Saturday, December 24, 2022

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả,

Một người tư tưởng thâm thúy, tấm lòng nhân ái, sống theo đạo nghĩa. Ông không  những là người con chí hiếu và là người thầy thuốc mẫu mực, mà còn là một nhà thơ tiết tháo, tuy mù lòa sống trong cảnh biến loạn, nhưng vẫn giữ được phẩm cách thanh cao.

Ông chủ trương làm thơ để “chở đạo, sửa đời và dạy người” biểu hiện đạo lý và bộc lộ tấm lòng yêu nước thương dân.

Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sinh ngày 1/7/1822, tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Cha là Nguyễn Đình Huy, người huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (Huế), làm TLại trong dinh Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người huyện Phước Lộc, tỉnh Gia Định.

Thời niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh đất nước loạn lạc, nạn đói và dịch bệnh tràn lan, người dân khổ sở phải “tha phương cầu thực”. Phong trào chống thực dân và triều đình nổ ra ở nhiều nơi. Phan Bá Vành (1821), Lê Duy Lương và Lê Duy Hiển (1831). Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi (con nuôi của Lê Văn Duyệt, Tổng trấn  Gia Định) vào năm 1833. Cuộc nổi dậy này đã khiến cha ông phải bỏ nhiệm sở trốn về Huế và bị triều đình cách chức.

Năm 1833, khi trở vào Nam, cha ông gửi ông cho một người bạn ở Huế để tiếp tục việc học.

Năm 1843, ông đỗ Tú Tài ở trường thi Gia Định.

Năm 1847, ông ra Huế để chờ thi khoa Kỷ Dậu (1849). Nhưng chưa kịp thi thì được tin mẹ mất tại Sài Gòn. Trên đường trở về chịu tang, do đường đi vất vả và khóc thương nhiều, nên ông bị mù cả đôi mắt.

Trong thời gian nghỉ lại Quảng Nam để chữa trị, tuy không hết bệnh nhưng ông được vị danh y truyền dạy nghề bốc thuốc.

Do mù lòa, mất mẹ lại bị hôn thê bội ước, cảnh nhà sa sút... ông đóng cửa chịu tang cho đến năm 1851, mới lấy hiệu là Hối Trai mở trường dạy học và hành nghề bốc thuốc.

Năm 1854, một người học trò tên là Lê Tăng Quýnh cảm phục và thương mến ông, đã xin gia đình gả cô em gái thứ 5 tên là Lê Thị Điền cho ông. Kể từ đó, ngoài công việc nhà, ông sáng tác truyện thơ Lục Vân Tiên và Dương Từ - Hà Mậu, để gửi gắm tình ý cùng hoài bão của mình. Trong lúc Nguyễn Đình Chiểu gặp phải nhiều tai biến, thì đất nước ngày càng lâm vào cảnh rối ren:

-Năm 1858, quân Pháp nổ súng đánh chiếm cửa Hàn (Đà Nẵng) mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược.

-Ngày 17/2/1859, Pháp đưa chiến thuyền theo của biển Cần Giờ đánh chiếm thành Gia Định, ông chạy giặc về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Tại nơi này, ông sáng tác Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc.

-Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng bị chiếm đóng, ông cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc trị bệnh và vẫn giữ mối liên hệ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và các lực lượng kháng chiến.

Thời gian này, ông sáng tác nhiều thơ văn bi tráng, tiếc thương đồng bào, bạn bè và nghĩa sĩ đã hy sinh.

-Năm 1867, Pháp chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây gồm: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, cụ Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử, phong trào kháng chiến chống Pháp lại bùng lên.

-Năm 1873, thành Hà Nội thất thủ lần thứ nhất. Nguyễn Tri Phương trúng đạn, tuyệt thực chết.

-Năm 1882, thành Hà Nội thất thủ lần thứ hai, Hoàng Diệu tuẫn tiết.

-Năm 1885, Pháp chiếm kinh thành Huế, vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị xuống chiếu Cần Vương.

-Năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt đày đi Algerie.

Niềm hy vọng của ông về cuộc kháng chiến chống Pháp đã tắt hẳn.

Ngày 3/7/1888, ông qua đời tại làng An Bình Đông (gần chợ Ba Tri, Bến Tre), thọ 66 tuổi.

Hiện nhiều con đường trường học được đặt tên Nguyễn Đình Chiểu để tưởng nhớ một nhà thơ yêu nước.

****

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu để lại nhiều tác phẩm, trong đó có rất nhiều bài thơ và văn tế. Đặc biệt là Thơ truyện Lục Vân Tiên, gồm 2082 câu thơ lục bát, được xem là tác phẩm văn học được nhiều người yêu chuộng. Đây chính là Bản Trường Ca, ca ngợi đạo đức và chính nghĩa đã đưa ông lên đỉnh cao trên văn đàn.

Lịch sử VN đau thương nhưng có phần oanh liệt, gương hy sinh của những anh hùng sa cơ hay nằm xuống làm cho nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cảm xúc mãnh liệt, ngòi bút yêu nước đầy nhiệt huyết của ông đã phản ảnh những tấm gương trung liệt dưới nhiều thể loại văn học, rất đậm đà sâu sắc, làm rung động lòng người.

Thơ văn của ông những sáng tác tiêu biểu cho tinh thần bất khuất, chống ngoại xâm trong nửa cuối thế kỷ 19. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với vận mệnh của đất nước trong giai đoạn bi tráng của dân tộc. Tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã đi vào lịch sử Việt Nam thời cận đại và tên của ông cũng sẽ sống mãi trong lòng người Việt.

 

No comments:

Post a Comment