Friday, December 2, 2022

Tin Tức, Thứ Sáu 02.12.2022

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Bá Cơ trình bày sau đây.

1/ TNLT TỐ CÁO BỊ TẤN CÔNG TÌNH DỤC VÀ NGƯỢC ĐÃI TRONG TRẠI GIAM

Tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Huệ, quê ở tỉnh Gia Lai, cho biết là mình đã bị tấn công tình dục và đối xử vô nhân đạo trong thời gian bị bắt giam ở trại giam huyện Ia Grai.

Bà Huệ bị bắt giam vào ngày 12/3 năm 2019. Bà cho biết mình bị bắt sau khi tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu vào năm 2018, bị kết tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”, sau đó bị kết án 2 năm rưởi tù giam. Bà Huệ mãn hạn tù vào tháng 6/2021.

Bà cho biết là trong thời gian bị giam ở huyện Ia Grai, bà đã bị đánh đập, cúp nước không cho tắm suốt cả tuần và không cho thăm gặp. Bà Huệ cho biết đã bị trưởng trại giam tên Sơn tấn công tình dục trong thời gian này. Khi bà la lớn tiếng, tên lưu manh này đã bỏ đi, đến sáng hôm sau người này quay lại và bắn hai phát đạn vào buồng giam của bà.

Bà Huệ cho biết ông Sơn chỉ tấn công tình dục một lần đó. Bà Huệ kêu cứu và tố cáo việc mình bị tấn công và sách nhiễu trong đêm nhưng phía trại tạm giam im lặng. Bà cho biết trong khu vực tạm giam có gắn máy quay phim nhưng không cho hoạt động vì sợ để lại chứng cứ về việc đàn áp người bị tạm giam.

Sau đó bà Huệ cho biết mình bị tấn công bằng gậy bởi hai người cũng bị tạm giam mà bà nghi ngờ vụ tấn công này là do sự chỉ huy của công an. Trong khi chạy để tránh đòn, bà bị đâm vào bể nước, bị rách đầu, phải khâu bốn mũi. Trại tạm giam còn trả thù việc bà tố cáo bằng cách cúp nước và nấu cá mà không mổ bụng rồi đưa cho bà ăn.

2/ SLOVAKIA MỞ LẠI VỤ ÁN BẮT CÓC TRỊNH XUÂN THANH

Cơ quan hình sự quốc gia của Slovakia vừa mở lại thủ tục tố tụng vì những nghi ngờ tham nhũng của một số nhân viên, liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức về VN vào năm 2017.

Tư lệnh cảnh sát Stefan Hamran cho biết vào hôm thứ Năm 1/12 là cảnh sát Slovakia đã biết đầy đủ về vụ này. Theo ông thì các thủ tục tố tụng được đưa ra ở giai đoạn này mà ông không thể bình luận công khai.

Ông Hamran cho báo chí biết thêm là vụ này đến nay vẫn chưa được cảnh sát nước này giải quyết, mà chỉ mới do thanh tra bộ nội vụ dưới sự giám sát của văn phòng công tố khu vực giải quyết.

Ông Trịnh Xuân Thanh là cựu chủ tịch công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Ông Thanh đã bị bắt cóc từ Berlin về VN vào tháng 7/2017 khi đang chờ đợi xin tị nạn ở Đức.

Sau khi điều tra, phía Đức xác nhận ông Thanh bị bắt cóc ở Berlin trước khi được chuyển đến Slovakia và sau đó đến Moscow trên một chiếc máy bay của chính phủ Slovakia. Đã có những nghi ngờ cho rằng giới lãnh đạo Slovakia, bao gồm cả phó thủ tướng kiêm bộ trưởng nội vụ lúc bấy giờ là ông Robert Kalinak, đã biết về vụ bắt cóc và chấp thuận cho xử dụng máy bay của chính phủ.

Máy bay chở ông Thanh cũng đã bay qua Ba Lan. Khi bộ nội vụ Slovakia xin phép sử dụng không phận Ba Lan, họ nói rằng đó là chuyến công du cấp nhà nước mặc dù bộ trưởng không có mặt trên máy bay.

Phía Việt Nam từ đầu đến nay bác bỏ cáo buộc bắt cóc, mà luôn khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh “tự đầu thú”. Ông Trịnh Xuân Thanh sau đó bị kết án tổng hợp tù chung thân vào năm 2018.

3/ LẦN ĐẦU TIÊN MỨC XUẤT CẢNG HẢI SẢN VN GIẢM XUỐNG MỨC ÂM

Lần đầu tiên mức xuất cảng hải sản trong tháng 11 chỉ đạt được 780 triệu Mỹ kim, so với cùng ký năm ngoái và là mức tăng trưởng ở số âm.

Hiệp hội chế biến và xuất cảng thủy sản VN (VASEP) cho biết là trong tháng 11, xuất cảng các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm từ 20 đến 26%. Chỉ có mực, bạch tuộc và các loại cá biển vẫn giữ được mức tăng trưởng lần lượt là 9% và 6%.

Từ đầu năm đến nay, mức xuất cảng hải sản liên tiếp lập kỷ lục là trên 1 tỷ Mỹ kim mỗi tháng. Tuy nhiên sau đó thị trường bắt đầu giảm tốc, tháng 10 xuất cảng hải sản chỉ tăng trưởng 2%,  dự báo tình hình sụt giảm sẽ tiếp tục kéo dài trong tháng 12 năm nay và kéo dài sang cả năm 2023. Nguyên nhân là lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập cảng, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn này gần như đình trệ.

Trong số các khách hàng của hải sản Việt Nam, trong 11 tháng qua, Hoa Kỳ vẫn đứng đầu với trên 2 tỷ Mỹ kim, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Cộng và Nhật Bản đạt doanh số gần tương đương nhau, khoảng 1 tỷ rưởi Mỹ kim, và kế đó là thị trường Âu châu trên 1 tỷ Mỹ kim.

4/ TRUNG CỘNG NỚI LỎNG HẠN CHẾ DỊCH VŨ HÁN SAU LÀN SÓNG BIỂU TÌNH

Bạo quyền Trung Cộng đã báo hiệu một sự thay đổi về chủ trương chống dịch Vũ Hán sau làn sóng biểu tình ở khắp các thành phố lớn, trong lúc số ca nhiễm hàng ngày vẫn cao.

Hàng chục quận ở Thượng Hải và Quảng Châu, tức những thành phố có số ca nhiễm gia tăng, đã được hủy bỏ các biện pháp phong tỏa vào hôm thứ Năm 1/12. Phó thủ tướng Trung Cộng cũng tuyên bố đất nước đang đối mặt với tình hình mới.

Cần biết là tình trạng bất ổn bắt nguồn từ vụ hỏa hoạn tại một tòa nhà cao tầng ở phía tây khu vực Tân Cương khiến 10 người thiệt mạng vào tuần trước. Nhiều người Trung Cộng tin rằng các hạn chế kéo dài trong thành phố đã góp phần gây ra cái chết, mặc dù bạo quyền phủ nhận điều này.

Làn sóng biểu tình lan rộng khắp các thành phố, nhưng chỉ lắng xuống kể từ khi có sự hiện diện dày đặc của công an. Các hạn chế ở các thành phố lớn như Quảng Châu đột ngột được tháo bỏ, chỉ vài giờ sau khi chứng kiến các cuộc biểu tình bạo lực dẫn đến đụng độ giữa công an và người biểu tình.

Tại thủ đô Bắc Kinh cũng cho phép các trường hợp nhiễm dịch có triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà, khác xa với các quy định vào đầu năm nay là các tòa nhà đều bị phong tỏa, đôi khi chỉ vì một ca nhiễm. Điều này được thực thi khi Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan cho biết khả năng gây bệnh của vi khuẩn Vũ Hán đang suy yếu.

Điều này hoàn toàn trái ngược với thông điệp trước đó từ các nhà chức trách rằng đất nước cần duy trì chính sách “diệt trừ” một cách nghiêm ngặt.

Trung Cộng trong những ngày qua đã ghi nhận số ca nhiễm Vũ Hán cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, với hơn 36 ngàn ca được ghi nhận. Tuy nhiên con số vẫn còn rất nhỏ đối với một quốc gia 1 tỷ 400 triệu dân và theo con số chính thức chỉ có hơn 5 ngàn người chết kể từ khi đại dịch bắt đầu, so với Hoa Kỳ có hơn 1 triệu người chết trong tổng số 300 triệu dân.

No comments:

Post a Comment