Thứ Bảy, ngày 15.08.2015
Kính thưa quý thính giả,
Triều nhà Nguyễn, một triều đại bị phê phán khá nặng nề vì cầu viện ngoại bang và bị thực dân Pháp đô hộ, nhưng trong triều đại này có một danh thần, văn võ song toàn, có công mở mang bờ cõi về phía Tây Nam cho đất nước. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Đại học sĩ Trương Minh Giảng" của Việt Thái qua sự trình bày của Tam Thanh để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trương Minh Giảng người làng Hạnh Thông, huyện Bình Dương, tỉnh Gia
Định. Thân phụ của ông là Lễ bộ Thượng thư Trương Minh Thành. Trương
Minh Giảng được đánh giá là một người văn võ song toàn, là công thần bậc
nhất của nhà Nguyễn, ông vừa là một võ tướng vừa là một sử gia, từng
giữ chức Tổng tài Quốc sử giám.
Ông đỗ Cử nhân năm Kỷ Mão 1819, được bổ nhiệm chức Tư vụ, thăng dần
lên đến Lang trung bộ Binh, rồi đổi sang bộ Hình. Năm 1829, ông được
thăng lên chức Tham tri, được phái vào miền Nam công cán ở Gia Định và
khi đổi về kinh, ông giữ chức Tả tham tri bộ Hộ, không lâu sau được
thăng lên Thượng thư bộ Hộ, kiêm cai quản Khâm thiên giám.
Năm 1832, ông cùng với Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Thực biên soạn bộ
Liệt Thánh Thực Lục. Cũng thời gian này, ông giữ chức Tổng tài Quốc sử
giám, chủ trì việc biên soạn bộ Đại Nam thực lục chính biên.
Năm 1833, Lê Văn Khôi nổi loạn chiếm giữ thành Gia Định (bấy giờ được
đổi tên là thành Phiên An). Trương Minh Giảng được sung chức Tham tán
Quân vụ, cùng Thảo nghịch Tướng quân Phan Văn Thúy đem quân vào dẹp loạn
Lê Văn Khôi.
Dựa vào thành cao hào sâu, quân của Lê Văn Khôi cố thủ giữ thành, mãi
đến 2 năm sau cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi mới bị dập tắt. Do công thắng
trận, Trương Minh Giảng được vua Minh Mạng khen thưởng.
Theo lời cầu viện của Lê Văn Khôi, quân Xiêm do các tướng Chao Phraya
Bodin và Phra Klang chỉ huy tiến vào xâm phạm lãnh thổ Đại Nam, ông
cùng Nguyễn Xuân đẩy lui quân Xiêm và được tấn phong tước Bình Thành
Nam. Sau thắng lợi này, Trương Minh Giảng cùng Nguyễn Văn Năng đánh đuổi
quân Xiêm ra khỏi đất Chân Lạp, giúp Chân Lạp thu phục lại thành Nam
Vang, được gia phong tước Bình Thành Bá. Sau đó, ông được phong hàm Hiệp
biện Đại học sĩ, lãnh chức Tổng đốc An Giang. Không lâu sau, Trương
Minh Giảng lại được phong chức Đông các Đại học sĩ, kiêm chức Bảo hộ Cao
Miên.
Năm 1835, vua Minh Mạng đổi đất Chân Lạp thành Trấn Tây thành, sáp nhập vào Đại Nam.
Năm 1838, do công lao trấn giữ Trấn Tây thành, khi triều đình dựng
bia ghi công võ tướng, tên ông được khắc hàng đầu trong Võ miếu Huế.
Do tình hình Trấn Tây (gồm vài tỉnh đông nam Cao Miên, phía dưới Biển
Hồ, Phnom Penh, Kandal, Takeo, Prey Veng) không yên vì gặp phải sự
chống đối mạnh mẽ của người Chân Lạp, năm 1841, vua Thiệu Trị quyết định
rút bỏ Trấn Tây thành (tức thủ đô Nam Vang ngày nay) và toàn bộ Trấn
Tây, phục hồi vương quốc Cao Miên. Trương Minh Giảng theo lệnh rút quân
về trấn thủ An Giang.
Sách Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu kể chi tiết:
"Vào năm Minh Mạng thứ 16 (1836), nhà vua nghe tấu chương của Trương
Minh Giảng, lập đất Cao Miên thành quận huyện của Đại Nam, đặt tên là
Trấn Tây thành.
Năm Minh Mạng 19 (1839) Nặc Ong Yêm, em của Nặc Ong Chân đem 9 ngàn
quân Chân Lạp cùng 70 chiếc thuyền từ Battambang (vùng Thái Lan chiếm
đóng) về Trấn Tây (vùng người Việt cai quản), định xin triều đình nhà
Nguyễn cho làm vua kế vị Nặc Ong Chân. Trương Minh Giảng muốn giết đi,
nhưng vua Minh Mạng chỉ cho phép bắt Nặc Ong Yêm về Gia Định xét hỏi rồi
đưa ra ngoài Huế giam giữ.
Đến năm Minh Mạng thứ 21 (1841), Trà Long, Nhân Vu và La Kiên đến Huế
mừng thọ, thì vua Minh Mạng lại kể tội và bắt đày ra Hà Nội. Sau đó,
Tham tán Trấn Tây là Dưỡng Văn Phong khép cho Ngọc Biện, em gái Ngọc
Vân, tội mưu phản trốn sang Xiêm phải xử tử. Trương Minh Giảng đưa Ngọc
Vân, Ngọc Thu và Ngọc Nguyên, các con Nặc Ong Chân về Gia Định an trí".
Tháng 7 năm Tân Sửu (1841), Trương Minh Giảng bị bệnh và qua đời tại vùng đất An Giang do ông trấn thủ.
Để tưởng nhớ đến một danh thần có công mở mang bờ cõi về phía Tây Nam
cho đất nước, người dân lấy tên ông đặt cho nhiều con đường và khu chợ
trong các thành phố.
* * *
Triều Nguyễn, do vua Gia Long thành lập, là triều đại bị các sử gia
thời cận kim lên án rất nhiều vì các vụ trả thù tàn bạo đối với triều
đình Tây Sơn. Thế nhưng, nếu công tâm nhìn nhận, thì triều Nguyễn đã có
công sức rất lớn trong việc mở rộng bờ cõi nước Việt về phương Nam. Và
nếu như nước Pháp không thôn tính VN thì đất nước Cao Miên, tức
Campuchia ngày nay, cũng bị triều Nguyễn thôn tính như triều Lê đã làm
đối với đất nước Chiêm Thành. Điều này cũng không có gì là phải bị lên
án, vì lịch sử các quốc gia còn tồn tại trên thế giới cũng là chuỗi ngày
giành dân lấn đất. Dân tộc Việt đã bị sắc dân Hán – Hồ xua đuổi ra khỏi
vùng Động Đình Hồ, nên nếu muốn sinh tồn thì phải mở rộng biên cương
lãnh thổ về phía Nam. Tiến trình này kéo dài hàng ngàn năm và đến triều
Nguyễn thì vẫn được tiếp tục.
Và trong số những văn thần võ tướng đã góp công sức để mở mang bờ cõi
về phía Nam, có danh tướng kiêm đại học sĩ Trương Minh Giảng. Có thể
nói, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong cuộc trường chinh mở rộng mảnh
giang sơn gấm vóc có hình chữ S, chạy dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.
Vùng đất hoang vu ở đồng bằng sông Mekong đã trở thành miền Nam trú
phú hôm nay là nhờ công sức của rất nhiều văn thần võ tướng của triều
Nguyễn, từ Trương Minh Giảng cho đến Phan Thanh Giản. Chính họ mới đáng
để dân tộc Việt Nam xây dựng lên những đền đài để thờ phượng, hơn là các
tượng đài của một người mà tiểu sử thì rất mù mờ, kể cả ngày sinh lẫn
ngày chết cũng không chính xác, đặc biệt là "có công hay có tội" vẫn là
điều tranh cãi trong bối cảnh đất nước vô cùng lụn bại của ngày hôm nay!
Việt Thái
No comments:
Post a Comment