Thứ Năm, ngày 13.08.2015
Thời suy thì quỷ lộng, thời thế mạt thì cái ác lên ngôi. Người dân Việt Nam giờ đây có lẽ đang sống trong tột cùng của cái ác và sự suy đồi đạo đức. Khi tội ác được thực hiện bởi những kẻ khoác áo công quyền thì đó chính là dấu hiệu suy vong của một chế độ.Trong tiết mục NDTQ hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài "ĐOÀN KẾT CHỐNG CÁI ÁC " của Lý Trần Công qua sự trình bày của Hướng Dương
Trong một vụ cưỡng chế thi hành án liên quan đến nhà đất tại huyện
Quốc Oai, ông Nguyễn Quảng Trường và gia đình không chấp hành và đồng
thời có hành vi chống đối người thi hành công vụ. Công an huyện Quốc Oai
đã cưỡng chế, bắt giữ 6 người trong đó có ông Nguyễn Quảng Trường.
Họ bị cáo buộc một số tội như ném tro bếp, gạch, vôi bột và cả dùng
gậy chống nhóm cán bộ nhà nước tới cưỡng chế nên bị quy cho tội “chống
người thi hành công vụ”. Ba ngày sau gia đình ông Nguyễn Quảng Trường
nhận được tin của Công an huyện gọi gia đình tới bệnh viện địa phương,
để thông báo là ông Trường đã chết. Trước áp lực của gia đình nạn nhân
và dư luận xã hội, nhà cầm quyền địa phương với sự phối hợp của Công an
Hà Nội đã mời “pháp y quân đội” tới để khám nghiệm tử thi. Bản kết luận
pháp y xác định, nạn nhân Nguyễn Quảng Trường tử vong do bệnh lý "Xơ vữa
động mạch". Pháp y Quân đội cũng khẳng định toàn bộ cơ, xương, phủ
tạng, vùng đầu không có dấu vết tác động ngoại lực.”
Nhưng theo anh Phùng Văn Cường, cháu của nạn nhân – người trực tiếp
có mặt khi khám nghiệm tử thi, nói: “Theo như kết quả do cán bộ pháp y
đọc rất khác so với thực tế, trên người chú tôi có nhiều vết thương bên
ngoài. Cụ thể, dưới 2 đầu gối có vết thương tụ máu và một vài vết rách
nhỏ; ngón tay trỏ bên trái rách một miếng bằng đầu ngón tay; bắp tay
phải có một vết bầm tím khoảng 4cm; cẳng chân trái cũng có một vết bầm
tím”. Vụ việc này một lần nữa cho thấy, các cơ quan thực thi pháp luật ở
Việt Nam càng ngày càng thích sử dụng bạo lực, thường xuyên xâm phạm
tính mạng và tài sản của nhân dân và khi xẩy ra những vụ việc nghiêm
trọng thì hỗ trợ cho nhau hòng bao che tội ác. Người nhà nạn nhân Nguyễn
Quảng Trường có lẽ cho rằng, pháp y công an có thể bênh phe nhà, mà làm
sai lệch sự thật để có lợi cho kẻ thủ ác, nên cậy nhờ sự công tâm của
pháp y quân đội. Nhưng trong chế độ cộng sản độc tài, đảng trị, thì pháp
y của công an hay pháp y của quân đội cũng chẳng khác nhau là mấy,
ngoại trừ màu áo họ mặc và chỉ thị từ một cấp trên nào đó mà họ phải
phục tùng. Nên không có gì ngạc nhiên khi pháp y kết luận một đàng mà sự
thật vụ việc lại theo một hướng khác.
Đã có rất nhiều vụ người dân bị chết khi làm việc với công an hay bị
tạm giam, tạm giữ để điều tra, xẩy ra suốt nhiều năm qua, nhưng chưa một
lần nào thấy ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu lên thảm trạng này và có
hành động cụ thể để ngăn chặn. Mặc dù CSVN đã đặt bút ký kết Công ước
chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc, nhưng không hề thực thi. Thế nên rõ
ràng CSVN, họ chỉ ký cho vui và lừa bịp quốc tế, hầu ngửa tay xin tiền
tài trợ cải cách tư pháp, hay huấn luyện nghiệp vụ cho người thừa hành
công vụ của Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ chẳng hạn. Những số tiền tài trợ
này của các quốc gia cấp viện chẳng thể đem lại thay đổi tốt đẹp gì cho
người dân, khi mà ở Việt Nam có những kẻ giấu mặt hoạt động chẳng khác
gì tổ chức tội ác Mafia. Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp ở Việt Nam, là
một khối thống nhất được CSVN điều hành, thông qua cái gọi là cấp “Ủy”
tại cơ sở, là tai mắt của đảng và quân đội cũng không là ngoại lệ. Tội
ác và bao che cho tội ác cũng từ cái cấp “Ủy đảng” này mà ra.
Vào năm 2013 chỉ vì muốn cướp một mảnh đất rẫy của hai anh em người
dân tộc là Hoàng Văn Ngài và Hoàng Văn Pá, mà công an tại thị xã Gia
Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, đã giết chết người anh Hoàng Văn Ngài trong đồn
công an, sau đó họ lập hiện trường giả và lập biên bản khám nghiệm tử
thi, kết luận là nạn nhân tự đưa tay vào ổ điện để tự sát. Trong khi đó
thì thi thể nạn nhân Hoàng Văn Ngài đầy thương tích, máu bầm tụ lại
nhiều chỗ trên cơ thể, đặc biệt là người em Hoàng Văn Pá bị giam ngay
phòng bên cạnh, khẳng định nghe thấy anh mình rên la đau đớn vì bị tra
tấn, dẫn đến cái chết chứ không phải tự tử. Sự việc này sau khi được cơ
quan theo dõi Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc lên tiếng, gây áp lực, thì
CSVN mới miễn cưỡng điều tra truy tố vài viên công an cho có lệ, rồi sau
đó tha bổng cho những kẻ nhúng tay vào máu người vô tội. Trước đó vụ
“Công an dùng nhục hình ở Phú Yên” cũng chẳng hơn gì, mặc dù dư luận xã
hội rất phẫn nộ, khi công an bắt người vô cớ và giết dân bằng tra tấn
rất dã man, mà nạn nhân là anh Ngô Thanh Kiều. Vụ án này cho thấy sự
lộng quyền, bản chất bạo lực, bao che, dung túng để thoát tội và gỡ tội
cho nhau của ngành công an hiện nay, khi được núp dưới cái bóng che chở
của đảng. Năm công an tra tấn đến chết anh Ngô Thanh Kiều, cũng chỉ nhận
mức án người cao nhất là 5 năm, còn kẻ chủ mưu thì nhận án treo vì là
đảng viên có công. Trong khi đó, một cô gái sống ở quận 10 Sài gòn, chỉ
cần tát tai công an một cái, thì cũng đã nhận bản án ba năm rưỡi tù
giam, vì chống người thi hành công vụ. Ở Việt Nam dưới thời cộng sản đô
hộ, khi công lý chỉ là tên của một anh hề, thì công an sẽ biến thành
những tên đồ tể. Trong hai nhiệm kỳ làm thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng,
người ta nhận thấy chưa lúc nào mà công an các loại đủ màu áo lại đông
đảo và tác oai tác quái như hiện nay.
Đã đến lúc người dân cần phải tự bảo vệ mình và hợp lực cùng nhau
ngăn chặn những hành vi cường quyền của công an. Nếu mọi người nhìn thấy
công an sử dụng bạo lực với một ai đó trên đường, mà chúng ta không hợp
sức để ngăn chặn hành động đó, thì đến một lúc nào đó, chính chúng ta
cũng sẽ là nạn nhân trước con mắt thờ ơ vô cảm của những người khác. Hãy
thay đổi suy nghĩ vì chính mạng sống của chúng ta trước vấn nạn bạo lực
của công an.
Lý Trần Công.
Ngày 13/8/2015.
No comments:
Post a Comment