Thứ Bảy, ngày 29.08.2015
Kính thưa quý thính giả,
Sử Việt ghi nhận một danh tướng cuối đời Trần đã xông pha trong cuộc chiến chống giặc Chiêm Thành, ông đã phục kích giết chết quốc vương Chế Bồng Nga và đập tan giấc mộng xâm lăng Đại Việt của nước Chiêm Thành. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Danh tướng Trần Khát Chân" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trần Khát Chân là hậu duệ của Bảo nghĩa hầu Trần Bình Trọng, quê làng
Hà Lăng, phủ Vĩnh Ninh, tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh năm Canh Tuất 1370. Từ
thuở nhỏ, ông đã là người có chí lớn và hiếu học. Khi 18 tuổi, Trần
Khát Chân đã nổi tiếng là người văn võ song toàn. Năm 1388, ông thi đỗ
Thái học sinh, về sau được triều đình trọng dụng phong làm Tướng chỉ huy
đoàn quân Long Tiệp.
Thời Trần Khát Chân là thời kỳ mà nhà Trần bắt đầu suy vi. Những cuộc
chiến tranh liên miên, với cường độ ngày càng khốc liệt đối với các lân
bang, đặc biệt là Chiêm Thành, đã làm cho tiềm lực nước Đại Việt thêm
suy kiệt. Các vua cuối đời nhà Trần đã không tài giỏi, lại thường bị
quần thần lấn át, trong lúc nước Chiêm Thành thì đang hưng thịnh. Vua
Chiêm Thành là Chế Bồng Nga rất nhiều lần xua quân cướp phá bờ cõi nước
Việt.
Vào các năm 1371, 1377, 1378, Chế Bồng Nga dẫn quân sang đánh và
thiêu rụi cả kinh thành Thăng Long, vua tôi nhà Trần phải rút lui lánh
nạn. Chế Bồng Nga ra lệnh lùng bắt phụ nữ VN, vơ vét vàng bạc châu báu
trước khi rút về Chiêm Thành.
Tháng 10 năm 1389, Chế Bồng Nga lại đưa quân sang đánh Đại Việt một
lần nữa. Lần này, đích thân Chế Bồng Nga chỉ huy. Quân Chiêm Thành đánh
chiếm Thanh Hóa, đánh vào hương Cổ Vô, vua Thuận Tông sai Hồ Quý Ly đem
quân chống giữ.
Quân Chiêm Thành đắp đập ngăn dòng sông ở thượng lưu. Quan quân nhà
Trần đóng nhiều cọc để đối địch. Giặc Chiêm thiết lập ổ mai phục, che
giấu các đàn voi, và giả vờ rút lui. Hồ Quý Ly chọn những tinh binh khỏe
mạnh nhổ cọc và đuổi theo truy kích.
Quân Chiêm Thành phá đập chắn nước rồi cho voi xông trận. Quân nhà
Trần thua trận, bị tổn thất nặng nề, nhiều tướng lãnh bị giặc bắt. Hồ
Quý Ly chạy về kinh thành xin triều đình cho thêm chiến thuyền ra tiếp
ứng, nhưng vua Trần không đồng ý nên Hồ Quý Ly xin từ chức.
Hai tướng Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương cũng không chống cự nổi
với quân giặc. Quân Chiêm Thành thừa thắng tiến ra Bắc, đóng quân trên
sông Hoàng Giang. Kinh thành Thăng Long lại rơi vào tình thế hỗn loạn,
dân chúng vội vã đi lánh nạn.
Trong tình thế nguy cấp, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai tướng Trần
Khát Chân (lúc đó chỉ là một võ tướng cấp thấp) chỉ huy đoàn quân Long
Tiệp ra trận. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã khóc khi tiễn đưa tướng
Trần Khát Chân.
Quân của Trần Khát Chân xuất phát từ sông Hồng, đi đến Hoàng Giang
thì chạm trán với quân giặc. Trần Khát Chân quan sát thấy địa hình khó
tấn công, bèn lui quân về giữ Hải Triều. Tháng Giêng năm Canh Ngọ
(1390), Chế Bồng Nga đem hơn 100 chiến thuyến tiến vào Hải Triều dò xét
quân tình để chuẩn bị tổng tấn công.
Nhờ một thủy binh của Chế Bồng Nga tiết lộ tin tức, Trần Khát Chân
biết được chiếc thuyền chỉ huy của Chế Bồng Nga. Ông liền tổ chức cuộc
phục kích tại ngã ba sông Hải Triều và Nhị Hà, tập trung hỏa lực bắn
thẳng vào thuyền chỉ huy của Chế Bồng Nga. Chiến thuyền bốc cháy, Chế
Bồng Nga trúng đạn chết tại trận. Quân Chiêm Thành vừa bị mất cấp chỉ
huy tối cao, lại bị quân Long Tiệp tấn công ráo riết liền thu quân bỏ
chạy về nước.
Trần Khát Chân cho người báo tin thắng trận cho Thượng Hoàng Trần
Nghệ Tông. Sau đó, tướng Trần Khát Chân được vua phong là Long Tiệp
Phụng thần Nội vệ Thượng tướng quân, tước Vũ Tiết Quan Nội hầu.
Tướng Chiêm Thành tên La Ngai đem tàn quân chạy về nước chiếm ngôi
vua. Hai con trai của Chế Bồng Nga là Chế Ma Nô và Chế Sơn Nô sợ bị giết
nên chạy sang đầu hàng vua Trần. Chính nhờ chiến thắng của tướng Trần
Khát Chân đã khiến cho Chiêm Thành loạn lạc, không còn tiềm năng xâm
lược Đại Việt.
Tuy nhiên chỉ mấy năm sau đó, Trần Khát Chân đã bị sát hại cùng với
370 văn quan võ tướng khác trong cuộc binh biến mà Hồ Quý Ly soán ngôi
nhà Trần. Ông mất khi mới có 29 tuổi.
Sau khi Trần Khát Chân mất, để tưởng nhớ công lao, người dân đã lập
đền thờ Trần Khát Chân ở làng Phương Nhai và sườn núi Đốn. Tại kinh đô
Thăng Long và tại vùng Kẻ Mơ cũng có đền thờ ông. Hiện nay tại Sài Gòn
và Hà Nội đều có đường phố mang tên ông để ghi nhớ công lao to lớn của
vị danh tướng chiến thắng quân Xiêm vào cuối đời nhà Trần.
* * *
Bất cứ triều đại nào trong lịch sử, từ Á sang Âu, đều có lúc thịnh
lúc suy. Nhà Trần lên thay thế triều Lý, kéo dài thêm thời kỳ tự chủ của
Đại Việt thêm 200 năm, nhưng cuối cùng thì vẫn phải suy tàn. Từ những
chiến thắng lẫy lừng trước đạo quân Nguyên – Mông ở thời kỳ đầu lập
triều đại mới, nước Đại Việt vào những năm tháng cuối đời Trần đã liên
tiếp thất trận trước đạo quân Chiêm Thành của Chế Bồng Nga. Thậm chí
kinh đô Thăng Long không chỉ thất thủ một lần mà đến 3 lần.
Thế nhưng trong thời kỳ suy tàn đó, vẫn xuất hiện được một Trần Khát
Chân, dòng dõi của danh tướng Trần Bình Trọng với câu nói lẫm liệt trong
tay quân thù: "Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc". Nếu
Trần Khát Chân không giết chết được Chế Bồng Nga, liệu kinh thành Thăng
Long sẽ phải chịu thêm bao nhiêu trận vơ vét cướp bóc của quân Chiêm
Thành.
Trần Khát Chân đã rửa được nỗi nhục Đại Việt bị lân bang xâm lấn,
phát huy được uy danh của cha ông từng đánh bại đạo quân Mông Cổ hùng
mạnh nhất thế giới. Nhưng điều đáng nói hơn nữa, trong giờ phút triều
đình băng hoại và đất nước lâm nguy, vị tướng trẻ Trần Khát Chân đã đứng
lên nhận lãnh sứ mạng chống giặc mà không một tướng lãnh nào làm nổi.
Thường thì "thời thế tạo anh hùng", nhưng trong trường hợp này thì
phải nói là "anh hùng tạo thời thế". Hiện đất nước VN cũng lâm vào hoàn
cảnh tương tự như cuối đời Trần, với triều đình cộng sản đang hủ bại,
cúi đầu dâng hiến chủ quyền và giang sơn cho Trung Cộng. Chính vì thế
câu hỏi đặt ra ở đây là khi nào thì các thế hệ con cháu của vị danh
tướng trẻ tuổi Trần Khát Chân sẽ nối gót cha ông, dũng cảm đứng lên dẹp
tan bè lũ cộng sản, đưa đất nước thoát khỏi vũng lầy tăm tối hiện nay?
Việt Thái
No comments:
Post a Comment