Monday, July 20, 2020

Rác!

Đất Nước Đứng Lên

Thưa quý thính giả, tiếp theo đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục Đất Nước Đứng Lên, qua bài viết của Nguyễn Lân Thắng có tựa đề:  “Rác!” _ sẽ được Khánh Ngọc trình bày.
Mấy ngày hôm nay Hà Nội ngào ngạt mùi rác. Số là có một vùng chuyên đổ rác của thủ đô bị ô nhiễm quá mức, công nghệ xử lý lạc hậu, không đền bù quy hoạch nơi ở tử tế cho dân, nên cả xã người ta đổ ra chặn luôn xe chở rác không cho vào mấy hôm rồi.
Chuyện kéo dài nhức nhối mấy ngày. Thủ đô điêu đứng vì rác. Nhưng nếu ai để ý sẽ thấy một điều hơi lạ là hệ thống chính quyền chỉ loay hoay thoả thuận với dân, tìm giải pháp thay thế, chứ không dám dùng lực lượng cưỡng chế hùng hậu như việc đi cướp đất của dân như mọi khi.
Tại sao lại như vậy? Tôi đồ rằng vấn nạn môi trường ở Việt Nam bây giờ đã quá sức khủng khiếp, gây quá tải hệ thống. Bản thân lãnh đạo ở tại địa phương nơi chôn rác cũng lờ đi, không hợp tác với chính quyền thành phố, mặc cho dân làm loạn lên, muốn đến đâu thì đến, vì nói cho cùng thì họ cũng là con người, đổ rác hàng bao nhiêu năm lên làng xóm người ta, ai mà ngửi nổi?
Nếu so về lực lượng và trình độ, nhóm dân đang phản đối và chặn xe đổ rác tuổi gì mà so với Đồng Tâm, Dương Nội, Văn Giang… Thế nhưng họ đang thành công trong việc bất tuân dân sự, hơn tất cả các nhóm hoạt động xã hội hay nhóm dân oan đình đám từ trước đến nay, làm rối loạn bộ máy điều hành chính trị từ trên xuống dưới, mà bộ máy ấy cho đến thời điểm này không dám dùng nòng súng để cưỡng chế như mọi khi.
Chúng ta có thể trông chờ gì cuộc phản kháng này? Liệu họ có bị đàn áp không? Liệu việc đó có dẫn đến những mầm mống bùng phát cuộc đấu tranh lớn, để đòi hỏi cải cách xã hội trên toàn đất nước được không? Tôi cho rằng còn quá sớm để khẳng định điều này. Nhưng có thể khẳng định một điều rằng, nếu không phải là vì chuyện rác thì còn vô vàn vấn nạn xã hội nữa sẽ tiếp tục xảy, đè nặng lên hệ thống chính trị thất bại đó.
Mặc dù hệ thống chính trị này vẫn còn sức mạnh, vẫn còn đầy đủ bộ máy bạo lực, vẫn có thể bịt mồm tôi ngay lập tức, nhưng tôi dám khẳng định rằng nó là một hệ thống chính trị thất bại. Thất bại bởi vì nó là một hệ thống đã sai ngay từ thiết kế ban đầu. Một bộ máy không có tầm nhìn để biết đi về đâu, một bộ máy dung túng cho cái sai cái xấu, một bộ máy mà con lãnh đạo lại lên làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc, một bộ máy chỉ biết phá mười xây một… thì lấy đâu ra khả năng kiến tạo và bảo vệ đất nước này?
Đây không phải là nhận xét võ đoán của riêng cá nhân tôi, mà hãy xem chính lãnh đạo cộng sản nói gì.
Tháng 6 năm 2020, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú cũng cho biết: “Có lần Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri, có người hỏi: bao giờ chúng ta có chủ nghĩa xã hội? Tổng bí thư nói chúng ta chưa nghiên cứu tường minh vấn đề này, có khi trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội. Thế thì thời kỳ quá độ (lên chủ nghĩa xã hội) là bao lâu, có mấy chặng đường thì chưa rõ!”
Đó. Một bộ máy điều hành đất nước khổng lồ mà còn chưa biết đi đâu về đâu thì nhân dân có thể trông chờ gì vào bộ máy đó?
Margaret Thatcher, bà đầm thép, thủ tướng Anh 1979-1990, người theo đuổi chính sách phê phán chủ nghĩa tập trung tập thể của cộng sản đã từng nói: “Vấn đề với chủ nghĩa xã hội là đến một lúc nào đó nó sẽ tiêu hết tiền của người khác”. Tiền ở đây nên được hiểu rộng ra là nguồn lực xã hội, là môi trường, là tất thảy những gì thuộc về hành tinh này. Chủ nghĩa cộng sản không khác gì chứng bệnh ung thư. Nó ăn mòn và phá huỷ tất cả mọi thứ, biến tất cả những cơ quan nội tạng vốn trước đây hữu ích trở thành vô dụng.
Rác cũng thế. Rác vốn bắt nguồn từ những thứ có ích. Nhưng quá trình phát triển vô tội vạ, không tiết kiệm nguồn lực, không phân loại tái chế, chỉ biết đổ bừa phứa ra môi trường hay chôn lấp tạm bợ, thì thử hỏi không gian nào có thể dung nạp nổi đống rác khổng lồ ấy?
Cho nên, suy rộng ra, nếu mấy ngày hôm nay bạn nào có khó chịu về đống rác ngoài ngõ nhà mình, thì xin nói thẳng ra luôn, là bạn xứng đáng phải nhận điều đó. Bởi vì sao? Bởi vì bạn đã không bỏ chạy, mà sẵn sàng ở lại và ngoan ngoãn đóng thuế bảo vệ môi trường cho hệ thống thất bại này.
Chúng ta có thể làm gì để đảo ngược tình thế đó? Hãy nhận thức lại xã hội. Hãy tìm hiểu xem thực trạng đất nước. Hãy so sánh với xã hội bên ngoài. Hãy tập hợp và đấu tranh theo cách của bạn, môi trường của bạn, điều kiện của bạn, bất kể bạn là thường dân hay là người trong bộ máy nhà nước.
Rác, khói bụi, ô nhiễm môi trường… không phân biệt bạn là ai, bạn quy phục ai, bạn tôn thờ gì. Muốn không sống chung với rác, không thay nhau chết vì bệnh ung thư, chỉ còn một con đường để lựa chọn mà thôi. Đó là tìm cách loại bỏ hệ thống rác rưởi này.
Nguyễn Lân Thắng

No comments:

Post a Comment