Saturday, February 25, 2017

Thái sư Đinh Liệt

DanhNhânNướcViệt

Đinh Liệt hiệu là Hồng Mai, sinh năm Canh Thìn (1400) tại Thúy Cối, huyện Thủy Nguyên, phủ Thanh Hóa. Ông nội là Thái úy Chấn Vũ Hầu Đinh Thỉnh, cha là Thái úy Bỉnh Tài Hầu Đinh Tôn Nhân, mẹ là bà Lê Thị Ngọc Thức, trưởng nữ của một Hào trưởng.
Thưở nhỏ thông minh lanh lợi, văn võ song toàn. Đất Bái Đô tổ chức hội võ, Đinh Liệt ứng thí được thưởng cây gươm “Thanh Thiết”, nặng 20 cân. Trên đốc kiếm được khắc bốn câu thơ như sau:
Kiếm Thanh Thiết cứng bền sắc nước,
Giải quán quân chờ bậc anh tài.
Vung bảo kiếm chém bay đầu giặc,
Nước Nam ta ai xứng? Trao tay”.
Đinh Liệt sinh ra vào lúc Hồ Quý Ly đã phế truất vua nhà Trần tự lên ngôi hoàng đế, xây dựng kinh đô ở An Tôn, gọi là Tây Đô, đặt tên nước là Đại Ngu.
Lấy cớ đó, vào năm 1407, nhà Minh đã đưa quân sang xâm lược. Chúng đã bắt được toàn bộ vua quan nhà Hồ mang về Kim Lăng và đàn áp các cuộc khởi nghĩa Giản Định Đế và Trần Quý Khoáng lãnh đạo cùng nhiều cuộc khởi nghĩa khác. Thời gian này, nước Việt chìm trong cảnh nước mất nhà tan, cuộc sống cơ cực và bần hàn dưới gót giầy tàn bạo của quân xâm lược Minh.
Cha Đinh Liệt là Đinh Tôn Nhân đang xây dựng Lam Sơn thành một căn cứ địa để chống lại quân Minh và xây dựng trang gia Thúy Cối – Mỹ Lâm của mình thành một căn cứ kháng Minh vững chắc. Ông đã chiêu mộ được 40 tướng và hơn một ngàn dân binh. Nhưng ông bị bệnh đột ngột qua đời, để lại toàn bộ sự nghiệp kháng Minh cho 3 người con trai đảm nhận.
Ba người con ông thấy không thể kháng Minh lẻ tẻ, nên đã đem toàn bộ của cải, vũ khí, lương thực và tráng đinh sang hợp quân với cậu ruột là Lê Lợi.
Đinh Liệt là người đã đến bàn mưu tính kế với Lê Lợi để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ba anh em Đinh Liệt đều dự Hội thề Lũng Nhai, trong Hội thề này đức Lê Lợi lên làm Bình Định Vương lãnh đạo cuộc kháng chiến.
Cả 3 đều tham gia các đánh trận lớn, mà cao điểm là ba lần trấn thủ Linh Sơn. Sau khi nghĩa quân ta thắng trận tại Linh Sơn, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đến gia nhập đoàn nghĩa quân.
Nguyễn Trãi được phong là Quân sư, Đinh Liệt làm Phó. Do đó dân chúng thường gọi Đinh Liệt là Hữu Quân sư.
Đinh Liệt tham gia đánh thắng trận Bồ Thị Lang, chiếm Khả Lưu, Tri Lễ, huyện Chi Ma, Tùng Lĩnh, Linh Cảm và bao vây thành Nghệ An. Với chiến công đó, Đinh Liệt được phong lên chức Kiểm hiệu Bình Chương sự.
Trong chiến dịch bao vây thành Đông Quan, Đinh Liệt được giao chỉ huy mặt trận chính, tấn công từ Thanh Đàm chiếm toàn bộ phía Nam, Đông và Đông nam thành Đông Quan, tiêu diệt hơn 1 vạn quân Minh. Hai người anh của Đinh Liệt đã hy sinh trong trận này.
Đinh Liệt đã cùng Quân sư Nguyễn Trãi “tương kế tựu kế” lừa được Vương Thông vào tròng, tiêu diệt hơn một vạn quân của Vương Thông ở Bồ Đề và làm chậm việc xuất 11 vạn quân của Liễu Thăng, 5 vạn quân của Mộc Thạnh lại một tháng.
Sau đó, Đinh Liệt được cử làm chủ tướng của mặt trận lớn, đánh 11 vạn viện binh của Liễu Thăng. Đinh Liệt đã cùng các tướng Lưu Nhân Chú, Lê Linh, Phạm Văn Liễu, Lê Sát, Lê Thụ, Trần Lựu, Lê Bồi, Lê Văn An, Nguyễn Lý, Trần Nguyên Hãn, Trịnh Đồ… đánh liên tục từ ải Chi Lăng, qua Cần Trạm, Phố Cát xuống tận Xương Giang, tiêu diệt hoàn toàn viện binh của nhà Minh, giết tại trận Tổng binh Liễu Thăng, phó Tổng binh Lương Minh, Thượng thư Lý Khánh và hàng trăm tướng giặc… Sau trận này Đinh Liệt được phong lên Thái bảo Kỳ Vũ Hầu.
Khi vua Lê Thái Tổ băng hà, Đinh Liệt đã được vua Lê Thái Tông phong là Thái phó Á Quân Hầu (phụ chính giúp vua theo di huấn) và cử Đinh Liệt làm Chủ soái đi đánh dẹp quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới.
Cuối năm Canh Dần (1470), nghe tin Quốc vương Trà Toàn của Chiêm Thành chuẩn bị đưa 15 vạn quân xâm chiếm Đại Việt, Đinh Liệt đã được cử làm Chinh lỗ Đại tướng quân, Lê Niệm là Phó tướng. Hai người cùng các tướng lãnh đã rước vua Lê Thánh Tông, đem 15 vạn quân thiện chiến đi chinh phạt và phá tan quân Chiêm Thành. Vua Trà Toàn của Chiêm Thành và toàn bộ tướng sĩ đều bị bắt sống. Sau đó Đinh Liệt chia làm hai đường thủy binh và bộ binh truy kích quân Chiêm của đại tướng Phô Trì Trì vào đến tận Phan Lung (tức Phan Rang ngày nay) và đánh tan lực lượng còn lại nơi này. Toàn bộ đất Chiêm Thành bị sáp nhập vào Đại Việt.
Sau thắng lợi này, Đinh Liệt được vua Lê Thánh Tông phong lên làm Thượng trụ quốc Thái sư, thay mặt vua đi thanh sát 13 Đạo của Đại Việt, từ ải Pha Lũy cho đến tận Phan Rang (vùng đất cực Nam của Đại Việt), để đề xuất kế sách hưng thịnh cho đất nước.
Thái sư Đinh Liệt mất ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn (1484), thọ 85 tuổi. Vua Lê Thánh Tông đã ban cho Đinh Liệt bảng vàng “Tứ đại kỳ công, vĩnh thùy bất hủ” như sau:
-Nhất đại kỳ công: Bình xâm lược.
-Nhị đại kỳ công: Kiến triều Lê.
-Tam đại kỳ công: Tiền sinh hỏa.
-Tứ đại kỳ công: Tảo Ngụy yêu.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, đã xếp Đinh Liệt là người thứ nhất trong số 10 người có tiếng là tài giỏi của các triều đại thời Lê. Và đúng như “Ngọc phả họ Đinh” đã viết:
“Uy danh lẫm liệt ngời ngời.
Võ công cái thế muôn đời còn ghi”.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment