Tuesday, December 6, 2022

Tin tức, thứ Ba 06.12.022

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Thiên An trình bày sau đây.

1/ BẢY GIÁO DÂN Ở NGHỆ AN BỊ ÁN TÙ VÌ PHẢN ĐỐI CÔNG AN CHIẾM ĐẤT.

Vào ngày 30/11 vừa qua, bạo quyền tỉnh Nghệ An đã kết án tù 7 giáo dân ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, với cáo buộc đã xuống đường phản đối việc công an phá bỏ con đường dân sinh của giáo xứ Bình Thuận.

Trong phiên xử chớp nhoáng mà không có luật sư bào chữa hay thân nhân tham dự, 7 giáo dân nói trên đã bị kết tội “chống người thi hành công vụ”. Ông Bùi Văn Cảnh 44 tuổi bị án một năm tù. Ông Hà Văn Hạnh 42 tuổi và hai bà Trần Thị Hoa 52 tuổi, Trần Thị Thỏa 58 tuổi bị 8 tháng tù, riêng hai bà Trần Thị Niên 38 tuổi và Hà Thị Hiền 35 tuổi bị 6 tháng tù.

Theo cáo trạng, vào ngày 13/7 vừa qua, khi lực lượng công an tiến vào phá bỏ con đường dân sinh đi qua khu công nghiệp WHA thì những người nói trên đã chống đối và cản trở quyết liệt bằng đủ mọi hình thức như “chửi bới” và “ném đá và chai thủy tinh” vào lực lượng công an cơ động, dùng tay và liềm để xô ngã hàng rào thép gai. Hậu quả khiến 5 công an bị thương phải điều trị tại bệnh viện.

Ông Nguyễn Minh Đức, chồng bà Hà Thị Hiền, cho biết không có ai được thông báo về phiên tòa nói trên. Ông cho biết vợ ông và những người khác không có luật sư bào chữa. Trước đó phía công an huyện cảnh cáo là không nên thuê luật sư vì nếu thuê luật sư thì án sẽ nặng thêm.

Ông khẳng định các bản án trên là bất công vì người dân giáo xứ Bình Thuận chỉ muốn bảo vệ con đường dân sinh đã tồn tại hơn 100 năm, thay vì phải đi con đường vòng vèo và quá dài so với đường thẳng trước đây.

2/ CÔNG AN ĐẮC LẮC ĐE DỌA VỢ TNLT ĐẶNG ĐANG PHƯỚC.

Hơn hai tháng sau khi bắt giữ giảng viên cao đẳng âm nhạc Đặng Đăng Phước với cáo buộc “tuyên truyền chống phá chế độ”, vào  ngày 18/11, công an tỉnh Đắc Lắc đã làm việc với bà Lê Thị Hà, vợ ông Phước.

Bà Hà, giáo viên tiểu học ở thành phố Buôn Mê Thuột, cho biết là điều tra viên Nguyễn Hữu Tào đã truy hỏi lý lịch ba đời của bà. Sau đó, người này đưa ra trang Facebook Hà Lê và hỏi bà rằng đấy có phải là trang của bà không. Họ đe dọa là nếu còn đăng tải lên trang này thì sẽ báo lên sở giáo dục để sa thải bà ra khỏi ngành.

Cần biết là trong những tuần qua, công an đã mời một số chủ nhân trang mạng Facebook đến để tra hỏi về mối liên quan với ông Đặng Đăng Phước. Người gần đây nhất bị mời lên làm việc là dân oan Bùi Văn Châu Tuấn, người chia xẻ với ông Phước về nỗi oan khuất của gia đình mình.

Ông Phước 59 tuổi là giảng viên âm nhạc của trường cao đẳng sư phạm Đắc Lắc. Trước khi bị bắt vào đầu tháng 9 vừa qua, ông thường xuyên lên tiếng về nhiều vấn đề của đất nước, trong đó có vấn nạn giáo dục, vi phạm nhân quyền, tiêu cực của quan chức và bất công trong xã hội.

Trong bài cuối cùng có hơn 6 ngàn người theo dõi, vào ngày 7/9, ông viết về vụ bắt giữ nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm theo cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ”, chỉ trích công an Đà Nẵng đã hành xử thô bạo đối với nhà hoạt động này.

3) LINH MỤC  GIU-SE NGUYỄN TIẾN LỘC- TU SĨ DCCT QUA ĐỜI.

 Linh mục Giu-se Nguyễn Văn Lộc (Nguyễn Tiến Lộc), tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) vừa qua đời chiều hôm qua ngày 5/12/2022, thọ 80 tuổi.

Linh mục Nguyễn Tiến Lộc, một trong những tu sĩ nổi tiếng nhất DCCT, không chỉ trong công việc mục vụ, tài năng âm nhạc mà trong các hoạt động Hướng đạo và là người từng trải qua những năm tháng tù đày cộng sản. Ông sinh năm 1943 trong một gia đình Công giáo tại Hà Nội. Năm 1971, sau khi học xong chương trình Thần học tại Giáo hoàng Học viện Đà Lạt, ông được điều về Đệ tử viện Vĩnh Long.  Ông thụ phong chức linh mục cuối năm 1972 và được điều về giúp việc tại Đệ tử viện Thủ Đức. Sau năm 1975, trước làn sóng đàn áp, bách hại tôn giáo, nhiều linh mục bị bắt, bị giết, nhưng cha Nguyễn Tiến Lộc vẫn quyết định ở lại Việt Nam và làm Giám đốc Đệ tử toàn quốc của Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam. Dù bị theo dõi, hạn chế nhưng ông vẫn tiếp tục các hoạt động hướng đạo cho đến khi bị nhà cầm quyền ra lệnh cấm hẳn.

Ngày 25/1/1978, nhà cầm quyền ghán ghép cho ông tội "tàng trữ vũ khí" và lưu đày ông 4 năm trong tù. Ông gọi đây là “một biến cố chính trị của thời cuộc”.

Ông được trả tự do đầu năm 1982, do sự can thiệp của Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.

Trong thời gian sinh hoạt hướng đạo, ông sáng tác nhiều bài hát dùng trong sinh hoạt tập thể. Trước năm 1975, ông là một trong những người tiên phong của chương trình "Đố Vui Để Học" trên Đài Truyền hình Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa).

Trước khi qua đời, ông đã kịp hoàn thành cuốn hồi ký nhưng sách chỉ để tặng một số bạn bè thân thiết của ông, chưa phổ biến rộng rãi.

Linh mục Giu-se Nguyễn Tiến Lộc là nạn nhân và là chứng nhân của tội ác cộng sản. Ông cũng là chứng nhân cho sự thật và tình yêu thương- con đường mà ông đã chọn.

 4/ BẮC HÀN BẮN HƠN 130 QUẢ ĐẠN PHÁO VÀO KHU VỰC CÓ CUỘC TẬP TRẬN.

Vào hôm qua, thứ Hai ngày 5/12, bạo quyền Bắc Hàn đã bắn hơn 130 quả đạn pháo ra biển ở phía Đông và phía Tây, nơi diễn ra cuộc tập trận của liên quân Hoa Kỳ và Nam Hàn.

Một số đầu đạn đã rơi xuống vùng đệm gần biên giới biển mà Nam Hàn cho là vi phạm thỏa thuận năm 2018 được thiết kế để giảm căng thẳng. Bộ quốc phòng Nam Hàn cho biết là đã gửi một số cảnh cáo đến Bắc Hàn về vụ nổ súng này.

Phát ngôn nhân Bắc Hàn sau đó cảnh cáo là “kẻ thù” nên chấm dứt ngay các hành động quân sự ở các khu vực gần tiền tuyến, đồng thời cảnh cáo là Bắc Hàn sẽ đáp trả một cách kiên quyết  bằng hành động quân sự.

Cần biết là Nam Hàn và Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc tập trận chung trên bộ gần biên giới ở quận Cheorwon, nằm giữa bán đảo Cao Ly vào hôm qua. Cuộc tập trận của họ sẽ tiếp tục vào ngày hôm nay, thứ Ba 6/12.

Hai đồng minh Hoa Kỳ và Nam Hàn đã tăng cường các cuộc tập trận trong năm nay, với lý do là chúng cần thiết để ngăn chặn Bắc Hàn trang bị vũ khí hạt nhân. Bắc Hàn đã nối lại các vụ thử nghiệm phi đạn xuyên lục địa kể từ năm 2017.

Bắc Hàn liên tục chỉ trích các cuộc tập trận chung này là bằng chứng cho chính sách thù địch của Hoa Kỳ và Nam Hàn.

5/  KHỐI G-7 BẮT ĐẦU SỨC ÉP ĐỐI VỚI NGA VỀ MỨC GIÁ TRẦN DẦU THÔ.

Mức giá trần của nhóm G-7 đối với các chuyến vận tải xăng dầu bằng đường biển của Nga đã bắt đầu có hiệu lực vào ngày thứ Hai 5/12, bất chấp các phản đối của Nga.

Các quốc gia G-7 và nước Úc vào hôm 2/12 đồng ý mức giá trần 60 Mỹ kim một thùng đối với dầu thô của Nga sau khi các thành viên Liên minh Âu châu bỏ qua sự phản đối từ Ba Lan vốn muốn giá dầu này thậm chí còn thấp hơn nữa. 

Cần biết Nga là nước xuất cảng dầu khí lớn thứ hai trên thế giới. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak gọi đây là sự can thiệp thô bạo trái với các quy tắc thương mại tự do và sẽ gây bất ổn hơn nữa cho thị trường. Ông Novak cho biết là nước Nga chỉ bán dầu khí cho các nước ủng hộ, ngay cả khi phải giảm sản lượng.

Thỏa thuận này của khối G-7 cho phép dầu khí của Nga được vận chuyển đến các nước bên thứ ba bằng cách xử dụng tàu chở dầu của khối này, với mức giá 60 Mỹ kim một thùng hoặc thấp hơn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết mức 60 Mỹ kim còn quá cao để ngăn Nga chấm dứt cuộc xăm lăng Ukraine. Ông Zelensky nhấn mạnh là điều này sẽ không là một quyết định đúng đắn đối với ngân sách của một quốc gia khủng bố.

Ông Mykhailo Podolyak, phụ tá của ông Zelenskiy, cho biết thế giới cần sự bảo đảm an ninh từ nước Nga chứ không phải ngược lại.

Tuy nhiên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vấp phải sự chỉ trích từ Ukraine và các đồng minh vào cuối tuần qua vì gợi ý phương Tây nên xem xét nhu cầu bảo đảm an ninh của Nga nếu nước này đồng ý đàm phán để chấm dứt chiến tranh.

Trong một dấu hiệu nữa cho thấy phương Tây không hài lòng về một cuộc đối đầu đã tạo ra các cuộc khủng hoảng năng lượng và người tị nạn ở châu Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 5/12 cảnh cáo chống lại việc tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh mới bằng cách chia thế giới thành các khối riêng biệt.

No comments:

Post a Comment