Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.
1/ BẠO QUYỀN VN TIẾP TỤC ĐÀN ÁP HỘI THÁNH TIN LÀNH ĐẤNG CHRIST
Bị công an lên án là một tà giáo, các tín đồ
hội thánh Đấng Christ ở Tây nguyên tiếp tục bị đàn áp và sách nhiễu, với hai
người bị bắt giữ và tra khảo khi đi tham dự lể Giáng sinh vào ngày 24/12 vừa
qua.
Theo trang Người Thượng Vì Công Lý thì vào
sáng sớm Chủ nhật ngày 24/12, hai tín đồ là ông Y An Hdrue 52 tuổi và Y Pôk
Eban 37 tuổi đã bị công an chận bắt trên đường đến dự lễ Giáng sinh ở xã Ea
Bar. Cựu tù nhân lương tâm Y An Hdrue, người bị kết án 4 năm vì đòi quyền tự do
tôn giáo, cho biết là bị đưa vào đồn công an xã Ea Bar để làm việc từ sáng đến
tối, mới cho về nhà.
Ông cho biết trong thời gian 10 giờ ở đồn công an, một nhóm
công an mặc thường phục của huyện Buôn Đôn và tỉnh Đắk Lắk thay phiên nhau tra
hỏi hai ông về hội thánh Tin lành Đấng Christ. Công an cũng tịch thu hai điện
thoại của họ, trong đó có bản sao về luật Nhân quyền Quốc tế và luật Tôn giáo
Tín ngưỡng VN.
Trước khi được trả tự do, hai người cũng bị buộc phải ký
vào biên bản làm việc, trong đó ông Y An Hdrue bị bắt buộc thừa nhận về việc
lưu trữ thông tin vi phạm nhân quyền của một số địa phương ở Việt Nam trên điện
thoại của mình.
Cần biết là không chỉ có nhóm Hội thánh Tin lành Đấng
Christ Tây Nguyên bị đàn áp sách nhiễu trong dịp lễ Giáng sinh, mà trong nhiều
tháng qua, bạo quyền tỉnh Đắk Lắk tìm mọi cách ngăn cản các nhóm tôn giáo độc
lập khác thực hành nghi lễ, trong đó có nhóm Hội thánh Truyền giảng Phúc âm.
Đây là các hội thánh không được bạo quyền VN thừa nhận. Những người thuộc Hội thánh Truyền giảng Phúc Âm cho biết đơn xin được hoạt động tôn giáo của họ gửi chính quyền từ năm 2013 đến nay vẫn chưa được giải quyết.
2/ BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO BÙI THANH SƠN BỊ PHÊ BÌNH
NGHIÊM KHẮC
Ngoại trưởng VN
Bùi Thanh Sơn đã bị bộ chính trị CSVN phê bình nghiêm khắc,trong khi ông Vũ Hồng
Khanh, đại sứ tại Nhật Bản, bị khai trừ đảng vào ngày 27/12.
Quyết định phê
bình nói trên được đưa trong phiên họp mà Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng chủ
trì tại trụ sở trung ương đảng ở Hà Nội. Đây là quyết định dựa trên sự đề nghị
mà ủy ban kiểm tra trung ương đảng đưa ra vào ngày 20/12 vừa qua.
Cả hai quan chức nói trên bị xem là có dính líu
đến các chuyến bay giải cứu công dân ở hải ngoại trong đại dịch Vũ Hán. Ngoài
việc phê bình ông Sơn và sa thải ra khỏi đảng ông Khanh, một số quan chức khác
cũng bị trừng trị.
Cần biết là trong vụ án chuyến bay giải cứu, tính
đến nay đã có gần 40 người bị truy tố và bắt tạm giam kể từ tháng Giêng năm 2022.
Trong số những người bị truy tố có những quan chức cấp cao của nhà nước như ông
Tô Anh Dũng, thứ trưởng ngoại giao; và Nguyễn Quang Linh, cố vấn cho Phó thủ
tướng thường trực Phạm Bình Minh.
Theo thông tin của bộ công an, từ đầu mùa dịch Vũ Hán đến nay, Việt Nam đã tổ chức khoảng 2 ngàn chuyến bay giải cứu với số tiền hối lộ lên đến hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn Mỹ kim.
3/ TRUNG CỘNG CHẤM DỨT VIỆC CÁCH
LY DU KHÁCH ĐẾN HOA LỤC
Vào hôm qua, bạo quyền Trung Cộng loan báo hủy bỏ quy định cách ly bắt
buộc đối với các du khách đến Hoa Lục kể từ ngày 8 tháng Giêng tới đây.
Đây là bước cuối cùng của chính sách nói trên, đã cô lập đất nước hơn một
tỷ người suốt 3 năm qua. Quyết định này được đưa ra trong lúc dịch bệnh Vũ Hán
đang bộc phát dữ dội tại Hoa Lục sau khi nhà cầm quyền bãi bỏ một loạt biện
pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất từ đầu tháng này.
Theo quyết định nói trên, kể từ ngày 8 tháng Giêng tới đây,
người nhập cảnh vào Hoa Lục chỉ cần có chứng nhận trước 48 giờ, theo thông báo
của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Cộng. Trong thông báo hôm qua, ủy ban này cũng
nhắc đến việc từ từ cho phép người Hoa Lục ra nước ngoài, nhưng chưa nói rõ
lịch trình.
Với
các gia đình đang bị chia cách, hay với những sinh viên, doanh nhân đang thấp
thỏm sốt ruột chờ đợi ở biên giới, thông báo thực sự làm họ thở phào nhẹ
nhõm.
Tuy nhiên Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cho biết sẽ yêu cầu tất cả các du khách đến từ Hoa Lục phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với dịch Vũ Hán khi nhập cảnh vào Nhật. Những người có xét nghiệm dương tính sẽ bị cách ly trong 7 ngày. Những biện pháp trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 31/12 tới đây.
4/ ĐÀI LOAN KÉO DÀI THỜI GIAN
QUÂN DỊCH ĐỂ ĐỐI PHÓ TRUNG CỘNG
Trước sức ép đe dọa
từ Trung Cộng, vào hôm qua Tổng thống Thái Anh Văn đã thông báo kéo dài thời
gian quân dịch từ 4 tháng đến 1 năm, có hiệu lực thi hành từ năm 2024.
Trong cuộc họp báo sau phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc
gia, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh quyết định được đưa ra là “vô cùng khó khăn” vì Đài Loan muốn hòa bình
nhưng cần có khả năng phòng thủ. Ý định này được đề cập trước đó, kể
từ khi Trung Cộng gia tăng sức ép về quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với hòn
đảo và gần đây quân đội Trung Cộng liên tục thị uy trên không và trên biển
ở vùng eo biển Đài Loan.
Tổng thống Thái Anh Văn giải thích đưa ra quyết định trên
là do lực lượng quân sự hiện nay, kể cả lực lượng dự bị, không hiệu quả và
không đủ để đối phó với sức mạnh của Trung Cộng, nhất là trong trường hợp Bắc
Kinh mở một cuộc tấn công chớp nhoáng vào đảo quốc này.
Những người được gọi đi quân dịch sẽ theo một khóa huấn
luyện về tác chiến và xử dụng các vũ khí mạnh hơn, như hệ thống phòng
không Stinger và phi đạn chống tăng. Họ được giao nhiệm vụ bảo vệ những cơ sở
hạ tầng chủ yếu, để lực lượng chính quy có thể phản ứng nhanh hơn trong trường
hợp bị Trung Cộng tấn công.
Một chuyên gia tại Đài Bắc thẩm định là với quyết định kéo dài thời hạn nghĩa vụ quân sự, sẽ có thêm khoảng 70 ngàn lính quân dịch mỗi năm, cộng với lực lượng chính quy khoảng 167 ngàn người kể từ năm 2027.
5/ CĂNG THẲNG Ở BẮC KOSOVO, QUÂN
SERBIA CHUẨN BỊ SẴN SÀNG
Những người biểu tình Serbia ở thành phố Mitrovica thuộc miền bắc Kosovo
đã dựng lên các chướng ngại vật mới vào hôm thứ Ba 27/12, chỉ vài giờ sau khi
Serbia cho biết đã đặt quân đội trong tình trạng báo động chiến đấu cao nhất
sau nhiều tuần lễ căng thẳng giũa hai nước,
Bộ quốc phòng Serbia cho biết trong một tuyên bố vào tối 26/12
là để đối phó với các diễn biến mới nhất trong khu vực, bộ này tin rằng Kosovo
đang chuẩn bị tấn công người Serbia và dùng vũ lực dỡ bỏ các chướng ngại vật.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã đặt quân đội và cảnh sát vào tình trạng
cảnh báo cao nhất.
Kể từ ngày 10/12, người Serbia ở miền bắc Kosovo đã dựng
nhiều rào chắn trong và xung quanh Mitrovica và đấu súng với cảnh sát sau khi
một cựu cảnh sát Serbia bị bắt vì bị cáo buộc tấn công các cảnh sát trong một
cuộc biểu tình trước đó.
Cần biết là có khoảng 50 ngàn người Serbia sống ở phía bắc
Kosovo, nơi có đa số dân là người Albania. Những người Serbia này từ chối công
nhận chính phủ hoặc nhà nước Pristina. Họ coi Belgrade là thủ đô của mình và
được hậu thuẫn bởi Serbia. Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008.
Lực lượng gìn giữ hòa bình hòa bình (KFOR) của khối NATO
vào hôm qua kêu gọi các bên phải giúp bảo đảm an ninh và tự do đi lại ở Kosovo,
đồng thời ngăn chặn những chuyện gây hiểu lầm giữa hai bên.
Tại Mitrovica vào sáng 27/12, các xe tải đã đậu để chặn con đường nối khu vực có đa số người Serbia của thị trấn với khu vực có đa số người Albania. Người Serbia ở địa phương yêu cầu thả viên cảnh sát bị bắt và có những yêu cầu khác trước khi họ dỡ bỏ chướng ngại vật.
No comments:
Post a Comment