CHỦ TỊCH VN SANG TÀU DỰ LỄ DUYỆT BINH TRONG KHI NHẬT – PHI TẨY CHAY
Bộ ngoại giao VN loan báo là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ sang
Bắc Kinh dự lễ duyệt binh vào ngày 3/9, trong khi nguyên thủ hai nước
Nhật Bản và Philippines từ chối lời mời để phản đối việc Trung Cộng xâm
lấn lãnh hải.
Ngoài loan báo là ông Sang sẽ có mặt trong buổi lễ nói trên, bộ ngoại
giao VN không cho biết là sẽ có bao nhiêu binh sĩ VN sẽ góp mặt trong
buổi lễ kỷ niệm 70 năm quân Tàu đánh bại quân Nhật trong thế chiến thứ
hai.
Cần nhắc lại là hai nước Nhật – Phi và rất nhiều nguyên thủ quốc gia
khác đã từ chối lời mời tham dự buổi tưởng niệm nói trên. Tuy nhiên Tổng
thống Nam Hàn Phác Cận Huệ sẽ có mặt bên cạnh Tổng thống Nga Vladimir
tại quảng trường Thiên An Môn để quan sát cảnh 12 ngàn binh sĩ Trung
Cộng và Nga Sô diễn hành trong buổi lễ này.
NÔNG DÂN VIỆT CÀNG LÚC CÀNG THÊM ĐIÊU ĐỨNG VÌ NÔNG SẢN MẤT GIÁ
Giới báo chí trong nước cho biết là đời sống nông thôn VN càng lúc
càng trở nên cơ cực khi nông sản liên tục bị mất giá, điển hình như 50
ký muối làm ra chỉ mua được một tô phở, 40 ký chanh bán ra không bằng
một ổ bánh mì, 1 ký khoai lang còn thua giá một ly trà đá và 20 ký dưa
hấu mới đổi được một tô phở.
Trong khi đó thì gạo VN, một mặt hàng xuất cảng chính yếu suốt mấy
thập niên qua, cũng đang bị giói lái buôn Trung Cộng sửa đổi hợp đồng để
ép giá sau khi nước này phá giá đồng Hoa tệ.
Cần nhắc lại là kết quả một cuộc nghiên cứu kéo dài 4 năm cho thấy là
mức thu nhập trung bình của nông dân VN chỉ vào khoảng 200 Mỹ kim một
năm, so với con số bình quân 1600 Mỹ kim của cả nước. Con số này cho
thấy sự chênh lệch quá lớn trong xã hội VN, vì hơn 57% lực lượng lao
động tại VN là ở nông thôn, nhưng chỉ chiếm chưa tới 20% tổng sản lượng
quốc gia.
Chỉ nói riêng về muối, thì giá muối ở Bỉnh Định đã sụt xuống mức thấp
nhất kể từ 5 năm qua, khiến giới diêm dân ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ,
Tuy Phước thêm lao đao vì bán ra một tạ muối chỉ đủ mua 2 tô bún. Và tại
Bạc Liêu thì làm ra 50 ký muối chỉ đủ mua một tô phở. Thế nhưng giá
muối ăn tại các thành phố lớn thì có giá gấp 10 lần.
NỀN KINH TẾ VN ĐANG BỊ ÉP PHẢI THAY ĐỔI NẾU MUỐN SỐNG CÒN
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới thì VN đang bước vào một tình
thế bị ép buộc phải thay đổi về cấu trúc kinh tế để có thể phát triển
một cách bền vững. Theo các chuyên gia quốc tế thì VN phải gấp rút cải
thiện cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh mới có thể đối đầu với
những thách thức mới khi các thỏa ước mậu dịch tự do bắt đầu có hiệu
lực.
Theo Ngân hàng này thì mặc dù VN đang được nhiều nhà đầu tư ngoại
quốc đổ vốn đầu tư, nhưng các nguồn vốn này không được dàn trải rộng và
không mang lại lợi ích nhiều cho các công ty nội địa, đặc biệt là trong
việc chuyển giao kỹ thuật. Theo họ thì mô hình phát triển hiện nay của
VN có nhiều điểm khác biệt so với các nước tiền kỹ nghệ hóa. Lấy ví dụ
như Nam Hàn đã phát triển toàn bộ dây chuyền sản xuất, từ khâu thiết kế
đến lắp ráp và phân phối. Tại VN thì dây chuyền này vô cùng rời rạc,
không yểm trợ lẫn nhau, thậm chí không cung ứng được những vật liệu sơ
đẳng như đinh ốc.
HÀNG CHỤC NGÀN GIA ĐÌNH Ở MIỀN TÂY NAM BỘ SẼ BỊ DI TẢN ĐẾN NƠI KHÁC
Khoảng 8600 gia đình đang sống trong các vùng sạt lở ở hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang sẽ bị di tản đến nơi khác.
Theo thống kê thì tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 100 nơi sạt lở, kéo dài
hơn 60 cây số dọc theo sông, chủ yếu là ở các thành phố Sa Đéc, Cao
Lãnh, Hồng Ngự, Châu Thành, Lấp Vò và Thanh Bình. Rất nhiều gia đình đã
có vài lần dời nhà vào sâu bên trong nhưng tình trạng sạt lở vẫn đuổi
theo họ.
Nhà cầm quyền Đồng Tháp cho biết là hiện có 6400 gia đình cần phải
gấp rút di dời nhưng không còn tiền để tái định cư. Riêng tại An Giang
thì có 48 đoạn sông với chiều dài 160 cây số cũng nằm trong danh sách
báo động đỏ với 2200 gia đình có nguy cơ bị cuốn xuống sông.
DÂN MÃ LAI TIẾP TỤC XUỐNG ĐƯỜNG PHẢN ĐỐI CÁC QUAN THAM
Bất chấp sự đe dọa của nhà cầm quyền, hàng trăm ngàn người dân Mã Lai
vẫn tiếp tục xuống đường ở thủ đô Kuala Lumpur vào hôm qua để đòi hỏi
thủ tướng Najib Razak phải từ chức.
Cần nhắc lại là vào hôm thứ Bảy, khoảng 200 ngàn người dân Mã Lai đã
tuần hành ở Kuala Lumpur, theo lời kêu gọi của phong trào xã hội dân chủ
Berish, một liên minh gồm nhiều tổ chức phi chính phủ, các hội đoàn dân
sự xã hội, bảo vệ nhân quyền và chống tham nhũng. Trong lời kêu gọi đưa
vào chiều tôi thứ Bảy, Luật sư Simon Tam kêu gọi dân chúng hãy tiếp tục
xuống đường để lên án "những kẻ đã nói láo, những tên ăn cắp của công
và đối xử tàn bạo với dân chúng", đồng thời gửi một thông điệp là "người
dân không thể dung thứ được nữa".
MIẾN ĐIỆN CẤM CÁC ĐẢNG PHÁI CHỈ TRÍCH QUÂN ĐỘI VÀ HIẾN PHÁP
Hội đồng Tuyển cử Miến Điện vừa ra lệnh cấm các đảng phái chỉ trích quân đội hay bản hiến pháp do tập đoàn quân phiệt ban hành.
Theo lệnh cấm này thì các ứng viên và đảng phái đang vận động tranh
cử đều có được 15 phút trình bày lập trường của họ trên các đài truyền
hình và phát thanh quốc gia, nhưng những gì muốn nói phải gửi đến Hội
đồng Tuyển cử để kiểm duyệt trước. Và mọi phê phán, chỉ trích quân đội
và hiến pháp sẽ bị cấm tuyệt đối.
Cần nhắc lại là theo hiến pháp Miến Điện hiện nay, quân đội sẽ đương
nhiên chiếm giữ 25% số ghế trong quốc hội và một số chức vụ bộ trưởng
quan trọng cũng do quân đội nắm giữ. Bản hiến pháp cũng qui định là
những công dân đã kết hôn với người ngoại quốc thì không được phép ứng
cử chiếc ghế tổng thống. Điều khoản này được xem là nhắm vào thủ lãnh
Aung San Suu Kyi, người có chồng là một công dân Anh.
No comments:
Post a Comment