo hội.
8. Kinh phí thu được theo quy định tại Khoản 10 và Khoản 11 Điều 24
Luật này phải dành cho hoạt động hội theo quy định của điều lệ hội,
không được chia cho hội viên.
9. Việc sử dụng kinh phí của hội phải chấp hành quy định của pháp
luật và điều lệ hội. Hàng năm, hội phải báo cáo quyết toán tài chính
theo quy định của Nhà nước gửi cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan nhà
nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này về việc tiếp nhận, sử
dụng nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài.
10. Ban hành các quy định về hoạt động của ban lãnh đạo, ban kiểm
tra; quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội; khen thưởng, xử lý kỷ
luật; giải quyết khiếu nại trong nội bộ hội; quản lý và sử dụng con dấu
của hội và các quy định khác của hội phù hợp với quy định của pháp luật
và điều lệ hội.
11. Xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động của hội phù hợp với quy định của pháp luật.
12. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Chương V - CHIA, TÁCH, SÁP NHẬP, HỢP NHẤT, TẠM ĐÌNH CHỈ, GIẢI THỂ HỘI
Điều 26. Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội
1. Hội đang hoạt động (sau đây gọi là hội bị chia) có thể chia thành
hai hoặc nhiều hội mới có cùng phạm vi hoạt động. Hội bị chia chấm dứt
tồn tại và hoạt động. Các quyền và nghĩa vụ của hội bị chia được chuyển
giao cho các hội mới.
2. Hội đang hoạt động (sau đây gọi là hội bị tách) có thể tách thành
hội mới có cùng phạm vi hoạt động (sau đây gọi là hội được tách). Hội bị
tách chuyển giao một phần quyền, nghĩa vụ và tài sản (nếu có) cho hội
được tách.
3. Một hoặc nhiều hội đang hoạt động (sau đây gọi là hội bị sáp nhập)
có thể sáp nhập vào một hội khác cùng lĩnh vực và phạm vi hoạt động
(sau đây gọi là hội nhận sáp nhập). Các hội bị sáp nhập chấm dứt tồn tại
và hoạt động. Các quyền, nghĩa vụ và tài sản của hội bị sáp nhập được
chuyển giao cho hội nhận sáp nhập.
4. Hai hoặc nhiều hội đang hoạt động cùng lĩnh vực và phạm vi hoạt
động (sau đây gọi là hội bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành hội mới (sau
đây gọi là hội hợp nhất). Các hội bị hợp nhất chấm dứt tồn tại và hoạt
động. Các quyền, nghĩa vụ và tài sản của hội bị hợp nhất được chuyển
giao cho hội hợp nhất.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 27. Tạm đình chỉ
1. Hội bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật
này tạm đình chỉ hoạt động từ 03 (ba) tháng đến 06 (tháng) khi vi phạm
một trong các trường hợp:
a) 02 (hai) năm liên tiếp hội không báo cáo theo quy định Khoản 5 Điều 25 Luật này;
b) Không báo cáo theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 23 và Khoản 3,
Khoản 4 Điều 25 Luật này và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có văn
bản yêu cầu báo cáo trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày nhưng hội không
thực hiện;
c) Quá thời hạn 06 (sáu) tháng theo nhiệm kỳ đại hội được quy định trong điều lệ hội mà hội không báo cáo tổ chức đại hội;
d) Hội tổ chức đại hội khi chưa có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này;
đ) Hết thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ ngày nhận được văn bản của cơ
quan quản lý nhà nước quy định tại Điều 14 Luật này yêu cầu hội giải
quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhưng hội không giải quyết, để
mâu thuẫn nội bộ kéo dài;
e) Không hoạt động liên tục trong thời hạn 06 (sáu) tháng;
g) Vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý tài sản, tài chính;
h) Bầu các chức danh lãnh đạo hội không đúng quy định của pháp luật và điều lệ hội;
i) Hoạt động của hội vi phạm các nội dung khác theo quy định của pháp luật, điều lệ hội.
2. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận
hội vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm
quyền quy định tại Điều 14 Luật này ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động
của hội.
3. Trường hợp hội bị tạm đình chỉ mà không đồng ý với quyết định tạm
đình chỉ hoạt động của hội, thì hội có quyền khiếu nại theo quy định của
pháp luật.
4. Việc tạm đình chỉ sử dụng con dấu của hội được thực hiện theo quy
định của pháp luật về quản lý, sử dụng con dấu và các quy định của pháp
luật có liên quan.
5. Trong thời hạn tạm đình chỉ nếu hội khắc phục được vi phạm, hội
lập 01 (một) hồ sơ đề nghị được hoạt động trở lại gửi cơ quan nhà nước
có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này xem xét, quyết định; hồ sơ
gồm:
a) Đơn đề nghị được hoạt động trở lại của hội;
b) Báo cáo của ban lãnh đạo hội và các tài liệu chứng minh hội đã khắc phục vi phạm.
6. Trường hợp hội chưa khắc phục được vi phạm, hội phải có văn bản
gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này trước
khi hết thời hạn tạm đình chỉ để đề nghị gia hạn thời hạn tạm đình chỉ.
Thời gian gia hạn không quá 90 (chín mươi) ngày làm việc kể từ ngày cơ
quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản gia hạn.
7. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ
sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 5 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm
quyền quy định tại Điều 14 Luật này cho phép hội hoạt động trở lại,
trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Điều 28. Giải thể hội
1. Hội có thể tự giải thể hoặc bị giải thể.
2. Đại hội thông qua việc tự giải thể hội trong các trường hợp sau đây:
a) Ban lãnh đạo hội đề nghị;
b) Trên 1/2 (một phần hai) tổng số hội viên chính thức đề nghị.
3. Trình tự, thủ tục và hồ sơ tự giải thể hội: Hội gửi 01 (một) bộ hồ
sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này và
thông báo thời hạn thanh toán nợ (nếu có) cho các tổ chức và cá nhân có
liên quan theo quy định của pháp luật trên 03 (ba) số báo liên tiếp ở
Trung ương đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước và liên tỉnh; báo
địa phương đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị giải thể hội;
b) Nghị quyết của đại hội về việc giải thể hội;
c) Bản kê tài sản, tài chính;
d) Dự kiến phương thức xử lý tài sản, tài chính và thời hạn thanh toán các khoản nợ.
4. Hội bị giải thể trong các trường hợp sau đây:
a) Không hoạt động liên tục 12 (mười hai) tháng;
b) Trong thời gian bị tạm đình chỉ nhưng hội tiếp tục vi phạm;
c) Hết thời hạn tạm đình chỉ mà hội không khắc phục được vi phạm và
không có văn bản đề nghị gia hạn hoặc hết thời hạn gia hạn tạm đình chỉ
mà hội không khắc phục được vi phạm;
d) Quá thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ khi có nghị quyết của đại hội về việc tự giải thể mà ban lãnh đạo hội không chấp hành;
đ) Quá thời hạn 09 (chín) tháng kể từ khi có yêu cầu của trên 1/2
(một phần hai) tổng số hội viên chính thức đề nghị nhưng ban lãnh đạo
hội không tiến hành thủ tục tự giải thể hội;
e) Mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ hội không giải quyết dứt điểm
và kéo dài quá 12 (mười hai) tháng kể từ ngày nhận được văn bản của cơ
quan quản lý nhà nước quy định tại Điều 14 Luật này yêu cầu hội giải
quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ hội;
g) Hoạt động của hội vi phạm pháp luật, điều lệ hội nghiêm trọng.
5. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
a) Trường hợp hội tự giải thể: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy
định tại Điều 14 Luật này quyết định giải thể hội sau 15 (mười lăm) ngày
làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn thanh toán nợ và thanh lý tài
sản, tài chính ghi trong thông báo của hội khi xin giải thể mà không có
đơn khiếu nại.
b) Trường hợp hội bị giải thể: Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm
việc, kể từ ngày có kết luận hội vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này,
cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này có trách
nhiệm giao hội thực hiện kiểm kê tài sản, tài chính; dự kiến phương thức
xử lý tài sản, tài chính và thời hạn thanh toán các khoản nợ theo quy
định của pháp luật và điều lệ hội; thông báo bằng văn bản về việc giải
thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lý tài sản, tài chính của hội liên
tiếp trên 03 (ba) số báo viết hoặc báo điện tử ở Trung ương đối với hội
có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh, báo viết hoặc báo điện tử ở
địa phương đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh. Sau 15 (mười
lăm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn thanh toán nợ và thanh
lý tài sản, tài chính ghi trong thông báo mà không có đơn, thư khiếu
nại; cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này ra
quyết định giải thể hội.
c) Trường hợp hội bị giải thể mà không đồng ý với quyết định giải
thể, thì hội có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Trong thời
gian chờ giải quyết khiếu nại, hội không được hoạt động.
6. Hội chấm dứt hoạt động kể từ ngày quyết định giải thể hội của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực.
7. Việc thu hồi con dấu của hội bị giải thể được thực hiện theo quy
định của pháp luật về quản lý, sử dụng con dấu và các quy định của pháp
luật có liên quan.
Chương VI - TÀI SẢN, TÀI CHÍNH CỦA HỘI
Điều 29. Tài sản, tài chính
1. Tài sản của hội bao gồm:
a) Trụ sở, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động của hội;
b) Tài sản của hội được hình thành từ nguồn kinh phí của hội; do các
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiến, tặng, hỗ trợ theo quy định
của pháp luật, nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ gắn với nhiệm vụ được
giao (nếu có).
2. Nguồn thu của hội:
a) Hội phí;
b) Kinh phí từ việc cung cấp dịch vụ, tư vấn, thực hiện chương trình,
dự án, đề tài và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật;
c) Tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật;
d) Các nguồn thu hợp pháp khác.
3. Khoản chi của hội:
a) Chi hoạt động thực hiện nhiệm vụ của hội;
b) Chi thuê trụ sở làm việc, mua sắm phương tiện làm việc;
c) Chi thực hiện chế độ, chính sách đối với những người làm việc tại hội;
d) Chi khen thưởng và các khoản chi khác theo quy định của điều lệ và quy định của pháp luật.
Điều 30. Quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội
Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội phải công khai, minh bạch theo điều lệ hội và quy định của pháp luật:
1. Tài sản, tài chính của hội sử dụng thực hiện tôn chỉ, mục đích, quyền và nghĩa vụ của hội, không được chia cho hội viên.
2. Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính do Nhà nước cấp, khoán,
hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ được giao được thực hiện theo quy định của
pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính do tổ chức, cá nhân trong
nước và nước ngoài tài trợ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chính phủ quy định chi tiết thi hành Khoản này.
4. Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính đối với tài sản không
thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này được thực hiện
theo quy định của điều lệ hội.
Chương VII - QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỘI
Điều 31. Nội dung quản lý nhà nước về hội
1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hội.
2. Cấp đăng ký thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình
chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu
hội.
3. Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý hội.
4. Tuyên truyền phổ biến pháp luật về hội.
5. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội; kiểm tra việc thực hiện điều lệ hội đối với các hội.
6. Quản lý việc ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, gia nhập các tổ
chức quốc tế của hội, triển khai các hoạt động đối ngoại, tiếp nhận
viện trợ của các cá nhân, tổ chức nước ngoài theo quy định của pháp
luật.
7. Quản lý tài sản, tài chính do Nhà nước cấp, khoán, hỗ trợ để thực
hiện nhiệm vụ được giao và do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài
tài trợ theo quy định của pháp luật.
8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về hội.
9. Tổng hợp báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Điều 32. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hội
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện và phối hợp
với các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về
hội theo sự phân công của Chính phủ.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có
trách nhiệm ban hành cơ chế, chính sách để hội tham gia thực hiện
chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn và các hoạt động khác
theo quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại,
tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của
mình.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm cấp đăng ký thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp
nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều lệ và chức danh
người đứng đầu hội đối với hội hoạt động trong phạm vi địa phương mình;
thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp
luật thuộc phạm vi quản lý của mình.
5. Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp được ủy quyền có trách
nhiệm cấp đăng ký thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình
chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu
hội đối với hội hoạt động trong phạm vi địa phương mình; thanh tra, kiểm
tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật thuộc phạm
vi quản lý của mình.
Điều 33. Khen thưởng
Hội, hội viên, người làm việc tại hội có nhiều thành tích, đóng góp
vào sự phát triển kinh tế - xã hội thì được khen thưởng theo quy định
của điều lệ hội và quy định của pháp luật.
Điều 34. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo
1. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong nội bộ do hội
giải quyết theo quy định của điều lệ hội và quy định của pháp luật. Ban
lãnh đạo hội quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết
tranh chấp, khiếu nại trong nội bộ hội phù hợp điều lệ hội, quy định
của pháp luật.
2. Hội báo cáo kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này.
Điều 35. Xử lý vi phạm
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này thì tùy
theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành
chính, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường, cá nhân có thể bị
truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Chính phủ quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm những quy định của Luật này.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 36. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.
2. Luật này thay thế sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957
của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Luật quy định
quyền lập hội.
3. Hội được thành lập hợp pháp trước ngày Luật này có hiệu lực thì
tiếp tục hoạt động và không phải làm thủ tục đăng ký thành lập lại.
Điều 37. Hướng dẫn thi hành
1. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.
2. Luật này đã được Quốc hội khóa ..., kỳ họp thứ... thông qua ngày... tháng... năm 2016.
No comments:
Post a Comment