Thứ Tư, ngày 26.08.2015
Thưa quý thính giả, không thể chịu nổi sự áp bức bất công phi lý của cái gọi là luật pháp XHCN, những bà mẹ Dân Oan trong cơn tuyệt vọng, bế tắc và phẫn uất, đã phải tìm đến cái chết để gióng lên hồi chuông ai oán. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, mời quý thính giả theo dõi bài viết “Những Người Mẹ Tuyệt Vọng” trích từ Facebook Bạch Cúc, sẽ được Minh Nguyệt diễn đọc sau đây để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay
Sau biến cố 1975 và với chuỗi tháng năm dài đằng đẵng, gia đình tôi
rất nghèo, mẹ tôi phải đạp xe xa tít tắp vào sâu những làng người Nam để
mua đồng nát – ve chai phụ giúp ba tôi nuôi một bầy con nheo nhóc. Tôi
nhớ mãi hình ảnh mẹ tôi mồ hôi nhễ nhãi giữa những buổi trưa hè, lật đật
vội vàng mang chút thức ăn về nấu nướng để cho con kịp giờ đi học. Hầu
như mẹ chỉ ăn cơm chan với canh, nhường phần thịt ít ỏi cho lũ con háu
đói, họa hoằn lắm mẹ mới dám nhấm nháp chút thức ăn thừa may mắn còn sót
lại khi bầy con đã no bụng...
Tôi đã sống hơn nửa đời người và mẹ tôi thì tóc cũng đã bạc trắng.Bà
mang nhiều chứng bệnh già trong người và cuộc sống còn lại thì vô cùng
mong manh.Nhưng, cho đến giờ phút này, mẹ tôi vẫn phải khóc vì tôi – đứa
con gái út tội nghiệp và bướng bỉnh.Mẹ không thể hiểu chính xác những
gì tôi làm và những gì tôi đã giải thích. Mẹ chỉ thấy công an đến nhà
tìm kiếm tôi nhiều lần với những lý do trời ơi đất hỡi, mẹ hoảng hốt và
sợ hãi, mẹ khóc lóc và van vỉ tôi, mẹ bảo mẹ đau khổ không chịu nổi, mẹ
sẽ chết nếu tôi có bề gì, mẹ cầu xin tôi đừng có tiếp tục "viết bài lăng
nhăng gì đó trên mạng"...
Tôi nhớ về buổi sáng ngày 30 tháng 7 năm 2012, bà Đặng Thị Kim Liêng,
mẹ của Tạ Phong Tần, đã tự thiêu bên ngoài Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Bạc
Liêu, một tuần trước khi bắt đầu vụ xét xử Tạ Phong Tần để phản đối việc
bắt giữ con gái mình. Tôi xót xa cho một người mẹ Việt Nam trong cơn
tũng quẫn đường cùng và tuyệt vọng, bà mẹ ấy đã phải dùng đến mạng sống
của mình để làm ngọn đuốc, bà cố gắng thắp sáng nỗi oan khuất của con
gái bà, bà kết thúc cuộc đời của mình để chứng minh sự bất công, phi lý
của cái thể chế pháp luật đã giam giữ và kết tội con gái bà. Cái chết
của bà là tiếng kêu ai oán thấu trời xanh. Đó là tiếng thét gào công lý
của một người mẹ trong cơn bế tắc, phẫn uất và tuyệt vọng!
Tôi cũng đã từng gặp Mẹ của Tử tù Hồ Duy Hải. Tôi không thể quên đôi
tay gân guốc của bà run run khi cầm lấy tay tôi. Một người mẹ với đôi
vai gầy mỏng, đôi mắt đỏ hoe chất chứa hai hàng lệ ngẹn ngào chẳng nói
nên lời.Tôi nhìn vào mắt bà, đôi mắt ấy quầng thâm đen, mệt mỏi, sâu
thăm thẳm và đau đớn buồn bã. Tôi chỉ còn biết nắm chặt tay bà, nén ngẹn
ngào để lau khô giọt lệ trên đôi mắt của một người mẹ nhưng chẳng
thể...Tôi cảm nhận trái tim tôi muốn vỡ tung trong lồng ngực, cũng chỉ
bởi vì trái tim ấy đã hòa nhịp chung với trái tim một người mẹ để chia
sẻ sự hốt hoảng, chia sẻ nỗi hoang mang, nỗi khắc khoải trong tuyệt
vọng. Sự mòn mỏi thể hiện rõ trên từng phần cơ thể của bà, vì bà đang
phải gánh nỗi đau nhục quá lớn trước sự oan khuất của đứa con trai bé
bỏng. Nỗi đau đó đã lan tỏa sang trái tim tôi, nó khiến tôi hiểu thế nào
là sự bế tắc mòn mỏi, sự dày vò của hoảng hốt lo sợ, sự tuyệt vọng khi
khi kêu cầu mà công lý ngoảnh mặt, và... nỗi nhớ thương con trong vô
vọng!
Mới đây thôi, ngày 12 tháng 8 năm 2015, lại thêm một người mẹ, lại
thêm một ngọn đuốc sống thổi bùng nỗi oan khuất, lửa đỏ oan khiên bung
tỏa giữa đất trời. Người mẹ tại xã Phổ Nhơn, Đức Phổ, Quảng Ngãi đã tẩm
xăng lên người, bật lửa tự thiêu trước sự chứng kiến của đoàn cưỡng chế,
gia đình và người dân địa phương. Bà đang trong tình trạng bỏng nặng và
nguy kịch đến tính mạng. Nếu may mắn còn sống thì suốt cuộc đời còn lại
của người mẹ này cũng sẽ phải sống trong khốn khổ và đau đớn cùng cực.
Tôi trộm nghĩ, miếng đất của bà đang tranh chấp với hàng xóm có đủ giá
trị, có xứng đáng để khiến bà kết thúc cuộc đời của mình một cách thê
thảm như vậy không? Tôi cũng là một người mẹ, tôi tự hiểu rằng một người
mẹ sẽ chẳng bao giờ chỉ vì tiếc nuối tài sản mà lại tự kết liễu mạng
sống, bỏ lại bầy con bơ vơ và gia đình tan tác. Có chăng người mẹ ấy đã
quá tức giận, quá phẫn nộ trước bất công và vô lý đang ập đến gia đình
nhỏ bé của bà. Bà tìm đến cái chết như một sự phản đối, bà chỉ muốn
chứng minh sự nghi ngờ của bà trước điều gì đó không minh bạch, phải
chăng có sự khuất tất, vô trách nhiệm của những người đang thực thi pháp
luật?Người mẹ ấy đã không còn chút hy vọng, không còn niềm tin vào công
lý. Bà tuyệt vọng đến mức chấp nhận xả thân để gióng lên hồi chuông ai
oán, tiếp nối thêm tiếng kêu cứu vô vọng của những người mẹ giữa trời
xanh...
Tôi rơi nước mắt khi lại nghĩ về những người mẹ, những người đang còn
sống, những bà mẹ Dân Oan.Đất nước đang giữa thời bình sao lại lắm mẹ
Dân Oan đến như vậy?Những bà mẹ ấy có mặt trên khắp mọi miền đất nước,
đặc biệt là trước cửa những cơ quan công quyền.Những bà mẹ này đang ngày
đêm đội mưa giãi nắng, lê la chầu chực, giương cao biểu ngữ mong tìm
đòi lại công lý. Tôi chỉ còn biết chấp tay nguyện cầu, mong những bà mẹ
ấy được bình an, mong những bà mẹ ấy đừng quá bế tắc và tuyệt vọng đến
nỗi phải tước đi mạng sống của mình!
Tôi nát lòng nghĩ đến đứa con nhỏ dại của mình, nếu chẳng may sau này
con tôi gặp oan khiên với nền pháp trị bất công vô lý. Thì tôi, một
người mẹ, liệu có thoát khỏi sự tùng quẫn, tuyệt vọng mà không tìm đến
cái chết?
Tôi chợt đau, quặn thắt trái tim khi nghĩ về mẹ của mình, biết đâu
người ta cũng sẽ bày đủ thứ trò với tôi để rồi mẹ tôi cũng sẽ trở thành
Mẹ của một Dân oan!
Tôi lau nước mắt đang giàn dụa trên khuôn mặt mình, cố gắng thở thật sâu để xua đi những xúc cảm đớn đau và tự hỏi:
Đến bao giờ đất nước Việt Nam này không còn những bà mẹ tuyệt vọng?
Đến bao giờ người ta thôi nhẫn tâm, lợi dụng nỗi sợ hãi, đớn đau của những người mẹ để gây áp lực cho người con?
Hãy cho tôi biết trên đời này ai không có mẹ?
Vậy những người đang dồn những bà mẹ vào bước đường cùng, có thể sẽ
chết trong tuyệt vọng, chẳng lẽ họ không có trái tim, và chưa từng được
sinh ra từ bởi một người mẹ?
FB Bạch Cúc
No comments:
Post a Comment