Chủ Nhật 23.08.2015
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Thưa các quí vị đảng viên cộng sản lâu năm, các bạn công an, bộ đội,
Dịp tháng Tám là thời điểm làm cho nhiều người Việt Nam phải trăn trở
và gần đây đã có nhiều phát hiện, đánh giá lịch sử khác hẳn với những
gì đảng cộng sản Việt Nam thường tuyên truyền về ngày Hai tháng Chín.
Đọc lại tư liệu lịch sử, nhiều người đã phát hiện ra rằng, Tuyên ngôn
Độc lập do Hồ Chí Minh công bố vào ngày 02 tháng Chín năm 1945 không
phải là tuyên ngôn độc lập đầu tiên cho Việt Nam, vì trước đó, vào ngày
11 tháng Ba, Vua Bảo Đại đã ra Tuyên cáo Độc lập và, chỉ sáu ngày sau,
tiến hành lập Chính phủ Việt Nam Độc lập đầu tiên, sau 80 năm Pháp
thuộc, do học giả Trần Trọng Kim đứng đầu.
Đảng cộng sản Việt Nam thường tuyên truyền rằng "dưới sự lãnh đạo của
Hồ Chí Minh và đảng cộng sản" nhân dân Việt Nam đã vùng lên "khởi nghĩa
cướp chính quyền từ tay Pháp, Nhật". Nhưng sự thật lịch sử không như
thế, vì chủ quyền và chính quyền của người Pháp đã bị giải tán hoàn toàn
ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương ngay từ ngày 9 tháng Ba năm 1945
vì bị lực lượng quân phiệt Nhật Bản lật đổ. Sau đó Nhật Bản đã giao
quyền kiểm soát Việt Nam trên cả ba miền Nam Trung Bắc cho chính phủ
Trần Trọng Kim. Ngoài ra, kể từ ngày 13 tháng Tám năm 1945, mọi quyền
lực thực dân của Nhật trên toàn Việt Nam và mọi nơi trên thế giới đều
mất giá trị vì Nhật hoàng đã chấp nhận đầu hàng quân đồng minh.
Trong Tuyên cáo Độc lập của Vua Bảo Đại phát ra từ Viện cơ mật của
triều đình Huế ngày 11 tháng Ba năm 1945 có những lời giản dị nhưng đầy
đủ như thế này:
"Cứ tình thế chung trong thiên hạ, tình thế riêng trong cõi Đông Á,
chính phủ Việt Nam công nhiên tuyên bố từ ngày nay điều ước Bảo Đại 1884
với nước Pháp bãi bỏ và nước Việt Nam khôi phục quyền độc lập. Nước
Việt Nam sẽ gắng sức tự túc tiến triển cho xứng địa vị một quốc gia độc
lập."
Trong chính phủ độc lập đầu tiên của Việt Nam do Trần Trọng Kim lãnh
đạo chúng ta thấy những tên tuổi của các nhân sĩ, trí thức hàng đầu về
kiến thức và phẩm cách lúc đó, như: Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Trần Đình
Nam, Trịnh Đình Thảo, Vũ Văn Hiền. Nhưng điều quan trọng nhất, chính phủ
Việt Nam Độc Lập của Trần Trọng Kim đã thực hiện được những công việc
thiết yếu cho nền độc lập non trẻ của Việt Nam: Lập quốc kỳ mới là lá cờ
quẻ ly màu đỏ trên nền vàng; Lập quốc ca mới là bài "Tiếng gọi thanh
niên" của Lưu Hữu Phước; Tiến hành canh tân giáo dục bằng tiếng Việt
nhưng vẫn theo hướng khai phóng của Pháp, với những thuật ngữ mới thuần
Việt làm nền cho toàn hệ thống giáo dục và hệ thống văn bản quản trị;
Thực hiện cải tổ hệ thống hành chính theo hướng tẩy uế các tập quán quan
lại cổ hủ, kế thừa các kỹ thuật quản trị của Pháp và chiêu dụng các
nhân tài người Việt; Xây dựng, khai triển một phong trào xã hội rộng
khắp ba miền nhằm huy động, cổ xướng tinh thần phụng sự quốc gia và rèn
luyện về đức, trí, dục cho giai tầng thanh niên-nguồn lực chính của dân
tộc trong công cuộc xây dựng và giữ gìn Tổ quốc.
Thưa quí vị, quí bạn, đến nay nhiều người vẫn cho rằng chính phủ Trần
Trọng Kim thân Nhật hay cáo buộc một cách nặng nề là "chính phủ bù
nhìn" của Nhật. Nhưng đánh giá một cách công tâm, dựa trên bối cảnh và
các sự kiện lịch sử, không ai có thể phủ nhận được hai giá trị to lớn
của chính phủ Trần Trọng Kim: Một, đã xác quyết và giành được độc lập
cho Việt Nam trên cả ba miền Nam Trung Bắc trên phương diện văn bản mà
không phải tốn một giọt máu; Hai, đã xây dựng được một chính quyền hoàn
toàn của người Việt với những chương trình hành động và chính sách vừa
thiết thực cho nền độc lập non trẻ, vừa tạo cơ sở cho sự phát triển lâu
dài của đất nước.
Như vậy, trên thực tế, vào trước ngày 2 tháng Chín năm 1945, đất nước
Việt Nam chúng ta đã tự xác quyết độc lập, đã tuyên bố độc lập cho toàn
dân và dư luận thế giới tri tường và chúng ta cũng đã có một chính phủ
Việt Nam Độc lập đi theo hướng tư bản chủ nghĩa.
Thế nhưng, Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam, với ý đồ độc chiếm
quyền lực, đã dùng mọi phương tiện và thủ đoạn để giành quyền lực từ Vua
Bảo Đại, ép buộc Vua Bảo Đại phải tuyên bố thoái vị vào ngày 22 tháng
Tám năm 1945 và hệ lụy tất yếu: chính phủ Trần Trọng Kim phải giải tán.
Chính đó là lý do vì sao, các tài liệu và sử sách dưới chế độ cộng sản
Việt Nam không bao giờ nhắc đến hoặc nhắc đến một cách bóp méo, cắt xén
về Tuyên cáo Độc lập của Vua Bảo Đại và các công việc tầm vóc của chính
phủ Trần Trọng Kim.
Hôm nay, nhìn và gẫm lại những biến cố lịch sử đó, chúng ta không thể
không cảm thấy tiếc nuối và cay đắng. Tiếc nuối là vì một chính quyền
có một chính sách đúng đắn ngay từ đầu (không theo Chủ nghĩa cộng sản)
nhưng đã bị giải tán. Và cay đắng là vì rất nhiều người trong chúng ta
hoặc ông bà, bố mẹ chúng ta đã vô tình góp phần dựng nên một chế độ như
cố Trung tướng Trần Độ đã kết luận "là tổng hợp các tội ác ghê tởm của
Tần Thủy Hoàng và các vua quan tàn bạo Trung Quốc, cộng với tội ác của
các chế độ phát xít, độc tài. Nó tàn phá cả một dân tộc."
Dian và Tiến Văn xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Tiến Văn
23/08/2015
No comments:
Post a Comment