Trong năm 2022, một số sự kiện chính trị quan trọng đã diễn ra đem lại tin tưởng là cao trào dân chủ sẽ ngày càng lan rộng trên thế giới. Mời quý thính giả theo dõi bài Quan Điểm của Lực Lượng Cứu Quốc với tựa đề “Dân Chủ Tất Thắng” do Hải Nguyên trinh bày sau đây.
Thưa quý thính giả,
Kết thúc năm 2022, dân chúng thế giới đã chứng kiến một số biến chuyển chính trị cho thấy, dù đối đầu với những thách thức nghiêm trọng, phong trào Dân Chủ vẫn tồn tại vững vàng.
Sau đây là các sự kiện chính trị minh chứng cho nhận định này.
Thứ nhất là phong trào biểu tình của dân chúng Iran chống lại các luật lệ hà khắc nhà nước độc tài giáo phiệt áp đặt. Phong trào này khởi phát từ sự kiện cô Mahsa Amini, 22 tuổi, bị bắt giữ và chết trong đồn “Cảnh sát đạo đức” vì đã không cột khăn trùm đầu theo đúng qui đinh.
Khới đầu, người biểu tình chỉ gồm một số phụ nữ thuộc giai cấp trí thức và trung lưu, và chỉ diễn ra tại vài thành phố, đòi hỏi nhà cầm quyền hủy bỏ một số quy định quá khắt khe về cách phục sức của phái nữ. Nhưng chỉ một tuần sau, phong trào biểu tình đã lan ra nhiều địa phương, và các đòi hỏi đã mở rộng ra nhiều lãnh vức khác, như khẩu hiệu “Phụ Nữ - Đời Sống - Tự Do”. Không lâu sau đó, phong trào đã được sự hưởng ứng tham gia của học sinh, sinh viên, và nhiều thành phần dân chúng như công nhân, giới tiểu thương trên cả nước. Nhiều khẩu hiệu biểu tình cũng quyết liệt hơn như “Đả đảo độc tài”, “Treo cổ lãnh tụ độc tài”, nhắm đến lãnh đạo tối cao của Iran là Giáo chủ Ali Khamenei.
Cho đến nay, bất chấp sự đàn áp tàn bạo của nhà cầm quyền giáo phiệt, với hơn 500 người thiệt mạng, trong đó có 63 trẻ em và 32 phụ nữ, cũng sự nhượng bộ bằng cách giải tán lực lượng “Cảnh sát đạo đức”, phong trào biểu tình vẫn tiếp diễn mạnh mẽ, có khả năng làm lung lay chế độ độc tài giáo quyền tại Iran.
Sự kiện thư hai là phong trào biểu tình của dân chúng Hoa Lục phản kháng chính sách Zero-Covid của Tập Cận Bình. Phong trào này nhen nhúm từ đầu tháng 11, với các cuộc tụ họp để biểu tỏ sự bất mãn vì bị mất việc làm hoặc không được di chuyển mua sắm nhu yếu phẩm.
Phong trào chỉ bùng phát và lan rộng từ 24 tháng 11, ngày xẩy ra vụ hỏa hoạn tại thành phố Ürümqi, thủ phủ Tân Cương, gây tử thương cho 10 người và hơn 10 người khác bị thương. Số thương vong lên cao như vậy vì các biện pháp chống dịch quá khắt khe khiến nạn nhân không thể thoát thân, cũng như xe cứu hỏa không thể vào chữa cháy kịp thời.
Phong trao biểu tình đã nhanh chóng lan rộng ra các thành phố khác, đặc biệt là tại các trường đại học. Chỉ trong vòng 4 ngày, đã có đến 20 thành phố diễn ra các cuộc biểu tình. Người biểu tình cầm theo một tờ giấy trắng để biểu tỏ sự kiểm soát tuyệt đối của đảng CSTQ đối với dân chúng. Cũng có những khẩu hiệu như “Không Cần Phong Tỏa - Cần Tự Do”, nhắc lại là sự kiện Bành Lập Phát treo biểu ngữ chống Tập Cận Bình trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh ngày 19/9, ngay trước Đại Hội 20 của đảng CSTQ.
Trước phong trào chống đối này, Tập Cận Bình đã nhượng bộ bằng cách giảm bớt các biện pháp chống dịch khắt khe. Hành khách không cần xuất trình giấy xét nghiệm Covid khi sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng, và người bị lây nhiễm được phép cách ly tại nhà thay vì phải tập trung tại những trung tâm kiểm dịch.
Trong những ngày qua, Bắc Kinh đã lùi thêm một bước quan trọng là hầu như hoàn toàn từ bỏ chính sách Zero-Covid để trở thành “sống chung với dịch” như tại các nước khác.
Sự kiện chính trị đặc biệt thứ ba là việc tổng thống Liên Bang Vladimir Putin đã ngang ngược xua quân xâm lăng nước láng giềng Ukraine ngày 24 tháng 2 năm 2022.
Cuộc chiến này, theo ước tính ban đầu của Putin, và cũng là ước tính của nguyên thủ nhiều nước Tây phương, Ukraine sẽ bị Nga thôn tính nhanh chóng. Cũng chính vì ước tính như vậy nên ngay sau khi quân Nga vượt biên giới hướng đến thủ đô Kiev của Ukraine, Tổng thống Mỹ đã điện thoại đề nghị sẵn sàng giúp đưa Tổng thống Ukraine Veladimir Zelensky cùng gia đình, và Bộ tham mưu rời thủ đô đến một nơi khác an toàn hơn, hoặc qua Ba Lan để lập chính phủ lưu vong.
Nhưng ông Zelensky đã từ chối, quyết định ở lại thủ đô Kiev để điều động quân dân Ukraine chống trả lại quân Nga.
Đến nay, sau gần 11 tháng, quân Nga không những không chiến thắng mà còn đang bị đẩy lui trên nhiều mặt trận, gánh chịu tổn thất to lớn về binh lính và chiến cụ.
Kết quả ngoài sự dự liệu này đạt được là do ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất của quân dân Ukraine, dưới sự lãnh đạo dũng cảm của Tổng thống Zelensky. Nhờ sự kiên cường này đã khiến các quốc gia Tây phương hết lòng viện trợ vũ khí giúp Ukraine đánh bại Nga.
Cuộc chiến của dân chúng Ukraine chống quân xâm lăng chính là cuộc chiến của lực lượng dân chủ chống lại thế lưc độc tài, của cái thiện ngăn chận cái ác!
Qua ba sự kiện chính trị nêu trên, rõ ràng là sự áp bức, bất công, điển hình của thể chế độc tài toàn trị, đã bị những giá trị dân chủ, tự do đẩy lùi. Dĩ nhiên còn quá sớm để kết luận dân chúng Iran, cũng như dân chúng Hoa Lục sẽ thoát khỏi sự cai trị của các tập đoàn giáo phiệt độc đoán, hoặc đảng trị cộng sản độc tài. Và cũng chưa thể xác quyết dân quân Ukraine sẽ toàn thắng quân Nga xâm lăng.
Tuy nhiên, dù chưa thành công ngay, chúng ta cũng vững tin rằng hào khí đấu tranh của dân chúng Iran, của dân chúng Hoa Lục, và đặc biệt của dân chúng Ukraine sẽ tạo nên hứng khởi để thúc đẩy các dân tộc khác đang bị độc tài thống trị, mạnh dạn đứng lên đòi tự do, dân chủ.
Trong số các dân tộc này chắc chắn có dân tộc Việt Nam chúng ta./.
No comments:
Post a Comment