Dưới thể chế độc tài toàn trị của cs VN thì những bức màn đen che giấu những bí mật khuynh đảo đất nước hầu như không bị phát giác để bảo vệ sự sống còn của những kẻ trùm tạo tội mà Trời không dung Đất không tha.
Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “ Trùm cuối” của Kim Ngữ và Y Nguyên sẽ được Vân Hà trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Kim Ngữ và Y Nguyên.
Năm 2022 là một năm hết sức kỳ lạ. Người dân chứng kiến nhiều cuộc bắt bớ hỗn loạn trong nội bộ chính quyền cộng sản mà những lời thuyết minh cho các sự kiện đều hết sức mơ hồ. Trong tất cả vụ việc, điều đáng chú ý nhất là sự ẩn hiện bóng dáng của (những) nhân vật “trùm cuối”…
“Trùm cuối”, một “danh xưng” mới ám chỉ kẻ ngồi trong bóng tối chỉ đạo cấp dưới âm thầm làm việc, loại công việc chỉ thực hiện dưới gầm bàn, sau bình phong hay những cú điện thoại bí mật nhưng tiền kiếm được dĩ nhiên không hề ít. Trùm cuối hẳn là những kẻ có uy quyền, có thể chỉ dưới một người nhưng trên 90 triệu người. Trùm cuối như ma quỷ chập chờn. Khuôn mặt trùm cuối ẩn hiện và dù không ai có khả năng xác quyết trùm cuối là ai sau các đại án tham nhũng nhưng người ta vẫn thấy chắc chắn có một hoặc vài tay trùm cuối – loại đầu sỏ thật sự.
Mới đây, ngày 24 Tháng Mười Một, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang nhận 30 tháng tù treo vì tội làm thiệt hại cho nhà nước $3.84 triệu. Câu chuyện thu hút quan tâm, nhưng khi đề cập tội danh, công an chỉ nói đến việc đương sự “thiếu ý thức trong nghiệm thu quyết toán, kiểm tra, rà soát hợp đồng dẫn đến thiệt hại cho nhà nước”. Câu hỏi để lại là số thiệt hại đó có truy thu được không? Mọi thứ vẫn cho thấy tất cả là những câu chuyện điển hình của Việt Nam thời đại hôm nay, với bí ẩn bao trùm, và không bao giờ có sự thật nào hoàn toàn được phanh phui đến tận cùng.
Khi vụ Việt Á chính thức bị điều tra, hai nhân vật cao cấp ngay lập tức vác chiếu vào nhà giam đếm kiến. Đó là Chủ tịch thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long – đều là ủy viên trung ương đảng. Với những kẻ chấp nhận ngồi sới bạc, khi tham gia dự án nào đó để kiếm lại tiền “bù lỗ” cho chiếc ghế của mình thì dù có ăn bao nhiêu, họ cũng khó bị phát giác, nhất là những kẻ có vai vế vô cùng lớn như Chu Ngọc Anh. Trong vụ Việt Á, khoảng 90 người đã bị khởi tố; trong đó có tám quan chức Bộ Y tế, Bộ Khoa Học và Công Nghệ; cùng hàng chục lãnh đạo, cán bộ cơ quan kiểm soát dịch bệnh CDC, sở y tế tại 64 tỉnh thành khắp cả nước. Bộ Công an Việt Nam xác định, sau 17 tháng chỉ bán kit test Covid-19, Việt Á đã bỏ túi gần 4 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng trùm cuối thật sự đằng sau đại án Việt Á vẫn chưa bị sờ gáy hoặc không thể bị sờ gáy. Mới đây, ngày 30 Tháng Mười Một, Bộ Công an Việt Nam lại bắt thêm Nguyễn Văn Trịnh, phụ tá Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” Cơ quan điều tra xác định Trịnh đã lợi dụng vị trí công tác để can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký để lưu hành bộ xét nghiệm Covid-19 trái quy định pháp luật, giúp Công ty Việt Á phân phối sản phẩm xét nghiệm tại các địa phương với giá mắc hơn bình thường.
Nguyễn Văn Trịnh được bổ nhiệm làm Phụ tá cho Vũ Đức Đam từ Tháng Mười Hai năm 2018. Hà Nội hiện nay có bốn phó thủ tướng, và ông Đam đứng đầu Ban phòng chống Covid-19. Ông Đam có phải là trùm cuối vụ Việt Á hay không thì chỉ có mấy ông trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng biết rõ. Mà nào đâu phải chỉ có một Vũ Đức Đam! Một Phó Thủ tướng Thường trực khác là Phạm Bình Minh cũng có phụ tá bị bắt do dính líu đại án tham nhũng có tên “chuyến bay giải cứu”. Nguyễn Quang Linh bị bắt hầu như áp chót sau khi công an khởi tố hơn 30 người trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và bốn viên chức Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Số tiền tham ô cũng khít khao với vụ Việt Á: 4 ngàn tỉ đồng!
Phụ tá Phó Thủ tướng không là một chức vụ nhỏ. Chỉ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội mới có phụ tá; và do đó chức vụ phụ tá không phải để soạn văn thư hay làm những việc lặt vặt. Vai trò một phụ tá bao gồm cả việc tham mưu, thay mặt, và có thể giải quyết hầu như toàn bộ chỉ thị được đưa xuống từ người mà ông ta làm phụ tá. Vậy, với việc bắt hai phụ tá của hai Phó Thủ tướng trong hai vụ án, liệu có thể nói ngắn gọn rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, trùm cuối của hai đại án “Việt Á” và “chuyến bay giải cứu” là Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh?
Không chỉ vụ Việt Á hay “chuyến bay giải cứu”, mà còn là vụ bắt bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan, người mà hầu như ai cũng biết là cánh tay phải một thời của tên đầu sỏ Lê Thanh Hải, kẻ từng ngồi ghế Bí thư một thời khuynh đảo Sài Gòn. Lê Thanh Hải đích thị là tên trùm cuối gây ra không biết bao nhiêu vụ cướp đất tàn bạo và ác độc trên đất Sài Gòn. Tuy nhiên, như tất cả đại án tương tự trên một đất nước được cai trị bởi bộ máy chuyên chế độc tài độc đảng, trùm cuối Lê Thanh Hải chưa lần nào được gọi tên.
Việt Nam vẫn như bức màn đen, phủ kín những bí mật; cho dù bao nhiêu mạng người đã mất. Tất cả đã và đang được che kín, để bảo đảm cho sự tồn vong của đảng cộng sản cầm quyền. Đám trùm cuối vẫn còn nhung nhúc sau những tấm màn. Bóng đen bí ẩn nào đang phải chịu trách nhiệm cho những mất mát, nỗi đau của người Việt? Bóng đen bí ẩn nào đang cầm nắm sinh mệnh Việt Nam như một thứ quyền lợi và được quyền giấu mặt? Năm 2022 đang dần đóng lại với những câu hỏi về những kẻ giấu mặt đầy tội ác với đồng bào.
No comments:
Post a Comment