Saturday, July 18, 2020

Sử Gia Ngô Sĩ Liên

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, một sử gia có công lớn trong việc biên soạn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bộ quốc sử vẫn còn lưu truyền cho đến ngày hôm nay, và được xem là kho tàng văn hóa của dân tộc Việt. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Sử Gia Ngô Sĩ Liên  của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
“Quân thù đến xâm chiếm, giáo mác đầy đường, đâu cũng là giặc Minh cuồng bạo, sách vở cả nước đều trở thành đống tro tàn…”.
Đó là lời biểu dâng lên vua Lê của sử gia Ngô Sĩ Liên, viết về cảnh tượng quân Minh triệt phá nền văn hóa Đại Việt mà chính ông chứng kiến tận mắt khi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Đại Việt sử ký toàn thư là bộ quốc sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay. Bộ sử này là di sản vô giá của nền văn hóa Lạc Việt, là kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử có giá trị về văn học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội.
Các bộ quốc sử sau này như Đại Việt sử ký tiền biênKhâm định Việt sử Thông giám Cương mục đều được biên soạn dựa trên cơ sở của bộ Đại Việt sử ký toàn thư này.
Ngô Sĩ Liên quê quán ở làng Chúc Lý, huyện Chương Đức (nay là thôn Chúc Lý, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Tây). Ông là một người thông minh, hiểu rộng, tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn khá sớm. Ông cùng với Nguyễn Nhữ Soạn giữ chức vụ Thư ký trong đoàn nghĩa quân, nhiều lần được đức Lê Lợi cử đi giao tiếp với quân Minh trong giai đoạn 2 bên đình chiến để củng cố lực lượng.
Tháng 3 năm 1442, triều đình tổ chức khoa thi Hội, Ngô Sĩ Liên và 23 người đỗ tiến sĩ. Ngô Sĩ Liên được lệnh vua biên soạn văn bia và dựng bia đá ghi tên các tiến sĩ đầu tiên. Sau đó, ông được giao chức Phó Đô ngự sử dưới triều vua Lê Nhân Tông, kế tiếp là Lễ bộ Hữu thị lang, Triều liệt Đại phu kiêm Quốc Tử Giám và Tư nghiệp kiểm Sử quan Tu soạn dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Khác với phần lớn các lời bình của Lê Văn Hưu hoặc Phan Phu Tiên, những đoạn bình luận lịch sử của ông thường dài hơn, cặn kẽ và sinh động hơn, nhiều đoạn có thể xem như lời kết của cả một giai đoạn lịch sử. Những dòng ca tụng các bậc trung thần nghĩa sĩ vì nước quên mình, những lời chỉ trích các hành động bạo lực của kẻ gian tà, những lời tố cáo vạch trần những âm mưu quỷ kế của kẻ thù phương Bắc được viết với ngòi bút tài hoa của ông.
Nhà Hậu Lê tiếp tục trải qua một thời đại Hoàng Kim dưới sự trị vì của vua Lê Thánh Tôn, một vị minh quân quan tâm đến nền văn hóa và giáo dục nước nhà. Trong những năm đầu trị vì, nhà vua đã nhiều lần ra lệnh tìm kiếm lại thư tịch và tài liệu lịch sử, đồng thời bổ nhiệm các học giả vào sử quán để chuẩn bị cho công việc biên soạn quốc sử, trong đó có ông.
Tháng Giêng năm Kỷ Hợi (1479), niên hiệu Hồng Đức thứ 10, nhờ vào tài năng, học vấn và kiến thức, ông chính thức nhận nhiệm vụ biên soạn bộ quốc sử cho triều đình theo chiếu chỉ của vua Lê Thánh Tông.
Ông dựa vào 2 bộ sử của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên để biên soạn lại, vì cho rằng 2 bộ sách của họ Lê và họ Phan tuy “rõ ràng, có thể xem được” nhưng “ghi chép còn có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đáng, văn tự còn có chỗ chưa ổn, người đọc còn chưa vừa ý“. Do đó, bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên biên soạn chia thành 2 phần là Ngoại kỷ toàn thư và Bản kỷ toàn thư.
-Phần Ngoại kỷ bắt đầu từ họ Hồng Bàng đến hết năm 938, năm Tiền Ngô Vương đại phá quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng.
-Phần Bản kỷ bắt đầu từ năm 938, thành lập nhà Ngô, đến hết năm 1427, năm kết thúc sự thống trị của nhà Minh trên đất Đại Việt. Tổng cộng có 15 quyển.
Ngoài ra, khi làm Sử Quan dưới triều vua Lê Thánh Tông, ông còn biên soạn Tam triều bản kỷ, ghi chép lịch sử 3 triều vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông thuộc nhà Hậu Lê. Rất có thể đây là tài liệu quan trọng mà sau này nhóm Phạm Công Trứ dựa vào để biên soạn lịch sử triều Hậu Lê trong thời gian trị vì của 3 vị vua này.
* * *
Là một văn quan nhưng tên tuổi Ngô Sĩ Liên luôn được các thế hệ con cháu nhắc đến một cách trang trọng vì những di sản mà Ông để lại quá lớn trong nền văn hóa Đại Việt. Nhắc đến triều Lê, đặc biệt là dưới thời vua Lê Thánh Tôn, là phải nhắc đến Ông, người đã ghi lại đầy đủ quá trình thăng trầm của đất nước, kèm theo những lời bình sâu sắc trong Đại Việt sử ký toàn thư . Chỉ với cuốn sử ký này, Ông đã xứng đáng chiếm được một vị trí trang trọng trong lịch sử, huống hồ chi Ông lại còn được khắc tên trên Văn miếu.
Điều đáng nói nhất là Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước. Từ một nghĩa quân Lam Sơn kháng chiến chống giặc Minh, Ông trở thành sứ thần sang Tàu để thuyết phục nhà Minh trao trả các vùng đất bị chiếm đóng, và cuối cùng là tận tụy phục vụ mấy đời vua Lê.
Chính nhờ có những văn thần như đức Nguyễn Trãi và Ngô Sĩ Liên mà đất nước Đại Việt, chỉ trong vòng vài thập niên, triều đình nhà Lê đã nhanh chóng biến Đại Việt trở thành một cường quốc từ quân sự đến kinh tế.
Điều đáng buồn là mấy chục năm qua, trong khi đất nước không thiếu những bậc hiền tài như Ngô Sĩ Liên, nhưng họ không được chế độ cộng sản trọng dụng, thậm chí là còn bị trù dập cho đến chết. Hậu quả là đất nước Việt Nam ngày nay không chỉ là một nước nhược tiểu, kém cả Miên – Lào, mà còn bị xem là một dân tộc kém văn minh, thể hiện qua trình độ thiếu văn hóa và phi dân chủ của tập đoàn CSVN!

No comments:

Post a Comment