Wednesday, July 15, 2020

Tin Tức: Thứ Tư 15.07.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân    Hướng Dương trình bày sau đây
 1)  HƠN 200 TÀU NƯỚC NGOÀI XÂM NHẬP VÀO VÙNG BIỂN VIỆT NAM TRONG 6 THÁNG QUA.
Cục Kiểm ngư Việt Nam vào hôm qua cho biết là đã phát giác hơn 220 tàu nước ngoài xâm nhập vào vùng biển VN trong vòng 6 tháng qua.
Số liệu này được báo cáo trong hội nghị tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thủy sản VN diễn ra vào hôm thứ Ba ngày 14/7. Cục Kiểm ngư cho biết là đã thực hiện 44 lượt tuần tra ở hai vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, phát giác và xua đuổi 222 tàu cá nước ngoài xâm nhập bất hợp pháp vào hải phận Việt Nam, đồng thời cứu vớt được 44 tàu gặp tai nạn.
Điều đáng chú ý là trong số các tàu xâm nhập bất hợp pháp không có một chiếc nào bị bắt giữ hay phạt vạ, trong khi hàng ngàn tàu cá Việt Nam thường xuyên bị các nước láng giềng bắt giam, ra hầu tòa và bị phạt vạ cả trăm ngàn Mỹ kim. Đáng chú ý hơn nữa là cục Kiểm ngư báo cáo là đã tăng cường bảo vệ ngư dân tiếp tục bám biển, bất chấp lệnh cấm đánh cá mà Trung Cộng đưa ra vào tháng 5, dẫn đến các vụ tàu cá Việt Nam bị chiến hạm Trung Cộng húc chìm ở vùng biển Hoàng Sa.
2)  DÂN SÓC SƠN LẠI MỞ CUỘC PHONG TỎA BÃI RÁC NAM SƠN. 
Bắt đầu từ khuya thứ Hai ngày 13/7, hàng trăm người dân thuộc hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn đã kéo đến bao vây bãi rác thải Nam Sơn, không cho xe rác ra vào bãi.
Nguyên nhân dẫn đến cuộc ngăn chặn là do dòng nước nặng mùi hôi thối từ bãi rác này tràn vào các khu dân cư xung quanh. Một nguyên nhân nữa là tiến trình di dời bãi rác mà nhà cầm quyền Hà Nội hứa hẹn vào năm ngoái, đến nay vẫn diễn ra chậm chạp.
Vào rạng sáng hôm qua, thứ Ba ngày 14/7, người dân bắt đầu căng lều ở hai hướng Nam – Bắc dẫn vào bãi rác Nam Sơn, đồng thời thay phiên ngăn không cho các xe rác vào bãi. Ngay lập tức, nhà cầm quyền huyện Sóc Sơn đã điều động hàng chục công an đến đàn áp và giải tán người dân.
3)  NGƯỜI VIỆT TẠI CALIFORNIA LẠI KHỐN ĐỐN VÌ LỆNH TÁI PHONG TỎA.
Các cơ sở thương mại ở California lại phải đóng cửa sau lệnh tái phong tỏa tiểu bang này bắt đầu từ ngày 13 tháng 7, nhằm dập tắt tình trạng lây lan quá nhanh trong đợt hai của đại dịch Vũ Hán.
Tính đến đầu tuần này, tiểu bang California, một tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ đã có hơn 330 ngàn trường hợp nhiễm dịch và 7 ngàn người chết. Đây cũng là tiểu bang có số người Việt đông nhất nước Mỹ và hàng ngàn tiệm nail do người Việt làm chủ.
Vào hôm thứ Hai ngày 13/7, với hơn 8 ngàn người nhiễm mới mỗi ngày, Thống đốc tiểu bang California, ông Gavin Newsom ra lệnh đóng cửa các tiệm hớt tóc, tiệm làm nail, quán rượu, nhà hàng, rạp chiếu phim, sở thú và viện bảo tàng. Lệnh phong tỏa cũng áp dụng nghiêm ngặt ở 30 thành phố, trong đó có Los Angeles, Orange County, San Diego và Sacramento, là những nơi có đông người Việt sinh sống. Hai học khu lớn nhất của California là Los Angeles và San Diego, loan báo sẽ chỉ học trên mạng trong niên học mới.
4)  TỔNG THỐNG MỸ KÝ SẮC LỆNH HUỶ BỎ QUY CHẾ ƯU ĐÃI HỒNG KÔNG.
Vào hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua đạo luật trừng phạt Trung Cộng và rút bỏ quy chế ưu đãi dành cho Hồng Kông.
Phát biểu trong cuộc họp báo vào hôm thứ Ba ngày 14/7, ông Trump cho biết vừa ký ban hành đạo luật Hồng Kông, với các điều khoản trừng phạt quan chức Trung Cộng và cảnh sát Hồng Kông về tội “phá hủy nền dân chủ và tự do” ở khu tự trị này. Các ngân hàng cũng sẽ bị trừng phạt nếu giao dịch với các quan chức bị nêu tên.
Ông Trump tuyên bố là kề từ hôm nay, chính phủ Hoa Kỳ sẽ đối xử với Hồng Kông tương tự như đối với Hoa Lục. Nước Mỹ sẽ không dành cho Hồng Kông bất cứ đặc quyền hay ưu đãi nào về kinh tế.
Những quan chức và cảnh sát Trung Cộng bị nêu tên trong vài ngày tới sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, bị niêm phong mọi tài sản ở Mỹ. Các ngân hàng bị trừng phạt cũng sẽ bị phong tỏa tài sản, không được vay mượn từ các định chế tài chánh của Mỹ.
5)  HOA KỲ XEM XÉT CẤM VẬN CÁC CÔNG TY TRUNG CỘNG ĐÃ KHAI THÁC BẤT HỢP PHÁP Ở BIỂN ĐÔNG.
Chính phủ Mỹ đang cân nhắc đến việc cấm vận các công ty Trung Cộng đã tham gia nạo vét và khai thác tài nguyên một cách bất hợp pháp ở Biển Đông.
Ý định này được tiết lộ chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lập trường cứng rắn hơn đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng ở Biển Đông. Theo nhiều nguồn tin, Hoa Kỳ sẽ cấm vận các công ty từng tham gia nạo vét, bồi đắp các hải đảo nhân tạo và khai thác dầu khí bất hợp pháp ở vùng biển này.
Các công ty quốc doanh Trung Cộng bị nêu đích danh vào hôm qua là Công ty Xây dựng Giao thông và tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Trung Cộng. Các công ty này bị coi là các công cụ xâm lấn về kinh tế và lộng hành quốc tế và Bắc Kinh hiện đang vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á.
Từ năm 2013, Trung Cộng đã tiến hành nạo vét đáy biển để bồi đắp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, với tổng diện tích lên đến 3 ngàn 200 mẫu, được bồi đắp để xây dựng 27 căn cứ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
6)  NHẬT BẢN TỐ CÁO TRUNG CỘNG LỢI DỤNG ĐẠI DỊCH ĐỂ BÀNH TRƯỚNG LÃNH THỔ.
Cùng ngày với việc nước Mỹ công bố lập trường cứng rắn ở Biển Đông, chính phủ Nhật cũng công bố một bạch thư quốc phòng lên án Trung Cộng đã lợi dụng đại dịch viêm phổi cúm Tàu để bành trướng lãnh thổ.
Trong bạch thư, chính phủ Nhật tố cáo Trung Cộng đã đẩy mạnh các nỗ lực đòi chủ quyền tại các đảo đang có tranh chấp ở vùng biển Hoa – Nhật và Biển Đông. Bạch thư khẳng định là Trung Cộng đã và đang ra sức thay đổi nguyên trạng ở hai vùng biển nói trên, điển hình là việc tuyên bố thành lập các đơn vị hành chánh trên các đảo đang có tranh chấp ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài vấn đề quốc phòng, bạch thư còn tố cáo Trung Cộng đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền nhằm bóp méo các thông tin về nguồn gốc đại dịch cúm Tàu, thậm chí còn muốn đổ trách nhiệm cho nước Mỹ.
7)  NƯỚC ANH TẨY CHAY TOÀN BỘ THIẾT BỊ 5G CỦA TẬP ĐOÀN HOA VI.
Hôm qua, trong một hành động cứng rắn, Bộ trưởng Kỹ thuật Số của Anh, ông Oliver Dowden phát biểu: chính phủ Anh đã ra lệnh cấm các công ty viễn thông của Anh mua sắm thiết bị 5G của tổng công ty Hoa Vi, đồng thời phải tháo gỡ toàn bộ các thiết bị này ra khỏi mạng lưới viễn thông của Anh trước năm 2027.
Chính phủ Anh đưa ra quyết định này sau cáo buộc vào năm ngoái của nước Mỹ là các thiết bị Hoa Vi có cài đặt các nhu liệu dọ thám, đe dọa đến nền an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc tẩy chay Hoa Vi sẽ khiến cho mạng lưới 5G của Anh chậm trễ thêm một năm.
Ông Dowden nhấn mạnh: quyết định của Chính phủ Anh không dễ dàng, nhưng là một quyết định đúng đắn đối với các mạng viễn thông, vì an ninh quốc gia và nền kinh tế  của Anh, trong hiện tại cũng như tương lai.
Tổng công ty Hoa Vi đã thiết lập tổng cộng 20 ngàn trạm 5G ở Anh trong mấy năm qua và dự trù sẽ thiết lập hơn 500 ngàn trạm trên toàn thế giới trong năm nay.

No comments:

Post a Comment