Thứ Hai 17.08.2015
Thái độ hèn với giặc, ác với dân cố hữu của CSVN đã làm mất đi lãnh hải và lãnh thổ vào tay Trung cộng. Sự tiếp tục hèn yếu với Bắc phương hầu bám víu quyền lực chính trị còn có nguy cơ mất trắng Biển Đông vào tay kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Cơ hội cứng rắn hơn với Trung cộng" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Hội nghị an ninh ASEAN khai mạc tại Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia.
Một ngày trước đó, Ngoại Trưởng Trung cộng Vương Nghị đã lên tiếng
khuyên các nước không nên bàn những tranh chấp riêng tư song phương
trong cuộc họp này. Ông còn đe dọa rằng nếu họ bàn về các vấn đề đó thì
"tình hình sẽ căng thẳng hơn".
Tình trạng đã đủ căng thẳng từ mấy năm nay rồi, khi tầu chiến Trung
cộng đâm tầu đánh cá của dân Việt Nam và Philippines, tàu chiến các nước
đã "bắn súng nước" với nhau. Căng thẳng hơn nghĩa là hải quân hai bên
có thể sẽ nổ súng. Ông Vương Nghị đe dọa thật.
Ngoại trưởng Philippines, ông Albert Del Rosario, phản pháo ngay
trong ngày hội nghị ASEAN bắt đầu. Ông cực lực lên án các hành động "đơn
phương gây hấn" của Trung cộng trong vùng Biển Ðông. Ông nêu ra các
chứng cớ cụ thể là việc xây dựng những đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm
đang tranh chấp để biến thành các phi trường và căn cứ quân sự.
Sau khi bày tỏ thái độ cương quyết, ông Del Rosario vẫn chứng tỏ một
thái độ ôn hòa, tuyên bố Philippines ủng hộ đề nghị "Ba Ngưng" của chính
phủ Mỹ để giảm bớt xung đột gia tăng: "Ngưng xây đắp các đảo nhân tạo;
ngưng xây dựng các căn cứ, và ngưng các hành động gây hấn". Nhưng ông
Del Rosario cẩn thận nói thêm: "Chúng tôi cần nhấn mạnh rằng chấp nhận
đề nghị 'Ba Ngưng' không có nghĩa là Philippines công nhận việc xây đắp
bảy hòn đảo nhân tạo mà Trung cộng đã thực hiện trong năm qua".
Cho tới nay, Trung cộng luôn luôn bắt buộc Việt cộng chỉ được nêu các
vấn đề tranh chấp giữa hai quốc gia trong các cuộc gặp gỡ riêng hai
nước với nhau. Lời tuyên bố của ông Vương Nghị trong ngày Thứ Hai xác
định lại rằng các hành động gây hấn mới của Trung cộng đều là các vấn đề
"song phương". Ðó là chủ trương "Bẻ Ðũa". Còn gọi là chiến lược "chia
để trị" các đế quốc vẫn dùng khi họ muốn thôn tính các nước nhỏ.
Trước các hành động xâm lấn của Trung cộng đối với nước Việt Nam từ
năm 1956 đến nay, con đường duy nhất để dân tộc Việt Nam giữ được chủ
quyền là phải thoát ra ngoài chiến lược "Bẻ Ðũa" của Trung cộng.
Hội nghị an ninh ASEAN tại Kuala Lumpur là một cơ hội bằng vàng để
chính quyền Việt Nam bắt đầu chui ra khỏi vòng cương tỏa của chiến lược
"Bẻ Ðũa" này. Ðây là cơ hội để dân tộc Việt Nam thoát khỏi cái tròng
"bốn tốt" với "16 chữ vàng" do Trung cộng cột vào đầu vào cổ.
Ðây là một cơ hội mới, vì các chính phủ ASEAN đều nói ngược lại ý
kiến của ông Vương Nghị. Ngoại trưởng Singapore, ông K. Shanmugam nói
thẳng: "Vùng Nam Hải (tức Biển Ðông nước ta) là một vấn đề. Không thể
giả bộ coi như nó không có vấn đề nào".
Gió đang xoay chiều trong vùng Ðông Nam Á. Các nước ASEAN đã tỏ ý
chấp nhận giải pháp "Ba Ngưng" tạm thời của chính phủ Mỹ; việc đầu tiên
là ngưng không xây đắp thêm các hòn đảo nhân tạo.
Trong vùng Ðông Nam Á gió quả thật đã xoay chiều. Thái độ cứng rắn
của chính phủ Mỹ đã khuyến khích các nước từ Philippines tới Singapore,
Malaysia tỏ ra cứng rắn một cách công khai và quyết liệt hơn đối với
Trung cộng. Ðây là một cơ hội cho dân tộc Việt Nam để thoát khỏi ách
kiềm tỏa của đế quốc đỏ Trung Hoa. Nếu đảng Cộng Sản bỏ lỡ cơ hội này
thì lịch sử sẽ kết tội mãi mãi.
Liệu Đảng Cộng Sản Việt Nam có dám bày tỏ một thái độ cứng rắn hơn
đối với Trung cộng hay không? Ít có triển vọng Việt cộng sẽ đổi chiều
180 độ, nhưng ít nhất cũng hy vọng họ dám quay ít nhất một góc vuông!
Trong cuộc gặp gỡ giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Obama gần đây,
tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam và tổng thống Mỹ đã công bố nhiều
chính sách chung về ngoại giao. Trong đó hai nước sẽ hợp tác bảo vệ an
ninh hàng hải trong vùng Biển Ðông trong khuôn khổ các hội nghị đa
phương. Hai bên cũng đồng ý phải giải quyết các tranh chấp trên Biển
Ðông bằng các biện pháp dùng luật lệ quốc tế. Cuộc họp khối ASEAN lần
này là một cơ hội để Việt Nam thi hành những chủ trương trên. Không thể
nói một đằng, làm một nẻo, để chính quyền Trung cộng càng thêm khinh
mạn, khiến họ càng hung hăng gây hấn hơn.
Trong hội nghị ARF ngày Thứ Năm này, phái đoàn Việt Nam hãy đánh dấu
một bước ngoặt bằng lời tuyên bố chấm dứt chính sách đàm phán song
phương với Trung cộng về vùng Biển Ðông. Lý do vì đây là một vấn đề an
ninh quốc tế. Từ nay, Việt Nam sẽ thảo luận với nhiều quốc gia, gồm các
nước Ðông Nam Á, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Mỹ, Nam Hàn, v.v... Cương quyết hơn
nữa, dân tộc Việt Nam phải ấn định một lằn ranh giới rõ ràng, nếu Trung
cộng bước qua thì người dân Việt sẵn sàng hy sinh để bảo vệ danh dự, chủ
quyền và đất đai, biển đảo của tổ tiên.
Một trăm năm trước, chí sĩ Phan Châu Trinh viết bài: "Mười điều bi
thương của dân tộc Việt Nam"; Điều số một là: "Trong khi người nước
ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người
nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đọa đày". Lời dạy
của cụ Tây Hồ ngày nay vẫn cần được nhắc nhở./.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment