Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ BỈ TRỞ THÀNH TRUNG TÂM BUÔN NGƯỜI VIỆT Ở ÂU CHÂU
Trung tâm Di cư Liên bang Bỉ vừa công bố một báo cáo vào sáng thứ Tư 8/12, cho biết nạn buôn người Việt sang Âu châu đã gia tăng trong 10 năm qua, khiến nước này trở thành trung tâm của các đường dây buôn người từ VN.
Báo cáo cho biết là từ tháng 5 năm 2018 đến tháng 5 năm 2020, trong số 335 người Việt được đưa lậu vào Âu châu, gần 60% đã đi qua các điểm tạm trú ở Bỉ và Pháp trước khi đến Anh. Chuyên gia Stef Janssens, nhà nghiên cứu về nạn buôn người tại Bỉ, cho biết là do vị trí địa lý gần với Pháp và Anh, Bỉ trở thành trung tâm quan trọng của các mạng lưới buôn lậu người Việt.
Tình trạng buôn người từ Việt Nam đã thu hút sự chú ý của quốc tế sau khi 39 thi hài được tìm thấy chết trong một chiếc xe tải đông lạnh ở Anh khi đang trên đường đến Anh từ Bỉ vào tháng 10 năm 2019.
Mạng lưới tội phạm người Việt gây ra thảm kịch này đã hoạt động ở Bỉ từ năm 2018 và buôn lậu hơn 150 người sang châu Âu tính đến năm 2020. Nhóm này đã kiếm được khoảng 7 triệu Âu kim trong thời gian qua. Báo cáo cho biết thêm là nạn buôn người vẫn tiếp tục diễn ra sau thảm kịch trên, thậm chí giá cả vận chuyển cho hành trình nguy hiểm này còn tăng lên.
Nạn buôn người từ Việt Nam sang châu Âu đã trở thành một vấn nạn trong những năm gần đây. Một báo cáo năm 2017 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ ước tính là các mạng lưới buôn lậu đã đưa khoảng 18 ngàn người từ Việt Nam sang châu Âu mỗi năm, giúp cho các mạng lưới này kiếm khoảng 300 triệu Âu kim.
2/ KHÔNG GIAN DÂN SỰ VN NĂM 2022 HOÀN TOÀN BỊ ĐÓNG KÍN
Không gian dân sự tại VN trong năm 2022 tiếp tục ở tình trạng “bị đóng cửa” do bạo quyền CSVN hạn chế chặt chẽ quyền tự do hội họp, theo nhận định của tổ chức Civicus Monitor.
Theo tổ chức này, trên khắp khu vực Á châu - Thái Bình Dương, các cuộc biểu tình đã được ghi nhận tại ít nhất 27 quốc gia trong năm ngoái. Người dân được huy động để cải cách chính trị và kinh tế nhằm tìm kiếm công lý và đòi quyền lợi của mình. Tuy nhiên các cuộc biểu tình này đã bị cản trở và đàn áp mạnh mẽ ở VN và Hoa Lục.
Bạo quyền VN đã phản ứng các cuộc biểu tình này theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc quấy rối và bắt giữ tùy tiện những người biểu tình, cũng như xử dụng vũ lực quá mức và đôi khi gây chết người.
Cần biết Liên minh Các Tổ chức Xã hội Dân sự Toàn cầu (Civicus) là một mạng lưới có ảnh hưởng gồm các tổ chức ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế, cho biết thêm hiện tại khu vực Á châu – Thái Bình Dương có 4 quốc gia có tình trạng không gian dân sự bị đóng kín là Trung Cộng, Bắc Hàn, Lào và Việt Nam.
Đánh giá của tổ chức nói trên về không gian dân sự tại Việt Nam cũng tương tự như đánh giá của Cao uỷ Nhân quyền LHQ công bố trước đó. Trong thời gian qua, tổ chức Civicus liên tục lên tiếng về tình hình nhân quyền Việt Nam, cho biết là bạo quyền VN đã xử dụng một loạt các điều luật được định nghĩa một cách mơ hồ như “tuyên truyền chống nhà nước” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” để buộc tội và bỏ tù các nhà đấu tranh.
3/ TẬP ĐOÀN AIRBUS MUỐN BÁN THÊM TRỰC THĂNG CHO VN
Tập đoàn Airbus của Âu châu đang muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam qua việc bán thêm các trực thăng phục vụ nhu cầu quốc phòng và khai thác dầu khí.
Báo chí lề đảng cho biết ông Johan Pelissier, tổng giám đốc Airbus, tiết lộ là tập đoàn này đã nhận thấy tiềm năng trong ngành hàng không VN. Cần biết là Airbus cũng tham gia Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022, đang diễn ra tại Hà Nội. Tại đây, hãng này đã trưng bày các máy bay vận tải quân sự với tầm bay rất xa, chi phí vận hành và tiêu thụ năng lượng thấp.
Mối quan hệ giữa tập đoàn và Việt Nam đã có thời gian dài đến 30 năm kể từ năm 1986 khi chiếc trực thăng Puma đầu tiên đi vào xử dụng ở VN. Airbus đã cung cấp cho Việt Nam máy bay chở khách, trực thăng trong việc tìm kiếm dầu khí, máy bay hạng nhẹ phục vụ công tác vận tải, cứu thương và di tản trong quân đội, giám sát đánh bắt cá và các công tác trên biển.
Ngoài ra, Airbus cũng hợp tác với Việt Nam sản xuất vệ tinh đầu tiên có tên VNREDSat-1 được đưa lên quỹ đạo từ Pháp vào năm 2013. Hiện tập đoàn đang hợp tác với Học viện Khoa học Kỹ thuật Việt Nam để sản xuất vệ tinh khác.
Máy bay trực thăng Airbus hiện chiếm 12% trong tổng số trực thăng hiện có của Việt Nam. Hiện có khoảng hơn 10 trực thăng của Airbus đang phục vụ công tác tìm kiếm dầu khí và tìm kiếm cứu nạn đang hoạt động ở Việt Nam.
4/ CẢNH SÁT ĐỨC PHÁ VỠ MỘT ÂM MƯU ĐẢO CHÁNH Ở NƯỚC NÀY
Một hoàng tử, nhiều quân nhân thuộc lực lượng tinh nhuệ, một phụ nữ Nga và một nữ dân biểu cực hữu được xem là đầu não trong một âm mưu đảo chánh tại Đức vừa bị triệt phá.
Vào ngày thứ Tư 7/12 vừa qua, hơn 3 ngàn thành viên an ninh đã tiến hành hơn 130 vụ khám xét và thẩm vấn 25 người. Giới truyền thông đánh giá đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất của cảnh sát Đức.
Mạng lưới âm mưu đảo chánh nói trên được thành lập vào cuối năm ngoái, có một chính phủ thu nhỏ. Các bước chuẩn bị đảo chánh đang ở giai đoạn hoàn thiện, dù chưa ấn định ngày tấn công vào quốc hội liên bang Đức.
Báo chí Đức đưa tin về một số nhân vật đầu não, gồm hoàng tử Heinrich XIII 71 tuổi ở tiểu bang Thuringen. Ông này là một doanh nhân bất động sản và bị bắt giữ ở thành phố Frankfurt. Một công dân Nga tên là Vitalia B, được xem là tình nhân của hoàng tử Heinrich XIII và là trung gian để liên lạc với chính quyền Nga nhằm tìm kiếm ủng hộ. Điện Kremlin đã bác bỏ mọi cáo buộc Nga can thiệp trong vụ này.
Tiếp theo là một cựu trung tá, chỉ huy một tiểu đoàn lính dù trong thập niên 1990, và là nhà sáng lập lực lượng đặc biệt KSK của quân đội Đức. Nhiều quân nhân khác tham gia âm mưu đảo chính, trong đó có một người vẫn tại chức. Ngoài ra còn có một nữ thẩm phán từng là dân biểu của đảng cực hữu AfD.
Giới cầm đầu đảng AfD, đang bị nghi ngờ vì vụ bắt giữ nói trên, đã lên án âm mưu của nhóm khủng bố. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International đánh giá rằng các vụ bắt giữ trên cho thấy mối nguy hiểm của những học thuyết phân biệt chủng tộc, bài Do Thái và đi ngược với nhân quyền.
5/ TẠP CHÍ TIMES CHỌN TỔNG THỔNG UKRAINE LÀ NHÂN VẬT NĂM NAY
Tổng thống Volodymyr Zelensky và “khí phách Ukraine” đã được tạp chí hàng đầu thế giới Times vinh danh là nhân vật của năm 2022.
Trong tuyên bố nói trên, ông Edward Felsenthal, tổng chủ bút tạp chí Times, cho rằng Tổng thống Volodymyr Zelensky đã truyền cảm hứng tới người Ukraine và nhận được sự tán dương vì lòng dũng cảm khi chống lại quân đội Nga. Dù xung đột ở Ukraine tràn ngập niềm tin hay nỗi sợ, ông Zelensky đã khích lệ thế giới theo cách mà “chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thập niên qua”.
Phóng viên Simon Shuster của Times đã viết về ông Zelensky là "một nhà lãnh đạo không có kinh nghiệm quân sự trước đây đã chọn ở lại đất nước khi chiến tranh nổ ra, hiệu triệu đồng bào bằng những video từ thủ đô và đi khắp các vùng trên đất nước”. Từ cuốn video dài 40 giây vào ngày 25/2 cho tới các bài phát biểu trực tuyến trước các tổ chức và nghị viện thế giới suốt 9 tháng qua.
Tạp chí Times cũng nhắc tới "khí phách Ukraine" được thể hiện qua những cá nhân trong và ngoài đất nước này, từ những người lính và quân y trên chiến trường, cho tới những nhà báo mạo hiểm tính mạng để đưa tin về xung đột.
Ông Zelensky tốt nghiệp đại học Kiev vào năm 2000 và được bầu làm tổng thống Ukraine vào năm 2019. Cựu diễn viên hài từng đóng vai tổng thống Ukraine trong một chương trình truyền hình đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ người dân Ukraine và các nhà lãnh đạo thế giới khi lèo lái Ukraine vượt qua cuộc xung đột với Nga.
No comments:
Post a Comment