Từ những buổi thắp nến tưởng niệm các nạn nhân hỏa hoạn ở chung cư tại thành phố Urumqi (thủ phủ tỉnh Tân Cương) lan tỏa ra nhiều nơi, trở thành cuộc “cách mạng giấy trắng” quy mô chưa có kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn vào năm 1989.
Những người biểu tình, trong đó có sinh viên nhiều trường đại học, không chỉ phản đối biện pháp khắc nghiệt chống COVID, mà còn đòi Tự Do - Dân Chủ, đòi Tập Cận Bình từ chức và giải tán đảng Cộng Sản.
Mời quý thính giả theo dõi bài quan điểm của LLCQ với tựa đề Tập Cận Bình tiến thoái lưỡng nan vì “họa vô đơn chí” qua giọng đọc của HẢI NGUYÊN để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Thưa quý thính giả,
Cựu Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước, Giang Trạch Dân qua đời hôm Thứ Tư ngày 30/11/2022, tại Thượng Hải vì bạo bệnh. Hai ngày 5 và 6 tháng 12 vừa qua, Bắc Kinh đã tổ chức tang lễ với sự tham dự của Tập Cận Bình và các quan chức cao cấp.
Cần nhắc lại vào năm 1987, Hồ Diệu Bang, Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Trung Quốc có khuynh hướng cấp tiến bị cánh bảo thủ bắt ép từ chức, ông từ trần năm 1989 vì bệnh tim. Tang lễ Hồ Diệu Bang khơi dậy các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố và lớn nhất tại Bắc Kinh với kết cuộc là vụ thảm sát kinh hoàng ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989 (do lệnh đàn áp của Thủ tướng Lý Bằng), gây nên cái chết của hàng ngàn sinh viên học sinh. Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương ra mặt ủng hộ cuộc biểu tình tại Thiên An Môn, cũng bị Đặng Tiểu Bình bắt giam và cách chức vào năm 1989.
Giang Trạch Dân lên thay, mặc dù có “cởi mở”, nhưng chính Giang Trạch Dân là người đánh phá giáo phái Pháp Luân Công, bị tín đồ Pháp Luân Công xem là hiện thân của ác quỷ.
Họ Giang làm Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản từ năm 1989, làm Chủ Tịch Nước từ năm 1993 đến năm 2003, rời chức vụ Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương vào năm 2004.
Trước khi về hưu, Giang Trạch Dân đã đưa nhiều đàn em thân tín vào Bộ Chính Trị, nhóm này bị gán tên là “Băng đảng Thượng Hải”.
Sau Giang Trạch Dân là Hồ Cẩm Đào, làm Tổng Bí Thư từ năm 2002 đến 2012.
Tập Cận Bình giữ chức vụ Tổng Bí Thư từ năm 2012 đến nay.
Ngày 23/10 /2022, Tập Cận Bình với tư cách là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Hoa Lục trong 10 năm qua, đã xuất hiện trước các cơ quan truyền thông thế giới. Quy định giới hạn 2 nhiệm kỳ của các lãnh tụ tiền nhiệm đã bị họ Tập phá vỡ. Với nhiệm kỳ thứ 3, trong tay có đầy quyền lực, Tập Cận Bình củng cố mô hình độc tài, ngang nhiên thách thức quyền lực thế giới, ngay cả chính Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden cũng phải xác nhận Bắc Kinh là mối đe dọa trầm trọng đối với trật tự thế giới hơn là Mạc Tư Khoa.
Hoa Thịnh Đốn cũng bắt đầu hé lộ, cuộc xâm lược mới do Bắc Kinh chủ xướng nhằm vào Đài Loan là có thật và đưa ra hình ảnh các cuộc tập trận của quân Trung Cộng. Và khi trả lời phỏng vấn của đài CBS, Tổng thống Joe Biden nói rằng, Hoa Kỳ sẽ gửi quân bảo vệ Đài Loan trong tình huống Trung Cộng tấn công đảo quốc này.
Như vậy, rõ ràng là Mỹ khuyến khích Đài Loan tự trị, để tiến đến sự tuyên bố chính thức độc lập. Điều này đã khiến Bắc Kinh giận dữ và Tập Cận Bình xem đây là lập trường mới của Hoa Kỳ, nên ra mặt đối đầu với Hoa Kỳ và các nước Tây Phương, đồng thời không giấu giếm tham vọng trở thành “hoàng đế đỏ” ngự trị suốt đời trên 1 tỷ 4 dân số.
Trong lúc họ Tập đang chật vật đối phó với làn sóng phẩn nộ của người dân trong nước, thì cựu Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân qua đời. Đối với Tập Cận Bình, cái chết của Giang Trạch Dân xảy ra không đúng lúc, làm cho họ Tập thêm khó xử, sợ rằng sau tang lễ có thể dẫn đến tình huống bất ngờ, gây nguy hại cho chế độ.
Những cuộc tụ tập tưởng niệm người quá cố của công chúng trong những ngày sắp tới, có thể trở thành các cuộc biểu tình mang tính chất chính trị, vì uy tín của họ Tập đang xuống thấp do kinh tế trì trệ, do biện pháp phong tỏa khắc nghiệt “Zero COVID”, và từ những thành phần trong các phe phái bị họ Tập thanh trừng.
Chính sách Zero COVID là dấu ấn đặc biệt của họ Tập, nay nền kinh tế đột ngột bị suy thoái vì chính sách này, nên để trấn an dư luận, bất chấp nhiều ca COVID mới, ngày càng gia tăng, họ Tập ra lệnh nới lỏng các biện pháp chống dịch. Theo BBC, hôm Thứ Năm ngày 1/12 vừa qua, hàng chục tỉnh thành ở Quảng Châu và Thượng Hải, nơi mà số ca nhiểm COVID đang gia tăng mạnh lại được phép bỏ lệnh phong tỏa. Tại Bắc Kinh và Trùng Khánh cũng đã giải tỏa một số quy định về lệnh phong tỏa.
Và cuối cùng vì tiến thoái lưỡng nan, muốn không để lộ sự kém cỏi của mình qua mô hình độc tài, một mặt Tập Cận Bình phải đảo ngược “đầu môi chót lưỡi”, ngợi khen những chính sách có phần cởi mở được thành tựu của Giang Trạch Dân. Mặt khác, tổ chức tang lễ rầm rộ cho họ Giang với sự tham dự của 205 ủy viên Trung Ương và hàng ngàn quan chức với mục đích che mắt dân chúng và để tránh bị cô lập trong thời gian tới.
Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment