Saturday, December 10, 2022

Nữ sĩ Sương Nguyệt Ánh

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả,

Vào khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, VN có một nữ sĩ nổi tiếng, bà là nhà báo và còn là nữ chủ bút đầu tiên trong làng báo Việt, nhưng số phận “hồng nhan bạc mệnh” của bà đã làm cho nhiều người xúc động.

Suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp, để lại ấn tượng trong lòng người Việt về hình ảnh tốt đẹp của một nữ chủ bút, một nhà thơ đa tài và một người đi tiên phong đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ.

Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nữ sĩ Sương Nguyệt Ánh của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.


Ngàn thu, nay gặp hội minh lang,

Thiên hạ ngày nay, chí mở mang.

Tấc đất ngọn rau, tràn dưới mắt,

Đài cân bầu nước, chật ven đàng!

Vui lòng thánh đế, nơi xe ngựa,

Xót dạ thần dân, chốn lửa than.

Nước mắt cố cùng, trời đất biết,

Biển dâu một cuộc, nghĩ mà thương.

Đó là bài thơ tràn đầy nghĩa khí với tựa đề “Thành Thái nghị yến Sài Gòn” của bà Sương Nguyệt Ánh, nhằm nhắc nhở nhà vua chớ quên dân chúng đang lầm than, đói khổ trước cảnh nước mất nhà tan.

Sương Nguyệt Ánh là bút hiệu của bà Nguyễn Ngọc Khuê. Bà sinh năm 1864, tại xã An Đức, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Thân phụ là cụ Nguyễn Đình Chiểu, người nổi tiếng với truyện thơ Lục Vân Tiên, thân mẫu là bà Lê Thị Điền.

Thuở nhỏ, bà cùng chị là Nguyễn Thị Xuyến, được cha truyền dạy nên giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Khi cả 2 khôn lớn, nổi tiếng về tài sắc, được người quanh vùng ca tụng là Nhị Kiều.

Sinh ra trong một gia đình Nho giáo, được sự giáo dục kỹ lưỡng của người cha danh tiếng vùng Gia Định nên bà học rất giỏi, không chỉ được yêu mến bởi tính tình điềm đạm, đôn hậu mà còn nổi tiếng thông minh, sắc sảo. Suốt thời thanh xuân, bà nổi danh cả về tài sắc lẫn đức hạnh, sống giản dị, tự nhiên. Ngay cả khi gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bà nghỉ học để vừa chăm lo việc nhà, vừa giúp cha bốc thuốc trị bệnh.

Từ năm 1906 đến năm 1908, hưởng ứng phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, bà bán một phần điền sản và vận động quyên góp để giúp sinh viên học sinh xuất dương sang Nhật du học.

Năm 1917, bà được nhóm CSĩ Yêu Nước mời làm chủ bút tờ Nữ Giới Chung, nghĩa là Tiếng chuông của Nữ giới. Đây là tờ báo đầu tiên viết những vấn đề của nữ giới, số đầu tiên ra ngày 1/2/1918, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích nông công thương, đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội.

Trong số mở đầu, bà nói rõ mục đích của tờ báo là truyền bá chữ Quốc Ngữ, nâng cao luân lý, dạy cách sống hằng ngày, chú trọng đến thương mại và tiểu công nghệ, tạo sự tiếp xúc giữa người và người.

Suốt 20 số báo, đem hết tâm huyết để góp phần chấn hưng tinh thần nữ giới, đề cập đến việc dạy nữ công gia chánh, đức hạnh phụ nữ và phê phán luật lệ khắt khe đối với phụ nữ, đồng thời chủ trương tranh đấu mạnh mẽ cho nam nữ bình quyền.

Về thơ văn, bà có nhiều sáng tác nhưng không gom thành tập. Hiện chỉ còn một số bài thơ như: Đoan Ngọ nhật điếu Khuất Nguyên, Tức Sự, Chinh Phụ Thi, Thưởng Bạch Mai, Vịnh Ni Cô, Thành Thái nghị yến Sài Gòn và một số bài vè.

Ngoài bản dịch bộ Yên Sơn Ngoại Sử của Trung Hoa ra thơ lục bát, một số ít bài thơ chữ Hán, thể vè lục bát, thơ của phần lớn là thơ Nôm theo thể Đường luật.

Trong số bài thơ khác, kín đáo gửi gấm tấm lòng yêu nước thương dân, quan tâm đến thời cuộc. Trên tờ "Nữ Giới Chung", bà đăng nhiều bài thơ đề cao tinh thần quật cường bất khuất  của các nữ anh thư như Bà Trưng, Bà Triệu, hoặc những bài thơ đề cao nữ quyền, những bài thơ khuyên thanh niên Việt không nên đi lính Pháp trong Đệ Nhất Thế Chiến.

Sáng ngày 9/1/1922, do sức khỏe quá yếu, trút hơi thở cuối cùng, hưởng dương 58 tuổi.

Lúc đầu, mộ ở Mỹ Nhơn. Đến năm 1959, bà được dân trong vùng cải táng về cạnh mộ phần của song thân, trong khu đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu.

*****

Năm 1915, ông Việt Sĩ đã khen ngợi bà như sau:

"Nhắc đến Sương Nguyệt Ánh, người ta còn thấy lại nơi bà một tấm gương hoạt động cho phái nữ lưu, người ta không quên một cây bút rắn rỏi đã từng nêu trên tờ Nữ Giới Chung nhiều vấn đề lý thú về phận sự đàn bà đối với gia đình và xã hội. Trong buổi giao thời, phụ nữ nước nhà vừa ra khỏi khuê môn để tiếp xúc với văn hóa Âu Tây, bà Sương Nguyệt Ánh rất xứng đáng là nữ sĩ tiền phong trên đất Việt".

Hơn thế nữa, bà luôn làm thơ nhắc nhở mọi người nhớ đến cảnh nước mất nhà tan, phải sống sao để không hổ thẹn với đất nước có truyền thống chống ngoại xâm từ mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Bà Sương Nguyệt Ánh xứng đáng được hậu thế vinh danh. Tên của bà đã được đặt cho nhiều con đường để tưởng nhớ đến bậc nữ lưu đa tài của nước Việt.

 

 

 

No comments:

Post a Comment