Sunday, December 25, 2022

Tin Tức, Chủ Nhật 25.12.2022

Tin Tức

Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Nguyên Khải

1) VỤ ÁN ALIBABA: SẼ TUYÊN ÁN SỚM 8 NGÀY SO VỚI DỰ KIẾN

Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền” bởi Công ty Alibaba do ông Nguyễn Thái Luyện cầm đầu sẽ được tuyên vào ngày 29/12, thay vì ngày 6/1/2023, sớm hơn 8 ngày so với dự kiến ban đầu.

Phiên tòa được bắt đầu hôm 8/12, xét xử Nguyễn Thái Luyện- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Alibaba; Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Alibaba (em ruột Luyện) cùng 18 đồng phạm khác về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đây là phiên tòa kỷ lục về số lượng bút lục hồ sơ lên đến một triệu, phải đựng trong 140 thùng hồ sơ và danh sách bị hại theo cáo trạng của VKSND lên đến 3.986 người. Khoảng 100 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Toà án nhân dân thành Hồ đã dựng ba nhà bạt với sức chứa khoảng 2000 người để các “bị hại” và lực lượng hỗ trợ phiên toà tham dự.

Thủ đoạn của Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm là tự vẽ ra các dự án trên đất nông nghiệp nhưng nói với khách hàng rằng đây là đất thổ cư. Sau đó quảng cáo, chào bán, hứa hẹn sẽ cung cấp giấy tờ hợp pháp liên quan đến quyền sử dụng đất. Khoảng 4 ngàn người đã bị lừa và số tiền Luyện chiếm đoạt được lên đến 2.264 tỉ đồng.

Tuy nhiên, công luận tin rằng nếu không có sự “chống lưng”, mắc ngoặc từ giới quan chức thì một doanh nghiệp như Alibaba không thể thực hiện được những phi vụ lừa đảo như trên.

2) VIỆT NAM-INDONESIA KẾT THÚC ĐÀM PHÁN PHÂN ĐỊNH VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ

Sau 12 năm đàm phán, Indonesia và Việt Nam đã kết thúc đàm phán về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) dựa trên Công ước của LHQ về luật Biển UNCLOS 1982. Thông tin được Văn phòng của Tổng thống Indonesia Joko Jokowi cho biết trong một tuyên bố chính thức sau cuộc gặp với ông Nguyễn Xuân Phúc tại Dinh tổng thống Bogor hôm 22/12. Ông Phúc hiện đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia từ ngày 21-23/12. Từ năm 2010 đến nay, hai nước đã thực hiện hàng chục vòng đàm phán liên quan các tuyên bố về EEZ chồng lấn ở các vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông.

Vùng đặc quyền kinh tế là vùng trải dài 200 hải lý tính từ bờ biển của một quốc gia công nhận quốc gia đó có quyền đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng này. Vùng EEZ được quy định trong Công ước UNCLOS 1982. Nhiều nhà quan sát quốc tế coi đây là một tin tốt lành cho cả Việt Nam, Indonesia và các nước trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng đưa ra nhận định nó sẽ “khiến Trung cộng khó chịu”. 

3) MỸ TUYÊN BỐ GIÚP VIỆT NAM THÀNH LẬP TRUNG TÂM KIỂM SOÁT VÀ PHÒNG NGỪA DỊCH BỆNH QUỐC GIA

Thông tin trên được bác sĩ Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia phụ trách văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam xác nhận với giới truyền thông. Ngoài việc thành lập Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cấp Quốc gia, Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam cải thiện hệ thống y tế để ứng phó trong các tình huống khẩn cấp và cả không khẩn cấp. Trong đó bao gồm hợp tác tiêm chủng định kỳ, điều trị bệnh lao cho trẻ em và đẩy mạnh các chương trình phòng chống HIV nhằm giảm lây truyền HIV trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Vào tháng 8/2021, trong chuyến công du đến Việt Nam, Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala D. Harris đã dự lễ khai trương Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.

Xin nhắc lại, Hoa Kỳ hiện là nước trợ giúp vaccine ngừa COVID-19 nhiều nhất cho Việt Nam, với tổng cộng trên 40 triệu liều sau nhiều đợt bàn giao kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. 

4) TRUNG CỘNG: CÁC TÚI ĐỰNG THI THỂ CHẤT ĐỐNG TẠI NHỮNG NHÀ TANG LỄ

Trái ngược với báo cáo của nhà cầm quyền Trung cộng rằng trong ngày 22/12 không có các ca tử vong vì covid-19, là hình ảnh các túi đựng thi thể chất đống tại những nhà tang lễ xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội. Một trong những đoạn video được hãng tin Reuters ghi lại hôm 22/12 là hình ảnh hàng chục thi thể bị xếp chồng chất tại một nhà tang lễ ở Trùng Khánh. Điều này dấy lên lo ngại rằng các báo cáo gian dối từ chính phủ sẽ khiến tình hình dịch bệnh đã tồi tệ càng trở nên mất kiểm soát tại Hoa Lục.

Cuối tháng 11, người dân Hoa Lục đã đổ ra đường biểu tình đòi bãi bỏ chính sách “Ze-ro Covid”, vốn là nguyên nhân khiến 10 người tử vong vì bị nhốt trong nhà, và không loại trừ các trường hợp chết đói do không thể ra ngoài để mưu sinh. Chính quyền Bắc Kinh sau đó buộc phải nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên, số ca nhiễm và số người chết lại gia tăng một cách khủng khiếp.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, số người chết vì nhiễm virus corona tại Hoa Lục có thể lên đến hàng triệu. Và con số báo cáo chỉ là phần rất nhỏ so với giá trị thực mà Bắc Kinh công bố.

WHO và chính phủ Hoa Kỳ nhiều lần kêu gọi Trung cộng chia sẻ thông tin và ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ, trong đó có việc cung cấp nguồn vắc-xin và các biện pháp y tế nhằm kiểm soát dịch bệnh nhưng Tập Cận Bình vẫn từ chối. 

5) NHẬT TĂNG NGÂN SÁCH QUÂN SỰ KỶ LỤC NHẰM ĐỐI PHÓ VỚI THÁCH THỨC TỪ TRUNG CỘNG VÀ BẮC HÀN

Nội các của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida vừa đạt sự đồng thuận vào ngày 23/12 về việc phê chuẩn ngân sách kỷ lục 114,4 tỷ Yen – tương đương 863 tỷ Mỹ kim.  Số tiền khổng lồ này chủ yếu nhằm tăng ngân sách cho quân sự và an sinh xã hội. Việc tăng ngân sách quân sự này nhằm đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng từ Trung cộng và Bắc Hàn.

Chi tiêu quốc phòng của Nhật sẽ tăng lên từ 1,4 ngàn tỷ Yen cho năm nay lên 6,8 ngàn tỷ Yen cho năm 2023. Trong đó Nhật sẽ dành 1,6 tỷ Mỹ Kim để mua phi đạn hành trình Tomahawk của Hoa Kỳ.

Chính phủ nhật dự trù dành 897 tỷ Yen cho việc phát triển vũ khí, một con số cao hơn mức của 4 năm trước đó cộng lại. Gần phân nửa trong khoản tiền 897 tỷ Yen sẽ trực tiếp dùng vào việc phát triển phi đạn tầm xa mới.

Nhật cũng sẽ tăng chi tiêu cho máy bay không người lái và các khả năng chiến tranh mạng, phòng thủ phi đạn đạn đạo, vệ tinh viễn thông và vệ tinh do thám, tàu chiến, và máy bay vận tải.

Để tăng cường khả năng chiến đấu trên không, Nhật dự định mua 16 máy bay tàng hình F-35 của Lockheed Martin trị giá 250 tỷ yen.

Ngoài ra, Nhật cũng dành 102 tỷ yen vào năm tới cho dự án phát triển máy bay chiến đấu tối tân chung với Anh và Ý và sẽ đưa vào hoạt động trước năm 2035.

 

No comments:

Post a Comment