Đình công tại cảng Qui Nhơn
Hôm 29/8, Hàng trăm công nhân bốc xếp ở cảng Qui Nhơn đã đình công
đòi tăng lương làm cho hoạt động của hải cảng này bị tê liệt. Một công
nhân nói với báo chí là ông và các bạn đình công vì thu nhập giảm đi
trong khi công việc lại nhiều lên do tàu bè cập cảng Qui Nhơn nhiều hơn
trước. Trong khi đó đại diện các chủ tàu nói với báo chí rằng mỗi ngày
chờ đợi sẽ làm cho họ thiệt hại từ 7000 đến 12.500 Mỹ kim. Trong khi đó
tờ báo Thanh Niên cho hay là Liên đoàn lao động tỉnh Bình Định đã cử
người đến làm việc với Công ty cổ phần cảng Qui Nhơn về vụ đình công.
Latvia muốn dựng hàng rào trên biên giới Nga để ngăn người Việt
Bộ trưởng Nội vụ Latvia vừa công bố với giới báo chí nước này rằng,
Chính quyền nước này đang xem xét xây dựng một hàng rào dọc theo biên
giới với Nga nhằm ngăn chặn người Việt nhập cư trái phép. Cũng theo ông
này thì cho dù Latvia có bảo vệ đường biên giới 100% thì cũng không thể
ngăn chặn được, vì vậy, một hàng rào trên biên giới rộng 12m phải được
lập ra để "lực lượng biên phòng có thể sử dụng xe 4 bánh thay vì phải
băng qua rừng" nhằm ngăn chặn những mưu toan vượt biên. Được biết đã có
khoảng 300 người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Latvia năm ngoái. Hầu hết
những người nhập cư trái phép từ Nga đều là người Việt Nam và đôi khi
được sự hỗ trợ của những kẻ buôn người Latvia. Trong khi đó ngày 1/8 vừa
qua, lực lượng biên phòng Latvia đã bắt giữ 22 người Việt nhập cư trái
phép cùng 4 kẻ buôn người Latvia và Nga.
Ấn Độ thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam
Công ty Dầu khí Nhà nước Ấn Độ (ONGC) dự kiến sẽ tái khởi động các
cuộc thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam thuộc vùng biển Đông, bất chấp
phản đối của Bắc Kinh. Báo chí Ấn Độ dẫn lời các nguồn cho biết chính
quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã cho phép công ty này tiến hành
khoan thăm dò dầu khí ở biển Đông. Các nhà quan sát cho rằng động thái
khẳng định quyền hoạt động thương mại của Ấn Độ ở biển Đông có thể là
một dấu hiệu cho thấy ông Modi đã sẵn sàng cùng với Mỹ và các nước ở
châu Á – Thái Bình Dương kiềm chế tham vọng lãnh hải của Trung Cộng.
Thái Lan bắt nghi can vụ đánh bom ở Bangkok
Hôm 29/8, Cảnh sát tại Thái Lan đã bắt một nghi can có liên hệ đến vụ
đánh bom trước đây trong tháng làm 20 người thiệt mạng. Nhà chức trách
nước này nói với các phóng viên rằng người đàn ông này được mô tả là một
người nước ngoài, bị truy tố về tội tàng trữ chất nổ và hiện bị quân
đội giam giữ. Các giới chức cảnh sát và quân đội nói cảnh sát cũng tìm
thấy tại nơi cư ngụ của nghi can những viên bi sắt, ngòi nổ, ống sắt và
những vật liệu làm bom khác cũng như một số hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ. Được
biết đây là một bước đột phá lớn đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ nổ ngày 17
tháng 8 tại Ngôi đền Erawan được nhiều người lui tới thuộc trung tâm
Bangkok làm 20 người thiệt mạng-gồm người Thái Lan, Trung Quốc,
Malaysia, một người Singapore và một người Indonesia-và làm bị thương
hơn 100 người gồm nhiều quốc tịch khác nhau.
Dân Malaysia biểu tình đòi thủ tướng từ chức
Hôm 29/8, những người biểu tình bắt đầu tụ tập ở thủ đô của Malaysia
để dự cuộc mít-tinh trong hai ngày để đòi Thủ tướng Najib Razak từ chức
vì những cáo giác lừa đảo nghiêm trọng. Bersih, tổ chức xã hội dân sự
hàng đầu ở Malaysia, muốn ông Najib từ chức sau khi có tố cáo cho rằng
ông nhận 700 triệu đô la từ quỹ đầu tư 1MDB do chính phủ làm chủ. Ngay
sau đó Chính phủ Malaysia đã phong toả website của Bersih và tuyên bố
cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc lập ở Kuala Lumpur là bất hợp pháp
vì các nhân vật tranh đấu không được cấp phép để tổ chức biểu tình tại
địa điểm này. Không những thế giới hữu trách cũng cấm dân chúng mặc
trang phục màu vàng và phù hiệu của tổ chức này.
No comments:
Post a Comment