Sunday, December 25, 2022

Phong Trào Dân Chủ Tại Trung Cộng

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.

Tiến Văn

Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Như đã hẹn, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau nói đến một nguy cơ bùng nổ chế độ tại Trung Cộng, một đất nước vô cùng lớn, đứng đầu thế giới về qui mô dân số, đứng thứ tư về diện tích lãnh thổ và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, Trung Cộng là một quốc gia trong đó người dân đang phải sống dưới một chế độ chính trị thuộc loại ác độc, hà khắc nhất trên thế giới.

Đất nước Trung Hoa nổi tiếng có một nền văn hóa rất đặc biệt và đặc sắc thuộc loại lâu đời nhất trên thế giới. Song, suốt mấy ngàn năm văn hóa đó, tại Trung Hoa chỉ xuất hiện các nhà tư tưởng, các triết gia đưa ra các chủ thuyết nhằm phục vụ giới cầm quyền, nhằm củng cố quyền lực độc tài, nhằm kiểm soát, trói buộc con người một cách tinh vi, chắc chắn hơn. Chỉ cho tới khi được tiếp xúc với phương Tây vào cuối thế kỉ 19, người Trung Hoa mới bắt đầu xuất hiện những trí thức yêu chuộng những ý niệm như tự do, dân chủ, nhân quyền. Cuộc Cách Mạng Tân Hợi năm 1911 đã lập ra chính thể dân chủ đầu tiên trên lục địa Trung Hoa nhưng chính thể này sớm sụp đổ. Sau sự sụp đổ này là những rối loạn, xung đột nội bộ trong bối cảnh thế chiến thứ 2 đã đưa tới một chính thể độc tài cộng sản trên toàn đại lục và một chính thể phi cộng sản tại hòn đảo Đài Loan.

Chế độ cộng sản không những đã tiếp nối truyền thống kìm kẹp, trói buộc tàn bạo người dân của chính nền văn minh Trung Hoa mà còn áp dụng thêm các kĩ thuật, chính sách tinh vi nhằm nô lệ hóa con người của chủ nghĩa cộng sản. Sự kết hợp này đã đưa tới những thảm kịch kinh hoàng cho dân tộc Trung Hoa tại lục địa như các nạn đói khiến cha mẹ phải ăn thịt cả con đẻ của mình để sống hay những cuộc thanh trừng, đấu tố, trừng phạt giới trí thức gây kinh hoàng cho toàn xã hội. Tuy nhiên, bất chấp những đàn áp, trấn áp tàn nhẫn đó, trong xã hội Trung Hoa hiện đại, kể từ sau khi được tiếp xúc với phương Tây, dường như các hạt mầm, khát khao dân chủ, tự do vẫn được bảo tồn một cách kín đáo, âm thầm và chỉ chờ dịp để bật dậy.

Cuộc bật dậy qui mô nhất đã xuất hiện năm 1989 trong bối cảnh chế độ cộng sản phải mở cửa thông thương trở lại với phương Tây sau khi Mao chết. Trong cuộc bật dậy này, đứng đầu là tầng lớp trí thức và giới sinh viên tại các trường đại học lớn trên toàn quốc, đặc biệt tại Bắc Kinh. Đây là một phong trào công khai đòi hỏi nhà cầm quyền phải chuyển đổi chính trị sang chế độ chấp nhận các quyền tự do cơ bản của con người. Phong trào đã có sức lay động toàn xã hội Trung Hoa và làm phân hóa giới lãnh đạo cao nhất trong đảng cộng sản. Đỉnh điểm của phong trào đòi hỏi dân chủ 1989 là việc hàng ngàn sinh viên đã biểu tình, chiếm giữ quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh trong nhiều tháng. Các sinh viên trẻ đã dựng cả tượng nữ thần tự do trên quảng trường và tiến hành các cuộc tuyệt thực thách thức chính quyền. Trước các đòi hỏi chính đáng, cao đẹp cho toàn dân và trước những hành động quả cảm, anh hùng đó, đã có những nhân vật lãnh đạo chóp bu dự tính thương thuyết, thỏa hiệp để tiến tới các cải cách chính trị theo hướng dân chủ. Song, tiếc thay, những kẻ chóp bu bảo thủ, độc ác đã thắng thế và quyết định dùng các biện pháp bạo lực tàn khốc nhất để triệt hạ phong trào dân chủ. Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, kẻ cầm quyền đã dùng những chiếc xe khổng lồ nặng hàng chục tấn nghiền nát những thanh niên trai gái ở độ tuổi hai mươi đang nằm biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn trong đêm mồng 4 tháng 6 năm 1989.

Cuộc biểu tình tuyệt thực và phong trào đòi hỏi dân chủ đã bị dập tắt trong biển máu và nhà tù. Những kẻ chóp bu độc tài tiếp tục duy trì chính sách trói buộc, nô lệ con người. Và chúng dùng mọi cách để giấu, xóa bỏ mọi hình ảnh, kí ức về cuộc đòi hỏi - bật dậy dân chủ này. Thậm chí, chúng còn cấm và xóa tất cả những hình ảnh, chữ nghĩa dù là nhỏ nhất liên quan tới cuộc bật dậy dân chủ 1989. Hơn 30 năm qua, bọn chóp bu cầm quyền Bắc Kinh luôn cấm mọi bàn luận, ám chỉ tới phong trào Thiên An Môn 1989, kể cả hai con số 6 và 4 - theo tiếng Hán là Lục/Tứ.

Nhiều cuộc thăm dò của các cơ quan thống kê, báo chí phương Tây cho thấy gần như có tới 90% giới trẻ tại Trung Cộng không hề biết gì về phong trào dân chủ 1989. Giới trẻ Trung Hoa lục địa ngày nay chỉ biết tới ăn uống, mua sắm và du lịch, du hí mà thôi.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò đó đã lầm. Câu chuyện này chúng ta sẽ tiếp tục vào tuần tới.

  Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và hẹn gặp quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

 

25/12/2022

 

 

No comments:

Post a Comment