Friday, July 31, 2020

Bắc Kinh Đang “Tứ Bề Thọ Địch”

Quan Điểm

Sau các cuộc biểu tình tại Hongkong, tiếp đến Đài Loan đòi tự trị, Bắc Kinh phải điên đầu vì cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, đến dịch bệnh Coronavirus Vũ Hán bị thế giới lên án, tiếp theo là vụ đụng độ tại biên giới Ấn Độ và bị nước này tẩy chay, kế đến gặp thiên tai lũ lụt trầm trọng, nay lại bị đóng cửa Tòa Lãnh Sự tại Houston, Texas. Những sự việc này đã làm cho nền kinh tế Trung cộng suy thoái, văn hóa và chính trị cũng bị suy sụp, dẫn đến “thời mạt vận”. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: Bắc Kinh Đang “Tứ Bề Thọ Địch” sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay..

Thưa quý thính giả,

Căng thẳng ngoại giao giữa nước Úc và Trung Cộng leo thang kể từ khi Úc phát động lời yêu cầu điều tra về nguồn gốc của dịch bệnh Vũ Hán, Coronavirus đã gây ra đại dịch khiến cả thế giới đều bị thiệt hại nặng nề về nhân mạng cũng như về tài sản.

Và mới đây, Úc là quốc gia thứ nhì sau Hoa Kỳ lên tiếng phản đối mạnh mẽ về sự bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông qua lập trường cứng rắn của chính phủ. Lập trường này đã được Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 16/7/2020 tại thủ đô Canberra rằng: “Úc giữ vững lập trường ủng hộ mạnh mẽ cho tự do hàng hải ở Biển Đông”.

Trong công hàm gửi đến Liên Hiệp Quốc ngày 23/7 vừa qua, chính phủ Úc đã dùng phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Hague (PCA) tại Hòa Lan để bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” của Trung Cộng trên biển Đông. Và bác bỏ luôn lời tuyên bố của Bắc Kinh gọi “đường lưỡi bò 9 đoạn” là chủ quyền lịch sử của họ.

Hơn thế nữa, Úc còn bác bỏ Công hàm ngày 17/4 của Bắc Kinh, tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Đông sa và Trung Sa nơi mà Việt Nam và Philippines đã xác định chủ quyền.

Cần nhắc lại, ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ đơn lên Tòa Trọng Tài Quốc Tế kiện yêu sách của Trung Cộng về quyền chủ quyền, quyền tài phán và “quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” trái với UNCLOS, vượt giới hạn mà Bắc Kinh có thể đòi hỏi theo Công ước Quốc Tế.

Ngày 12/7/2016, phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế, khẳng định yêu sách của Trung Cộng đòi hỏi về “quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” là trái với Công ước Quốc Tế. Trung Cộng không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những lời tuyên bố về “quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường lưỡi bò”.

Theo Tòa này, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Cộng quyền có vùng đặc quyền kinh tế và Bắc Kinh không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Vành Khăn và bãi Cỏ Mây. Tòa cũng xác định, bãi Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa là “bãi đá”, nên không có đặc quyền kinh tế. Tòa cũng cảnh cáo rằng, Trung Cộng đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được các bãi san hô ở quần đảo Trường Sa.

Phán quyết của Tòa Trọng Tài còn nhấn mạnh thêm, Trung Cộng đã can thiệp vào các quyền đánh bắt cá truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough ở Biển Đông. Theo Tòa, những hành động của Bắc Kinh đang gây nghiêm trọng thêm việc tranh chấp với Philippines trong lúc các bên đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này.

Bắc Kinh lên tiếng chống lại phán quyết của Tòa Trọng Tài và tuyên bố sẽ “không bao giờ chấp nhận bất kỳ tuyên bố hoặc hành động nào dựa trên những phán quyết của Tòa này”.

Hiện có 5 quốc gia đang phản đối mạnh mẽ chủ quyền biển đảo của Trung Cộng trên Biển Đông gồm: Việt Nam, Philippines, Indonesia, Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi.

Ngày 23/7 vừa qua, Bộ Quốc Phòng Úc xác nhận 5 chiến hạm của Úc gồm: HMAS Canberra, Hobart, Stuart, Arunta và Sirius đã đến Biển Đông để tham gia cuộc tập trận có tên là “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) do Hoa Kỳ tổ chức từ ngày 14 đến ngày 18/7.

Theo báo Asia Times, Úc chi ra 190 tỷ Mỹ kim bổ sung thêm quân phí trong 10 năm tới cho Hải – Lục – Không quân. Điều đáng chú ý hơn là Úc còn chi thêm 10 tỷ Mỹ kim cho Lực lượng Tấn công Mạng, sau một loạt tấn công tin tặc mà Úc khẳng định là “có bàn tay lông lá của một quốc gia”.

Và theo chuyên gia Euan Graham, thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nước Úc đang đặt mua 12 chiếc tàu ngầm nguyên tử của Pháp và nhiều giàn hỏa tiễn tầm xa AGM-158C của Hoa Kỳ. Theo ông, việc tăng cường năng lực quân sự này sẽ không thể hoàn tất trong thời gian ngắn, nên trong thời gian tới, Úc sẽ phối hợp với các quốc gia trong vùng như: Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ .v.v. để đối phó với Trung Cộng.

Thủ tướng Úc, Scott Morrison thừa nhận rằng, kể từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1991, nước Úc đã tận hưởng một thời gian tương đối “an bình”. Nhưng ngày nay, việc duy trì vị thế phòng thủ đã không còn thích hợp để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Úc. Trung Cộng đã xuất hiện như một hiểm họa đang tiềm tàng, do đó Úc phải chuẩn bị đáp trả bằng một lực lượng quân sự mạnh mẽ. Đây cũng được xem là một phần trong định nghĩa của Canberra về “phòng thủ”.

Úc đã sẵn sàng về mặt quân sự để cùng các quốc gia trong vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cùng Hoa Kỳ quyết tâm đập tan mưu đồ bành trướng, chiếm cứ Biển Đông của Trung Cộng. Điều này minh chứng thêm rằng, Bắc Kinh đang bị “tứ bề thọ địch”.

Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

LLCQ

No comments:

Post a Comment