Công trình tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông dài 13 cây số được dân chúng cho là dự án xây dựng chiếm kỷ lục thế giới vì đội vốn lên gấp đôi và kéo dài hơn 12 năm vẫn chưa xong. Thế mà mới đây công trình này lại được ví von là “biểu trưng cho tình hữu nghị 2 nước Việt-Trung”! Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ về sự kiện này với tựa đề: “Bản Chất Tình Hữu Nghị Việt-Trung” sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trong buổi gặp giữa Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, với Hùng Ba, Đại sứ Trung Cộng tại Việt Nam, vào chiều ngày 24 tháng 6 vừa qua, Hùng Ba khẳng định, xin trích nguyên văn, “Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông không chỉ là dự án thương mại đơn thuần, mà còn là biểu trưng cho tình hữu nghị hai nước Việt Nam- Trung Quốc.”
Chúng ta hãy tìm hiểu dự án này đặc biệt như thế nào mà được ví von là ‘biểu trưng cho tình hữu nghị’ của hai nước cộng sản này!
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay “ODA” của Chính phủ Trung Quốc theo hiệp định ký ngày 30/5/2008. ODA là hình thức một nước cho nước khác vay với lãi xuất thấp để trợ giúp nước này phát triển. Số tiền Việt Nam vay qua dự án này là 550 triệu mỹ kim.
Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng “EPC”, nghĩa là nước cho vay được quyền chỉ định công ty thực hiện dự án. Chính phủ Trung Quốc đã chỉ định Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc là Tổng thầu thực hiện dự án. Đơn vị Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu với kết quả Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh đã trúng thầu tư vấn giám sát dự án.
Như vậy, toàn bộ dự án xây dựng đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài gần 13 cây số này, từ thiết kế, xây dựng, đến tư vấn, giám sát đều do các công ty Trung Quốc đảm nhận. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm, tức hoàn tất vào tháng 5 năm 2013.
Thế nhưng, cho đến nay dự án này vẫn chưa xong, dù chi phí đã tăng từ 550 triệu Mỹ kim lên 890 triệu, và hơn 8 lần đình hoãn ngày hoàn tất, cho đến nay đã trễ hơn 7 năm. Thảm hại hơn nữa, từ 3 năm nay, mỗi ngày Việt Nam phải trả cho Trung Quốc khoảng một tỉ đồng tiền lãi cho các khoản đã vay gồm 550 triệu Mỹ kim vay ban đầu và 340 triệu phải vay thêm để nhà thầu Trung Quốc tiếp tục thực hiện dự án.
Trong thời gian qua, đã nhiều lần toàn thể bộ máy nhà nước CSVN được huy động để giải quyết tình trạng thảm hại này. Gần đây nhất là buổi điều trần của các quan chức Bộ Giao thông Vận tải với Quốc hội CSVN ngày 15 thánh 5 vừa qua. Theo các quan chức của bộ này, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ và đội vốn của dự án.
Về mặt chủ quan, việc thiết kế lúc ban đầu đã quá sơ sài, không đúng với thực tế, phải thay đổi tới lui nhiều lần. Về mặt điều hành, thiếu sự liên lạc chặc chẽ giữa bên tổng thầu là các công ty của Trung quốc và bên khách hàng là các cơ quan chức năng Việt Nam. Điển hình như cơ quan xuất ngân là Ngân hàng Xuất nhập cảng Trung Quốc “China Eximbank” không có đại diện thường trực ở Việt Nam, nên việc giải nhân kéo dài cả năm chưa hoàn tất, gây trở ngại cho việc thanh toán các chi phí.
Về mặt khách quan, theo giải thích của Bộ GTVT, dự án đã gặp nhiều khó khăn trong việc “giải quyết mặt bằng” tức di dời nhà dân và đền bù thỏa đáng. Đồng thời sự khác biệt về quy định giữa 2 quốc gia về các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong bước thiết kế, thi công và dự toán gây khó khăn trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện.
Theo tiết lộ của Chủ tịch Thủ đô Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong buổi tiếp xúc cử tri thành phố này sáng ngày 19 tháng 5, Thủ tướng chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông- Vận tải phải thực hiện xong dự án này trong năm 2020. Chính vì chỉ thị này mà đã có cuộc gặp giữa Vương Đình Huệ và Hùng Ba kể trên!
Câu ví von dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông với tình hữu nghị Việt Nam-Trung Hoa của đại sứ Trung Cộng, ngoài tính cách chạy tội cho sự chậm trễ, tắc trách của các công ty Trung Quốc thực hiện dự án, nó còn hàm ý mỉa mai rằng đây là sự giúp đỡ của nước đàn anh đối với nước đàn em thì chẳng nên kêu ca gì. Rõ ràng đây là thái độ hống hách, kẻ cả của một tay “thái thú” đối với đám quan lại tay sai của một nước thuộc địa!
Thế nhưng nếu trách Hùng Ba một thì phải trách đảng CSVN mười!
Thật vậy, việc chậm trệ và đội vốn kể trên hiển nhiên không phải hoàn toàn do lỗi các công ty Trung Quốc. Chúng còn do nạn bòn rút của công, tham nhũng, cùng với hệ thống làm việc quan liệu, kém hiệu quả của các quan chức VN. Đồng thời, nó cũng cho thấy sự hèn kém, lệ thuộc của tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN đối với đàn anh phương Bắc. Đáng lẽ ra, với sự chậm trễ và đội vốn tệ hại như vậy, nhà cầm quyền CSVN đã phải trừng phạt các công ty Trung Quốc, đòi bồi thường thiệt hại. Nhưng nếu làm vậy sẽ làm Bắc Kinh giận giữ, không còn cho CSVN dựa lưng để duy trì ngôi vị lãnh đạo độc tôn và vĩnh viễn tại Viêt Nam!
Cho nên dù trách cứ Hùng Ba, chúng ta cũng cần cám ơn đương sự vì đã miêu tả đúng bản chất tình hữu nghị hai nước Việt – Trung. Đó là sự tương quan giữa đàn em đối với đàn anh, giữa kẻ ban ơn và kẻ chịu ơn!
Trân trọng cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi./.
No comments:
Post a Comment