Wednesday, February 8, 2017

Trump xé TPP, Bắc Kinh mừng

BìnhLuận

Sau khi Tổng Thống Donald Trump xóa bỏ Hiệp Định Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương, Trans-Pacific Partnership (TPP), người hoan hô nồng nhiệt là Nghị Sĩ Bernie Sanders, người năm ngoái đã muốn làm ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ. Ông Sanders là nghị sĩ duy nhất theo chủ nghĩa xã hội, luôn luôn bênh vực quyền lợi giới lao động. Ngược lại, người lên tiếng chỉ trích ông Trump mạnh mẽ là Nghị Sĩ John McCain, đảng Cộng Hòa. Ông nói: “Việc rút khỏi TPP sẽ mở đường cho Trung Cộng đóng vai soạn luật đi đường trong kinh tế thế giới, làm thiệt hại cho các công nhân Mỹ… Đó lại là một tín hiệu nguy hiểm cho người ta nghĩ nước Mỹ đang rút chân khỏi Châu Á và Thái Bình”.
Hiệp Ước TPP được 12 quốc gia thương thuyết trong bảy năm qua, với những màn đàm phán rất gay go, phức tạp. Chính phủ của 11 quốc gia đã đánh cá cả uy tín chính trị của mình để vận động dân chúng và quốc hội nước họ ủng hộ hiệp định này. Bây giờ, tất cả các cố gắng đó thành vô ích vì nước Mỹ rút ra. Thiếu thị trường Mỹ thì tự do mậu dịch giữa các nước còn lại sẽ không đem lại lợi ích mà dân các nước này trông đợi.
Một ngày sau khi Tổng Thống Trump xé TPP, các chính phủ Australia, Chile và New Zealand đều bày tỏ hy vọng cứu bản hiệp định này, với đề nghị mời Trung Quốc tham dự. Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull còn cho biết ông đã thảo luận với các vị Thủ Tướng Shinzo Abe (Nhật Bản), Bill English (New Zealand) và Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong, Singapore) về việc duy trì TPP dù không có nước Mỹ. Ông Turnbull ngỏ ý hoan nghênh nếu Trung Cộng tham gia. Bộ Trưởng Ngoại Thương Steven Ciobo tuyên bố chính phủ Úc vẫn tiếp tục tiến tới với TPP dù không có Mỹ, và ông gợi ý có thể tu chính hiệp ước này để mở cửa mời các quốc gia khác tham dự.
Nhưng Cộng Sản Trung Quốc chắc sẽ lạnh nhạt nếu được mời tham dự vào TPP, mà trong bảy năm qua chính quyền Obama đã cố ý qua mặt, không mời. Bởi vì Bắc Kinh đã có chương trình khác. Khi tới các nước châu Mỹ La Tinh Ecuador, Peru và Chile vào cuối năm ngoái, Tập Cận Bình đã cổ động cho một hiệp ước tự do mậu dịch khác do nước Tàu đề xướng, gọi là Hợp Tác Toàn Diện Kinh Tế Vùng (Regional Comprehensive Economic Partnership, RCEP) được “made in China.” Sau khi ông Trump xé bỏ TPP, hai nước Australia và Malaysia đã tỏ ý sẵn sàng ký kết với RCEP.
RCEP đang chuẩn bị thành hình vào cuối năm 2017, sẽ bao gồm 16 nước, với Trung Quốc, 10 nước ASEAN cộng thêm Nhật Bản, Nam Hàn, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Trong khi TPP mang dấu ấn chủ trương kinh tế của Mỹ thì RCEP hoàn toàn phản ảnh quan niệm của Cộng sản Trung Quốc. Khác biệt căn bản giữa hai hiệp ước thương mại này là RCEP bỏ qua không bắt buộc các nước thành viên phải giảm bớt vai trò của các xí nghiệp quốc doanh, không quan tâm đến quyền tự do lập công đoàn của người lao động, và không chú ý đến việc bảo vệ môi trường sống. Rõ ràng là Trung Cộng chỉ muốn mở rộng thương mại mà không cần biết đến những giá trị căn bản mà các chính phủ Mỹ vẫn theo đuổi từ hơn nửa thế kỷ nay.
Nếu các nước đã ký kết vào TPP chuyển sang hợp tác trong RCEP, đó sẽ là một thắng lợi lớn của Tập Cận Bình. Chính sách “chuyển trục qua Châu Á” của Tổng Thống Barack Obama có thể lung lay trên mặt trận kinh tế, nhưng cũng ảnh hưởng trên mặt văn hóa. Cộng sản Trung Quốc có thể đem rao giảng “mô hình Trung Quốc” như một kiểu mẫu cho các quốc gia khác noi theo: Thương mại tự do nhưng chính trị độc tài, độc đảng.
Một cảnh ngược đời đang diễn ra: Chính phủ Mỹ hướng vào bên trong, còn Trung Cộng lại cổ võ mở rộng thương mại với các nước.
Tuy nhiên, sau khi xé bỏ hiệp ước TPP Tổng Thống Donald Trump vẫn còn nhiều quân bài khác. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer cho biết chính quyền Trump vẫn tôn trọng các hiệp ước thương mại đã ký kết và sẽ ký các thỏa hiệp song phương mới với những nước khác chưa ký kết, trong số 11 nước đã ký vào TPP. Nếu những nước này thấy một hiệp ước ký tay đôi với Mỹ đem lại nhiều lợi lộc hơn thì họ vẫn có thể bắt cá hai tay, vừa gia nhạp RCEP vừa buôn bán tự do với nước Mỹ. Lúc đó, cuộc cạnh tranh giữa Trung Cộng và Mỹ sẽ hoàn toàn dựa trên sức mạnh kinh tế. Tuy nhiên, chính quyền Donald Trump có vẻ không quan tâm đến những điều kiện mà chính quyền Obama đã đặt ra, như tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền của giới lao động. Nước Mỹ sẽ ngưng, không đóng vai trò truyền bá và cổ võ cho thế giới bên ngoài về những giá trị căn bản diễn tả trong hiến pháp Mỹ nữa.
Tuy ông Trump từng nêu những ý kiến với khuynh hướng “bảo hộ thương mại” và dọa tăng thuế nhập cảng cũng như đánh thêm thuế mới trên các công ty Mỹ đem công việc ra nước ngoài làm, nhưng trong chính trị nước Mỹ vị tổng thống không có toàn quyền quyết định. Đặc biệt, quyền đánh thuế trên căn bản thuộc vào các đại biểu quốc hội Mỹ. Các đại biểu thuộc đảng Dân Chủ có thể sẽ ủng hộ các sắc thuế mới của ông Trump, nhưng những người thuộc đảng Cộng Hòa có thể sẽ ngăn cản và họ sẽ được giới kinh doanh Mỹ hỗ trợ./.
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment