Wednesday, December 14, 2022

Tin Tức, Thứ Tư 14.12.2022

Tin Tức

Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.

 1/ CHÙA SƠN LINH TỰ Ở KONTUM BỊ BẠO QUYỀN CƯỠNG CHẾ

Trong một hành động nhằm đánh tan giáo hội Phật giáo VN Thống nhất, bạo quyền tỉnh Kon Tum vào hôm thứ Ba 13/12 đã điều động hàng trăm công an và quan chức đến cưỡng chế ngôi chùa Sơn Linh Tự.

Việc cưỡng chế được tiến hành từ sáng sớm và đến khoảng 11 giờ đã hoàn tất việc phá huỷ Sơn Linh Tự của Đại đức Thích Nhật Phước khi ông này đi vắng. Bà Ngọc Lương, mẹ của Thầy Thích Nhật Phước, người sống cách đó khoảng 10 cây số, đã đến nơi khi việc cưỡng chế đang tiến hành nhưng bị công an ngăn cản không cho vào.

Theo cuốn phim do bà Ngọc Lương cung cấp, công an và một số người mặc thường phục chặn xe của bà, không cho vào hiện trường. Bà cho biết lực lượng cưỡng chế đã đập phá tượng Phật và bàn thờ, sau đó dùng cưa máy, cần cẩu vả máy xúc để giật sập ngôi nhà gỗ được Đại đức Nhật Phước xây dựng 3 năm trước đây.

Bà Ngọc Lương cho biết đoàn cưỡng chế đã mắng chửi bà và khẳng định là Sơn Linh Tự không phải là chùa mà chỉ là ngôi nhà tạm. Một người giựt máy quay của bà, hai người khác túm lấy tay bà đẩy xuống ven đường. 

Đại đức Thích Nhật Phước, người đang đi công chuyện ở chùa Thiên Quang, tỉnh Bà Rịa, cho biết Sơn Linh Tự là một ngôi nhà tạm làm bằng gỗ, có diện tích 90 thước vuông trên mảnh đất 2 ngàn thước vuông mà ông đứng tên. Cơ sở tu hành này được thiết lập bởi Thượng toạ Thích Đồng Quang năm 2009. Năm 2018, vị thượng toạ này xây cất thành ngôi chùa chắc chắn nhưng bị bạo quyền huyện Ngọc Hồi phá huỷ vào đầu năm 2019, chỉ để lại ngôi nhà tạm bằng gỗ.

Sau đó Thượng toạ Thích Thiên Thuận, trụ trì chùa Thiên Quang, mua lại mảnh đất này và cho đệ tử của mình là Đại đức Thích Nhật Phước đến đó trông coi. Đại đức Nhật Phước cho biết từ khi tu sửa lại căn nhà tạm làm nơi ở vào đầu năm 2021, ông đã nhiều lần bị bạo quyền địa phương lập biên bản và phạt tiền. 

Cần biết là vào ngày 2/12 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đưa Việt Nam vào "Danh sách Theo dõi Đặc biệt" vì nước này “thực hiện hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo”.

2/ CỰU BÍ THƯ TỈNH ĐỒNG NAI KÊU GỌI BÀ THANH NHÀN RA ĐẦU THÚ

Từ trong trại giam, ông Trần Đình Thành, cựu bí thư tỉnh Đồng Nai, đã lên tiếng kêu gọi bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch tập đoàn AIC, hãy ra đầu thú trước khi diễn ra phiên xử vào ngày 21/12 tới đây.

Hàng chục nhân viên của tập đoàn AIC đã bị bắt và chờ ra xét xử với các cáo buộc vi phạm đấu thầu ở bệnh viện Đồng Nai. Hàng loạt nhà cửa và đất đai của bà Nhàn đã bị bộ công an cưỡng chế trong những tuần qua. Vào cuối tháng 11 vừa qua, viện kiểm sát tối cao đã kêu gọi bà Nhàn cùng 7 người đang đào thoát ra đầu thú để được khoan hồng.

Theo cáo trạng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập các mối quan hệ với giới chức cầm đầu tỉnh ủy Đồng Nai, để cấu kết với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế trong việc trúng 16 gói thầu, thu lợi bất chính hơn 6 triệu Mỹ kim. Bà Nhàn nhiều lần đưa hối lộ cho cựu bí thư và cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai mỗi người hơn 14 tỷ đồng.

Bà Nhàn được báo chí Pháp và Do Thái loan tin là người trung gian trong các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Do Thái, với trị giá khoảng 500 triệu Mỹ kim. Một tờ báo Do Thái cho rằng nguyên nhân chính yếu dẫn đến đại án nói trên là cuộc đấu đá trong nội bộ đảng CSVN, giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng công an Tô Lâm.

3/ BẠO QUYỀN IRAN TREO CỔ MỘT THANH NIÊN 23 TUỔI VỀ TỘI BIỂU TÌNH

Trong một hành động man rợ, bạo quyền Iran đã treo cổ công khai một thanh niên 23 tuổi vì có liên quan đến làn sóng biểu tình sau cái chết của cô Mahsa Amini 22 tuổi.

Anh Majidreza Rahnavard 23 tuổi đã bị treo cổ vào sáng sớm thứ Hai 12/12 tại thành phố Mashhad với cáo buộc “kẻ thù của Thượng đế” sau khi anh đâm chết hai nhân viên bán quân sự. 

Vụ hành quyết diễn ra chỉ 23 ngày sau khi anh Rahnavard bị bắt giam. Mẹ của anh không được thông báo về vụ hành quyết cho đến sau khi con bà qua đời. Gia đình chỉ được thông báo tên của một nghĩa trang và số lô đất. Khi họ đến, các nhân viên an ninh đang chôn xác Majidreza Rahnavard.

Các nhóm nhân quyền đã cảnh báo rằng những người biểu tình đang bị kết án tử hình sau các phiên tòa giả mạo không có thủ tục tố tụng. Bộ tư pháp cho biết Rahnavard đã bị treo cổ trước sự chứng kiến của “một nhóm công dân Mashhadi" và đăng một số ảnh chụp trước bình minh về vụ hành quyết.

Trong các bức ảnh, có thể nhìn thấy một người đàn ông bị treo cổ trên dây cáp trước mặt những người xem, nhưng không rõ có bao nhiêu người tham dự vụ hành quyết. Anh Rahnavard đã bị bác đơn chọn luật sư biện hộ.

Theo cáo trạng của bạo quyền, anh bị buộc tội đâm chết hai thành viên của lực lượng Basij trên một con phố ở Mashhad vào ngày 17/11. Basij là lực lượng tình nguyện thường được bạo quyền Iran xử dụng để đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Vào hôm 12/12, khối Âu châu đã trừng phạt đài truyền hình Iran và giám đốc đài này vì đã phát sóng những lời thú tội cưỡng bức. 

4/ VĂN PHÒNG NGHỊ VIỆN ÂU CHÂU BỊ KHÁM XÉT VỀ BÊ BỐI THAM NHŨNG

Giới chức điều tra của Bỉ đã mở cuộc khám xét các văn phòng tại nghị viện Âu châu ở thủ đô Brussels vào hôm qua để thu thập thêm bằng chứng về tội hối lộ của Qatar.

Đây là cuộc lục soát thứ 20 được thực hiện kể từ tuần trước và chủ tịch quốc hội Âu châu, Roberta Metsola, đã cảnh báo các thành viên nghị viện châu Âu là "nền dân chủ đang bị tấn công".

Cảnh sát Bỉ đã buộc tội bốn người, trong số đó có phó chủ tịch Âu châu Eva Kaili, một dân biểu người Hy Lạp. Qatar đã phủ nhận mọi hành vi sai trái và luật sư của bà Kaili nói rằng bà vô tội.

Các công tố viên Bỉ cho biết số tiền mặt khoảng 600 ngàn Âu kim đã được tìm thấy tại nhà của một nghi phạm, 150 ngàn Âu kim khác tại căn chung cư của một dân biểu và vài trăm nghìn Âu kim tại một khách sạn ở Brussels. 

Các cuộc lục soát đã diễn ra ở cả hai nước Bỉ và Ý. Các công tố viên tuyên bố là bốn nghi phạm bị cảnh sát Bỉ bắt giữ đã bị buộc tội "tham gia vào một tổ chức tội phạm, rửa tiền và tham nhũng". Họ sẽ ra trình diện trong một phiên xử vào ngày mai.

Bà Kaili là một dân biểu 8 năm và là một trong số 14 phó chủ tịch. Một cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra tại nghị viện Âu châu để tước bỏ vai trò của bà. Bà cũng bị trục xuất khỏi đảng Pasok trung tả của Hy Lạp. Chính quyền Hy Lạp đã phong tỏa tài sản của bà Kaili, chồng bà và các thành viên trong gia đình.

Các chi tiết được công bố bởi chính quyền Bỉ trong vài ngày qua đã khiến nhiều người trong giới Âu châu phải ngạc nhiên. Các dân biểu cho biết họ bị rúng động bởi quy mô và sự trắng trợn của những cáo buộc. 

Cần biết là nghị viện Âu châu là cơ cấu được bầu trực tiếp duy nhất của Âu châu. Khoảng 705 thành viên được bầu ở 27 quốc gia thành viên. Các dân biểu này được hưởng quyền miễn trừ truy tố, nhưng không phải trong trường hợp "một thành viên bị khám phá đang thực hiện hành vi phạm tội".

5/ OANH TẠC CƠ TRUNG CỘNG LIÊN TIẾP XÂM NHẬP KHÔNG PHẬN ĐÀI LOAN

Vào hôm qua, thứ Ba 13/12, chính phủ Đài Loan cho biết 18 oanh tạc cơ Trung Cộng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân loại H-6 đã xâm nhập vùng nhận diện phòng không của nước này, một con số cao chưa từng có. 

Thông báo của bộ quốc phòng Đài Loan được đưa ra chỉ một hôm sau khi các quan chức cấp cao Hoa Kỳ và Trung Cộng kết thúc cuộc thảo luận hai ngày nhằm tìm cách cải thiện quan hệ song phương, trong đó có hồ sơ nhạy cảm là Đài Loan. 

Sáng hôm qua, bộ quốc phòng Đài Loan thông báo là trong vòng 24 giờ, Trung Cộng đã điều động tổng cộng 21 phi cơ bay vào vùng tây nam của Đài Loan, trong đó có 18 oanh tạc cơ H-6. Đây là các oanh tạc cơ ném bom chính của Trung Cộng có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.

Cần biết là rất hiếm khi Trung Cộng đưa 5 oanh tạc cơ H-6 xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan chỉ trong một ngày. Trong tháng 11 vừa qua, số chuyến bay H-6 xâm nhập Đài Loan là 21 chiếc, nhưng con số này trong tháng 12 được ghi nhận là 23 chiếc. 

Vào tuần trước, Trung Cộng áp đặt các lệnh cấm nhập cảng nhắm vào các loại thực phẩm, đồ uống, rượu bia và nhiều hải sản Đài Loan. Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương tố cáo Bắc Kinh vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và thể hiện sự phân biệt đối xử với  đảo quốc này.

No comments:

Post a Comment