Sunday, August 30, 2015

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 30.08.2015  
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Thưa các quí vị đảng viên cộng sản lâu năm, các bạn công an, bộ đội,
Hôm 6 tháng Tám vừa qua, để đối phó với phản đối của dư luận về kế hoạch xây tượng đài ông Hồ tại Sơn La lên tới 1 ngàn 400 tỉ đồng, Văn phòng Chính phủ nhà cầm quyền Việt Nam đã phải ra một văn bản chỉ đạo tỉnh Sơn La về riêng việc này. Văn bản này đã tự tiết lộ cho công luận biết việc xây dựng tượng đài ông Hồ là một công tác trực thuộc Ban Bí thư của đảng cộng sản Việt Nam. Nghĩa là việc quyết định dựng và chi tiêu cho tượng đài ông Hồ là một việc hệ trọng đối với nhà cầm quyền.
Thưa quí vị, quí bạn, việc chi tiêu tiền dân như thế rõ ràng là một việc làm vô cùng hoang phí. Nhưng, chúng ta phải thấy, dưới giác độ lợi ích của đảng cộng sản Việt Nam và quyền lợi của những tên lãnh đạo thì đó là một việc hết sức hữu ích. Hữu ích là vì cùng một lúc họ được hưởng hai điều: thứ nhất, họ có thêm một cách để tham nhũng, vơ vét tiền thuế của dân một cách hợp pháp; thứ hai, mỗi tượng đài Hồ Chí Minh hay các tượng đài cách mạng cộng sản sẽ là một tác nhân thường trực, trực tiếp đánh vào giác quan người dân để hình thành và tô vẽ thêm cho ảo ảnh tốt đẹp về đảng cộng sản. Nói cách khác, khi dựng tượng đài Hồ và các tượng đài cách mạng cộng sản, giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam không phải bỏ công sức, tiền bạc nhưng lại thu về được hai mối lợi: của cải vật chất của gia đình được tăng thêm và quyền lực cầm quyền độc tài được gia cố.
Theo các thông tin đã công khai, tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La sẽ chỉ là một trong số khoảng gần 150 tượng đài Hồ đã được dựng trên khắp ba miền Nam Trung Bắc, nghĩa là trung bình, mỗi tỉnh thành có tới hơn hai tượng đài Hồ, với chi phí từ hàng trăm triệu tới hàng ngàn tỉ đồng cho một tượng đài. Trong khi đó Việt Nam vẫn còn là một nước có thu nhập trung bình thuộc dạng thấp so với thế giới, nghĩa là hạng nghèo. Trong khi trường học, bệnh viện, cầu, đường và các cơ sở công ích khác còn rất thiếu về lượng và cực kỳ kém về chất. Chúng ta đã từng biết đến và biết đến nhiều lần những cảnh thương tâm, đau lòng về sự khốn khổ của người dân do thiếu các phương tiện công ích, như các trò phải đu dây qua sông đến trường; người bệnh phải chui nằm gậm giường trong các bệnh viện. Nhưng đến nay, qua vụ tượng đài tại Sơn La, đảng cộng sản Việt Nam vẫn và sẽ còn tiếp tục chi nhiều tiền vào các tượng đài ông Hồ.
Tới đây, chúng ta phải tự đặt câu hỏi, tại sao ông Hồ lại được đảng cộng sản Việt Nam ưu tiên dựng tượng nhiều hơn các lãnh tụ cộng sản khác, trong khi chính ông Hồ là người đã đưa đất nước ta đi vào con đường sai lầm theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin, Xít-ta-lin, Mao-trạch-đông, chính ông Hồ là người đã thiết lập nên chế độ chính trị độc tài toàn trị ở Việt Nam và đẩy đất nước vào hai cuộc chiến tranh tàn khốc và đưa Việt Nam vào vòng lệ thuộc Trung Cộng?
Thưa quí vị, quí bạn, có một sự thật là đa phần người dân Việt Nam vẫn có truyền thống dễ dành cảm tình, yêu mến cho những ông vua, những nhân vật lãnh đạo có vẻ ngoài hiền lành, giản dị, đức độ, gần gũi dân chúng. Chính cái truyền thống trọng tình đó đã làm cho chúng ta dễ dàng bị thuyết phục, cuốn hút bởi các chính trị gia có tài đóng kịch, mị dân như ông Hồ. Và hệ quả, cái truyền thống đó đã làm cho người dân chúng ta không thấy hoặc coi nhẹ những yêu cầu tối quan trọng đối với một ông vua hay một lãnh đạo quốc gia là phải có tầm nhìn chiến lược cho quốc gia và phải có khả năng nhận biết sớm các nguy cơ trước mắt cũng như lâu dài cho quốc gia, dân tộc. Nếu thiếu những tầm nhìn và khả năng như thế, một lãnh tụ, một ông vua dù đức độ hay tử tế, bình dị đến đâu cũng không thể được kính trọng.
Chính vì vậy, khi nói đến Nhật Hoàng Minh Trị trong thế kỷ 19, người ta luôn khâm phục và đánh giá cao Minh Trị ở việc ông đã có tầm nhìn chiến lược ủng hộ giới sĩ phu cấp tiến Nhật Bản mở cửa để học hỏi, giao thương với châu Âu và Mỹ, thay vì đóng cửa, bế quan, tỏa cảng, đối đầu như các ông vua triều Nguyễn Việt Nam.
Khi nói tới Lý Quang Diệu, giới sử gia luôn phải ghi nhận con mắt tinh tường và quyết đoán của Lý trong việc nhất quyết loại trừ chủ nghĩa cộng sản khỏi Singapore và dốc lòng xây dựng các quan hệ đồng minh với Mỹ và Tây Âu.
Tương tự, sự vĩ đại của Tưởng Giới Thạch, lãnh tụ Quốc dân đảng Trung Hoa và là người sáng lập ra Đài Loan, nằm ở chỗ Tưởng đã nhận ra sai lầm và tàn ác của chủ nghĩa cộng sản ngay từ những năm 1930, đã kiên quyết chống lại Mao và khi thua cuộc đã chấp nhận rời bỏ lục địa cộng sản để ra lập nghiệp và lập quốc tại một hòn đảo nhỏ bé và cằn cỗi.
Tuy nhiên, Nhật Hoàng Minh Trị, Lý Quang Diệu, Tưởng Giới Thạch không bao giờ tỏ vẻ giản dị, bình dân, liêm khiết, đức độ tới mức không lấy vợ như Hồ Chí Minh. Song, tất cả họ đều là những lãnh tụ quốc gia đã không đưa quốc gia đi theo cộng sản chủ nghĩa, đã quyết tâm tránh đối đầu với Mỹ và Tây Âu. Đó chính là một trong những lý do cơ bản đã làm cho ba quốc gia Nhật, Singapore, Đài Loan khác biệt hẳn với Việt Nam chúng ta.
Dian và Tiến Văn xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Tiến Văn
30/08/2015

No comments:

Post a Comment