Tuesday, January 3, 2012

CHỈNH ĐỐN HAY CỦNG CỐ QUYỀN LỰC?

Ngày 02.01.2012     
Lời dẫn: Vào ngày 26/12 vừa qua, đảng cộng sản VN đã triệu tập một hội nghị trung ương để bàn về các biện pháp chỉnh đốn đảng trong tình hình quá hư đốn của giới đảng viên. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm dưới đây của LLDTCNTQ, với tựa đề "Chính đốn hay củng cố quyền lực?", qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Trong một hành động có vẻ khẩn cấp, vào ngày 26/12 vừa qua, đảng cộng sản VN đã triệu tập một hội nghị trung ương đảng để thảo luận về một số chiến lược chỉnh đốn nội bộ trước tình trạng mà họ gọi là "suy thoái về tư tưởng và đạo đức" của giới đảng viên.
Gọi là khẩn cấp vì đây là hội nghị trung ương đảng lần thứ 4 trong năm nay, kể từ khi tân ban chấp hành trung ương được bầu lên trong đại hội đảng lần thứ 11, diễn ra vào đầu năm 2011. Và sự khẩn cấp đó thể hiện trong câu phát biểu của ông Tống bí thư Nguyễn Phú Trọng về tầm quan trọng của việc chỉnh đốn này. Theo lời ông Trọng thì đây là công việc vô cùng khó khăn và phức tạp vì "dễ đụng chạm đến lợi ích và mối quan hệ giữa các đảng viên", nhưng nó cũng liên quan đến "sinh mệnh của đảng và sự tồn vong của chế độ" nên cần phải làm ngay.
Nghe sao mà thảm thiết! Suốt một năm qua, kể từ sau đại hội đảng và cuộc bầu cử quốc hội, trên các cơ quan truyền thông của đảng người ta đều thấy những bài viết tô hồng chế độ và ra rả ca tụng các thành tích đã đạt được của đảng và nhà nước. Mọi khó khăn đều được các quan chức lớn nhỏ nhận định là chỉ tạm thời, và trút tội cho các yếu tố khách quan, hay do các "thế lực thù địch" gây ra. Nói như ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vụ Vinashin, thì "đảng ta khi nào cũng làm đúng, không hề ra một quyết định nào sai cả".
Nhưng đùng một cái thì bộ chính trị triệu tập hội nghị và kêu gọi phải đề ra các biện pháp chỉnh đốn và xây dựng đảng nếu không thì cả đảng sẽ tiêu tùng. Và cái bộ siêu quyền lực này chọn ra ba vấn đề cấp bách nhất và cần phải làm ngay để cứu đảng và cứu chế độ.
Vấn đề đầu tiên là "phải đầy lùi tình trạng suy thoái về tư tương chính trị, đạo đức và lối sống của các đảng viên. Vấn đề này thì quá rõ rệt, không cần phải bàn nhiều, vì bất cứ người dân nào cũng biết về chuyện tham nhũng, cờ bạc và ăn chơi sa đọa trong giới đảng viên. Nếu như không bị trói tay, hay trói bút, thì giới báo chí lề đảng sẽ phanh phui ra nhiều chuyện động trời hơn nữa, ở những cấp cao hơn. Nhưng khi nêu ra vấn đề này, đảng cộng sản đã gián tiếp thú nhận chiến dịch "sống và học tập theo tấm gương HCM" hoàn toàn bị phá sản.
Vấn đề thứ nhì mà họ cho là cấp bách, là "phải nâng cao trình độ quản lý cấp trung ương". Điều này vô cùng kỳ dị, vì chẳng khác nào là thú nhận là giới quan chức cấp trung ương thiếu trình độ quản trị đất nước. Nếu vậy thì ai đã bổ nhiệm những kẻ không có năng lực vào các chức vụ đó? Và việc bổ nhiệm đã dựa trên tiểu chuẩn nào, phe đảng hay là đã chi tiền cao hơn những người khác? Nhưng nâng cao là nâng làm sao? Đưa đi học thêm hay là mở các khóa huấn luyện cấp tốc như quốc hội đã làm với các ông bà nghị sĩ mới đắc cử?
Nhưng điều kỳ dị hơn nữa là ở vấn đề cấp bách thứ ba. Đó là "xác định rõ quyền hạn của người đứng đầu đảng ủy các cấp", tức các ông bí thư. Có nghĩa là đảng cộng sản đã thành lập hơn 80 năm, nhưng các ông bí thư đảng ủy vẫn không biết rõ quyền hạn của mình là gì. Nghe cứ như là chuyện giỡn chơi của bạn bè trong bàn rượu, chứ không phải là trong một cái đảng vốn tự xưng "đỉnh cao trí tuệ của loài người".
Tuy nhiên đây mới là vấn đề chính yếu và có thể là nguyên nhân dẫn đến việc triệu tập hội nghị khẩn cấp nói trên. Nó cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng có ý đồ thu tóm quyền bính, vì ông là người cầm đầu đảng ủy trung ương, chứ không thể chấp nhận sự phân chia quyền lực khiến vai trò tổng bí thư đảng đã trở thành một bóng mờ vì sự lấn lướt của các ông thủ tướng suốt nhiều năm qua.
Và đó là lý do tại sao mà ông Trọng thẳng thừng tuyên bố việc chỉnh đốn dễ gây đụng chạm đến quyền lợi của nhiều cá nhân hay phe nhóm trong đảng. Nó hàm ý cho thấy một cuộc thanh trừng đang bắt đầu, và nhiều đảng viên sẽ bị loại hay bị tước quyền, với các lý do là thiếu "năng lực quản lý" hoặc phải trao quyền lại cho các bí thư đảng ủy.
Chắc chắn là các phe nhóm sẽ không chấp nhận bị tước quyền một cách dễ dàng như thế, đặc biệt là phe ông Nguyễn Tấn Dũng, người được xem là có quyền lực nhất nước và mới được một nhật báo Nam Hàn khen ngợi về tài lèo lái đất nước với tỷ lệ lạm phát hơn 18% , trong khi mức tăng trưởng kinh tế thì dưới 6%.
Nhưng cứ chờ xem sao. Biết đâu phe ông Trọng có thể chuyển bại thành thắng. Nhưng phe nào thắng thì dân tộc Việt vẫn tiếp tục là người thua, vì cái đảng đó đã hư đốn đến độ hết thuốc chữa!
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment