Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh và Thiên An trình bày sau đây.
1/ TNLT TRẦN BANG ĐANG BỊ ĐÌNH HOÃN RA TÒA ÁN.
Viện kiểm sát Sài Gòn đã trả hồ sơ cho công an, yêu cầu điều tra bổ sung về vụ án “tuyên truyền chống phá nhà nước” của ông Trần Văn Bang trong thời gian 2 tháng. Quyết định này được đưa ra vào ngày 18/11 vừa qua.
Tin trên do hai luật sư bào chữa của ông Bang là Nguyễn Văn Miểng và Đặng Đình Mạnh thông báo vào ngày 10/12. Theo đó thì sau 6 tháng bị bắt giam, công an Sài Gòn đã đề nghị viện kiểm sát truy tố ông Bang với mức án từ 5 năm đến 12 năm tù.
Bản kết luận điều tra cho biết ông Bang có 31 bài viết có nội dung chống chế độ đăng trên ba trang Facebook từ tháng 3 năm 2016 đến tháng 8 năm 2021. Tuy nhiên hai luật sư nói trên nói rằng viện kiểm sát không đồng ý với lời đề nghị nói trên.
Cần biết là ông Trần Bang 61 tuổi bị bắt vào tháng 3 năm nay và bị giam giữ tại trại số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh – Sài Gòn. Ông được gặp luật sư trong tháng 10 và người thân trong tháng 11. Tuy nhiên, trong tháng 12, khi gia đình đến thăm ông thì bị từ chối.
Gia đình ông Bang đang lo lắng cho sức khoẻ của ông. Trong buổi gặp mặt vào tháng 12, lần đầu tiên sau 8 tháng kể từ khi bị bắt, ông cho biết sức khoẻ đang sút giảm trầm trọng. Ông bị một khối u ngày càng lớn ở bụng, trong khi hai lỗ tai của ông bị chảy nước vàng còn mắt thì khô và ghèn đóng kín.
Ông Bang là cựu chiến binh chống Trung Cộng trong cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979. Ông cũng là thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một nhóm nhân sĩ trí thức thường lên tiếng về các vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.
2/ BẠO QUYỀN BÀ RỊA NGĂN CẢN CHÙA THIÊN QUANG XÂY CỔNG CHÙA.
Trong một hành động đàn áp đầy thô bạo, bạo quyền xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa, đã ngăn cản chùa Thiên Quang xây dựng cổng chùa bằng gỗ ở phía trước.
Đây không phải là lần đầu tiên mà ngôi chùa này bị gây khó dễ chỉ vì trực thuộc giáo hội Phật giáo VN Thống nhất, một giáo hội không lệ thuộc giáo hội quốc doanh. Theo lời kể của Thượng tọa Thích Thiên Thuận, trụ trì chùa này, vào sáng ngày 10/12 một phái đoàn quan chức của xã đã kéo đến lập biên bản ngăn chận chùa Thiên Quang làm cổng tạm bằng gỗ.
Vị thượng tọa cho biết cổng mà chùa định xây là hoàn toàn nằm trong khuôn viên của chùa. Trước đây có cổng bằng tre được xây dựng hai lần, nhưng bây giờ thì hư mục nên muốn xây bằng gỗ. Nhưng theo biên bản của phái đoàn xã thì chùa muốn xây bằng bê tông cốt thép nên yêu cầu đình chỉ.
Biến cố mới này xảy ra đúng một tháng sau khi nhà cầm quyền huyện Xuyên Mộc cho người đến tháo dỡ công trình nhà khách đang xây dựng dở dang của chùa này. Vào tháng 11 vừa qua, bạo quyền địa phương đã đưa máy móc đến tháo dỡ công trình bằng gỗ có diện tích khoảng 60 thước vuông mà không hề lập biên bản.
3/ VINFAST THUA LỖ GẦN 5 TỶ, VỚI NỢ NẦN LÊN ĐẾN 9 TỶ MỸ KIM.
Bản tổng kết tài chánh của hãng VinFast, thuộc tập đoàn Vingroup ở VN, gửi cho Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ, vào ngày 6/12 cho thấy mức thua lỗ gần 4 tỷ rưởi Mỹ kim và đang nợ nần lên đến gần 9 tỷ Mỹ kim.
Theo dữ liệu tài chính tóm tắt trong bản báo cáo, tính đến cuối tháng 9 năm nay, tổng tài sản của hãng VinFast là gần 4 tỷ rưởi Mỹ kim. Cùng lúc đó, nợ ngắn hạn của VinFast, tức nợ phải trả trong năm nay, là hơn 5 tỷ Mỹ kim, cộng với các khoản nợ dài hạn là gần 8 tỷ rưởi Mỹ kim.
Lỗ lũy kế của hãng vào cuối quý 3 là gần 5 tỷ Mỹ kim. Lỗ ròng tính theo từng năm là gần 800 triệu Mỹ kim vào năm 2020, hơn 1 tỷ 3 Mỹ kim vào năm 2021, và hơn tỷ 4 Mỹ kim trong 9 tháng đầu năm 2022. Có nghĩa là mỗi năm đều lỗ hơn 1 tỷ Mỹ kim.
Theo giáo sư Khương Hữu Lộc, một giám đốc tài chính ở Texas, Mỹ, cho biết là khi một công ty có tỷ lệ tài sản trên số nợ và thua lỗ như vậy thì sức khỏe của công ty đó “rất xấu”, với hiểm họa về tính thanh khoản “rất lớn”.
Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ hiện đang xem xét hồ sơ của VinFast về chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Mỹ và sẽ có hồi đáp sau một tháng.
4/ UKRAINE TẬP KÍCH CĂN CỨ CỦA LÍNH ĐÁNH THUÊ NGA.
Một quan chức cấp cao ở miền Đông Ukraine cho biết lực lượng Ukraine đã tấn công vào một khách sạn, nơi tập trung các thành viên Wagner, một tổ chức lính đánh thuê của Nga.
Ông Serhiy Gaidai, thống đốc vùng Lugansk do Nga kiểm soát, cho biết Ukraine vào ngày 10/12 đã tiến hành một cuộc tấn công vào một khách sạn ở thị trấn Kadiivka, thuộc phía tây Lugansk. Khách sạn này là nơi các thành viên của tổ chức Wagner xử dụng làm căn cứ.
Ông Gaidai xác nhận vụ tấn công khiến nhiều người thiệt mạng. Các bức ảnh cho thấy một tòa nhà gần như chỉ còn là đống đổ nát. Bộ quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận về vụ tấn công.
Ông Gaidai không tiết lộ con số thương vong, nhưng cho biết những người sống sót không có được dịch vụ y tế đầy đủ. Quan chức này nói thêm là ít nhất 50% những người sống sót sẽ chết trước khi được điều trị.
Cần biết, Wagner là một nhà thầu quân sự tư nhân có quan hệ chặt chẽ với điện Kremlin. Các thành viên Wagner đang chiến đấu ở Ukraine và cũng được đưa đến từ một số quốc gia Phi châu. Các binh sĩ Wagner được cho là đã sát cánh cùng quân chủ lực Nga trong nhiều nhiệm vụ và đóng vai trò lớn trong chiến dịch giành quyền kiểm soát tại miền Đông Ukraine.
5/ BINH SĨ ẤN ĐỘ VÀ TRUNG CỘNG LẠI ĐỤNG ĐỘ Ở BIÊN GIỚI.
Binh sĩ hai nước Ấn Độ và Trung Cộng dường như lại giao tranh ở biên giới vào cuối tuần qua ở khu vực tranh chấp chủ quyền, khiến một số người bị thương.
Báo chí Ấn cho biết lực lượng hai bên đã xảy ra đụng độ ở đường kiểm soát thực tế (LAC) tại khu vực đang tranh chấp chủ quyền ở tiểu bang Arunachal Pradesh. Cuộc đụng độ xảy ra vào ngày 9/12 vừa qua, khiến một số binh sĩ của hai bên bị thương tại khu vực Tawang.
Theo các nguồn tin, quân đội Trung Cộng dường như đã vượt qua đường ranh này khiến binh sĩ Ấn Độ phản ứng cứng rắn và kiên quyết. Tuy nhiên Trung Cộng chưa bình luận về tin này.
Sau biến cố nói trên, giới chức quân sự Ấn Độ trong khu vực đã tổ chức một cuộc họp với Trung Cộng để thảo luận về việc tuân thủ các qui định để khôi phục hòa bình. Đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài xảy ra các cuộc đụng độ như vậy giữa quân đội Ấn Độ và Trung Cộng kể từ các cuộc giao tranh ở đông Ladakh vào 2 năm trước, với ít nhất 24 binh sĩ hai phe đã thiệt mạng.
Mối căng thẳng Trung Cộng và Ấn Độ nóng lên từ giữa năm 2020, sau vụ đụng độ chết người tại Hy mã Lạp sơn, nơi hai bên đều tuyên bố chủ quyền. Kể từ cuộc giao tranh này, căng thẳng giữa hai nước liên miên leo thang khi các bên đều dồn dập khai triển quân nhân và vũ khí tới các điểm nóng.
No comments:
Post a Comment