Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh và Miên Dương trình bày sau đây.
Vào hôm qua, thứ Tư 1/7, ban điều hành Nghiệp đoàn Độc lập VN đã gửi một thông cáo báo chí, nội dung ra mắt nghiệp đoàn này.
Thông cáo nhấn mạnh, nghiệp đoàn là một tổ chức gồm những người thuộc
nhiều ngành nghề khác nhau, có mục tiêu thành lập các nghiệp đoàn tự
do. Nghiệp đoàn Độc lập VN hy vọng sẽ bảo vệ quyền lợi thiết thực của
giới công nhân.
Thông cáo kêu gọi giới công nhân trên toàn quốc hãy gia nhập các
nghiệp đoàn độc lập tại VN, tổ chức này sẽ thành lập tại các cơ xưởng
để bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Ban điều hành lâm thời của Nghiệp
đoàn Độc lập VN gồm có 5 thành viên, do ông Bùi Thiện Trí làm chủ tịch,
ông Trần Nghĩa Quân là phó chủ tịch, ông Ben Đặng giữ chức tổng thư ký,
ông Phùng Tuệ Tâm phụ trách tài chánh và ông Nguyễn Nguyên Bình làm cố
vấn.
2) THÂN NHÂN CỦA MỤC SƯ NGUYỄN TRUNG TÔN BỊ HÀNH HUNG VÀ BẮT GIAM
Vào hôm thứ Ba 30/6, anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con trai của tù
nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn, đã bị an ninh mật vụ đánh đập bằng dùi
cui tại tỉnh Thanh Hóa, trước sự chứng kiến của đông đảo người qua lại
và công an giao thông.
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Lành, vợ của Mục sư Tôn, vào ngày
26/6, đám an ninh xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa, đã
đến nhà riêng, ra lệnh cấm mọi người ra khỏi nhà trong vài ngày tới.
Đến tối thứ Hai ngày 29/6, nhóm an ninh tới khóa cổng nhà bà Lành để
không ai có thể ra khỏi nhà. Sáng thứ Ba, bà Lành phải dùng kềm cắt dây
khóa để ra chợ buôn bán, nhưng bị một công an làm khó dễ, lôi kéo lên
đồn công an xã với cáo buộc “buôn bán gian lận”.
Đến 4 giờ chiều, khi anh Trọng Nghĩa lên đồn công an để gặp mẹ thì bị
công an bịt mặt chặn đường, dùng dùi cui đánh tới tấp, máu tuôn đầy
mặt và gãy vài chiếc răng. Tại đồn công an, anh Nghĩa biết được là gia
đình bị cấm ra khỏi nhà vì Đại sứ Mỹ tại VN, ông Daniel Kritenbrink, sẽ
đến thăm huyện Quảng Xương vào sáng thứ Ba 30/6. Sau khi ông Kritenbrink
rời đi vào lúc 5 giờ chiều, công an mới thả hai mẹ con bà Lành và ngừng
bao vây nhà.
3) UBND CẦN THƠ THÚ NHẬN SAI LẦM VỀ VỤ TRƯNG THU ĐẤT ĐAI Ở THỚI LAI
Nhà cầm quyền thành phố Cần Thơ vào hôm qua chính thức thừa nhận là
“cả hệ thống đã sai lầm” khi cưỡng chế đất đai để làm dự án khu đô thị
mới ở huyện Thới Lai.
Lời thú nhận sai lầm nói trên do ông Dương Tấn Hiển đưa ra trong cuộc
họp báo vào sáng thứ Tư 1/7. Ông Hiển cho biết là việc trưng thu đất
đai bừa bãi diễn ra sau khi UBND nhận được kết quả khảo sát và thiết kế
của nhà thầu. Tuy nhiên ông Hiển cho biết là các báo cáo và cố vấn nói
trên đã sai ngay từ đầu, dẫn đến tình trạng cướp đất tràn lan ở ấp Thới
Thuận A kể từ tháng 7 năm 2016, trở thành một vụ án dân oan Thủ Thiêm
thứ hai.
Cũng trong buổi họp báo nói trên, sở công an Cần Thơ cho biết là đang
chờ quyết định của cấp trên về việc truy tố các vụ cướp đất tại quận
Bình Thủy và huyện Vĩnh Thạnh.
4) MỸ ĐANG CHỜ VIỆT NAM TRẢ TIỀN ĐỂ CHUYỂN GIAO 6 MÁY BAY HUẤN LUYỆN
Phát biểu trong buổi hội thảo 25 năm nối lại quan hệ Việt – Mỹ, ông
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết là chính phủ Hoa Kỳ đang chờ chuyển
giao cho 6 máy bay huấn luyện và một tàu tuần duyên loại Hamilton.
Ông Daniel Kritenbrink cho biết đây là các thiết bị quân sự mà Việt
Nam đặt mua lần đầu tiên từ Hoa Kỳ. Và bước đi đầu tiên này sẽ giúp mở
đường cho Việt Nam gia tăng việc mua vũ khí của Mỹ. Ông Kritenbrink còn
cho biết là vài ngày trước đó, một học viên đầu tiên của quân đội CSVN
đã đến tiểu bang Colorado để theo học khóa huấn luyện tại Học viện Không
quân Mỹ.
Trong bài phát biểu, ông Kritenbrink tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục
hợp tác với Việt Nam để khắc phục các hậu quả chiến tranh ở các lãnh
vực tìm kiếm chiến binh mất tích, tẩy rửa độc chất dioxin, dọn dẹp bom
mìn còn sót lại, chăm sóc các nạn nhân da cam và thương phế binh. Về
lĩnh vực kinh tế, ông đại sứ Mỹ cho biết Việt Nam là đối tác lớn thứ 13
của Mỹ, với tổng mậu dịch hai chiều lên đến 77 tỷ Mỹ kim vào năm ngoái.
5) ÂU CHÂU MỞ CỬA GIAO DỊCH VỚI 15 NƯỚC NHƯNG KHÔNG CÓ VN
Kể từ ngày thứ Tư 1/7, khối Liên hiệp Âu châu đã mở cửa biên giới cho
15 quốc gia không thuộc khối này, trong số đó có Trung Cộng, Nhật Bản,
Nam Hàn và Thái Lan, nhưng không có VN.
Đây là quyết định lạ lùng vì Việt Nam là nước được xem là đã đối
phó thành công đại dịch Vũ Hán, với số người nhiễm dịch thấp nhất thế
giới và không có người chết, theo số liệu chính thức của nhà nước VN.
Tuy nhiên, Trung Cộng, mặc dù nằm trong danh sách ưu tiên nói trên,
nhưng kèm với điều kiện là phải mở cửa cho công dân Âu châu đến Hoa Lục.
Quyết định mở cửa cho 15 nước được Hội đồng Âu châu thông qua nhưng
không có tính bắt buộc. Các thành viên trong khối Âu châu vẫn có quyền
quyết định hạn chế hay không đối với công dân của 15 nước trong danh
sách mà Âu châu nhận định là an toàn. Ngoài Việt Nam, các nước Mỹ, Nga
cũng không nằm trong danh sách này.
6) NGÀY ĐẦU ÁP DỤNG LUẬT AN NINH HỒNG KÔNG: HƠN 300 NGƯỜI BỊ BẮT GIỮ
Vào hôm thứ Tư 1/7, ngày đầu tiên áp dụng đạo luật an ninh mới cho
Hồng Kông, các cuộc giao chiến đã diễn ra dữ dội ở nhiều khu vực giữa
người biểu tình chống đối và lực lượng an ninh khiến hàng trăm người bị
bắt.
Tính đến 11 giờ tối hôm qua, khoảng 370 người đã bị bắt giữ, 10 người
bị cáo buộc là vi phạm đạo luật an ninh mới. Cảnh sát Hồng Kông cáo
buộc là một nhân viên của họ bị đâm vào cánh tay. Nhiều phóng viên và
người biểu tình bị ngất xỉu vì lựu đạn cay và vòi rồng. Tại một số con
đường, người biểu tình đã đào bới lấy gạch đá để tấn công cảnh sát, đập
phá một số cửa kiếng và tràn ra đường để chặn giao thông.
Trong khi đó, chính phủ Anh và Đài Loan loan báo sẽ mở rộng cửa để
đón hàng triệu di dân đến từ Hồng Kông và sẽ nhanh chóng cấp quốc tịch
cho họ. Hiện có khoảng 350 ngàn người Hồng Kông đã có quốc tịch Anh
và khoàng 2,6 triệu người khác đang nạp đơn xin quốc tịch hải ngoại nước
Anh.
No comments:
Post a Comment