Sunday, July 19, 2020

Chính sách quốc phòng Biển Đông

Nói Với Người Cộng Sản

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Tâm Anh
Tiến Văn
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Những thông tin rò rĩ gần đây chứng thực Trọng đang dùng mọi cách để tiếp tục kéo dài thêm nhiệm kì Tổng bí thư cho chính bản thân, kể cả phải dùng đến cách hạ cấp nhất là nhờ những nhân vật vô danh tiểu tốt đánh bóng cho mình. Tham vọng cá nhân này của Trọng sẽ mang lại hệ quả hay hậu quả gì cho đảng Hồ-Tàu ? Đây là vấn đề chúng ta sẽ tạm để sang một bên, sẽ bàn luận trong một dịp khác.
Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ một vấn đề cũng liên quan tới Trọng, nhưng là việc liên quan tới quan thầy của Trọng.
Đầu tháng 07 vừa qua, Nhật Bản đã công khai chính sách mới về tình báo quốc phòng. Theo dự kiến, Bộ quốc phòng Nhật Bản sẽ được phép chia sẻ thông tin tình báo với giới chức Ấn-Độ, Úc và Anh Quốc bên cạnh Hoa Kì là một đồng minh thân cận nhất từ hơn 70 năm qua.
Chính sách mới này là đổi hướng chiến lược có tính lịch sử kể từ sau thế chiến 2. Hơn 70 năm qua, Nhật Bản đã phải chấp nhận một chính sách quốc phòng tối thiểu do Hoa Kì và phương Tây áp đặt do sự thất bại của Nhật sau thế chiến II. Mãi đến thập niên 1950 Nhật mới bắt đầu được xây dựng lực lượng tự vệ nhưng vẫn không được phép triển khai, xây dựng các vũ khí mạnh hay đem quân ra nước ngoài, trong khi đó, trước thế chiến 2, Nhật Bản đã có một tiềm lực quân sự đứng hàng đầu thế giới, có khả năng tự xây dựng, triển khai các loại vũ khí, chiến cụ hiện đại nhất kể cả hàng không mẫu hạm.
Vì thế, chính sách tình báo quốc phòng mới của Nhật là dấu chỉ rõ cho thấy Nhật Bản, Hoa Kì, phương Tây đang đồng nhất với nhau về vai trò sắp tới của Nhật trong cán cân tiềm lực quân sự tại khu vực Đông Á và trên thế giới. Dự phóng này cho phép chúng ta thấy ngay một hệ quả tức thời: Bắc Kinh sẽ có thể lại bị thất bại nhục nhã trước Nhật Bản như cách đây gần 100 năm nếu Bắc Kinh tiếp tục hung hăng. Nhưng lần này không chỉ có Nhật Bản.
Một quốc gia to lớn khác ngay trong khu vực châu Á cũng đang thay đổi chính sách với Bắc Kinh. Đó là Ấn Độ, quốc gia có hơn 1,3 tỉ dân,  dân số lớn thứ hai trên thế giới; nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, đang công khai những chính sách chống Bắc Kinh hết sức quyết liệt và rõ ràng. Sau cuộc đụng độ đẫm máu tại biên giới Ấn-Trung trong tháng 06, chính quyền Ấn Độ và người tiêu dùng đã bắt đầu một chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Cộng ở mọi cấp độ và nhằm vào nhiều chủng loại sản phẩm, bao gồm cả các phần mềm, công cụ Internet, công ti viễn thông – những sản phẩm có tính chất chiến lược của Trung Cộng. Bộ viễn thông Ấn đã ra lệnh cho các công ty Ấn không được sử dụng các thiết bị, sản phẩm của Trung Cộng và cấm các công ti Trung Cộng dự thầu.
Bản thân thủ tướng Ấn Modi đã xóa bỏ tài khoản tại Weibo-một mạng xã hội của Trung Cộng – trong đó có cả hình chụp chung với Tập Cận Bình. Trong quan hệ quốc tế, hành vi này có thể được xem tương đương với việc cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Tại Âu châu, những quốc gia thường có quan điểm khác với Hoa Kì cũng đang duyệt xét lại chính sách với Bắc Kinh theo chiều hướng thận trọng. Điển hình như nước Anh vừa lệnh cấm các công ty viễn thông của Anh mua sắm thiết bị 5G của tổng công ty Hoa Vi, đồng thời phải tháo gỡ toàn bộ các thiết bị này ra khỏi mạng lưới viễn thông của Anh trước năm 2027. Hoa Kì lại vừa công bố trừng phạt một số quan chức Trung Cộng liên quan tới các vụ đàn áp tại Tân Cương. Đây là dấu hiệu chắc chắn của sự tiếp tục gia tăng áp lực đối với Trung Cộng dưới sự lãnh đạo của Donald Trump.
Canada, một quốc gia không lớn về kinh tế, nhưng cũng đang tỏ dấu hiệu rất cứng rắn với Bắc Kinh trong vụ bắt giữ lãnh đạo của Huaweil Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Hoa Kì. Đáp lại hành động này của Canada, Bắc Kinh cũng bắt giữ hai công dân cao cấp của Canada và ra nhiều án tử hình nhằm vào một số công dân Canada với mục đích duy nhất là để trao đổi với Canada, giải thoát Mạnh Vãn Chu. Tuy nhiên, trước thủ đoạn “bắt con tin” của Bắc Kinh, Thủ tướng Trudeau của Canada đã bác bỏ trao đổi tù nhân. Một nhóm quan chức và chính trị gia Canada đã bày tỏ sự đồng tình với Thủ tướng Trudeau bằng tuyên bố với công luận rằng:
“Nếu trao đổi tù nhân thì sẽ xác nhận với giới cầm quyền Trung Cộng giá trị của việc bắt cóc các công dân Canada. Một khi chúng ta đầu hàng, Trung Cộng, và các chế độ độc tài khác,  sẽ có lí do để kì vọng chúng ta làm như thế.”
Ở phía bên kia bán cầu, Úc-Đại-Lợi cũng phát ra những thông điệp thách thức Bắc Kinh. Thủ tướng Morrison mới đây tuyên bố chính sách của Úc-Đại-Lợi đối với Bắc Kinh có thể tóm gọn trong ba chữ: Không Nhượng Bộ. Thông điệp này của Úc-Đại-Lợi là nhằm đáp trả các vận động, dọa nạt từ phía Bắc Kinh khi Úc-Đại-Lợi bày tỏ ủng hộ phong trào dân chủ tại Hong Kong và sẵn sàng cấp hộ chiếu cho những người Hong Kong yêu tự do, dân chủ.
Thưa anh chị em và quí vị, như chúng ta đã thấy trong một chuyên mục trước, ngay cả quốc đảo nhỏ bé Đài Loan nằm sát cạnh Trung Cộng cũng đã thẳng thừng công kích Bắc Kinh và tỏ rõ sẵn sàng đương đầu với Bắc Kinh về quân sự. Ngày 09 tháng 7 vừa qua, Đài Loan lại vừa được Hoa Kì cung cấp các thiết bị để bảo trì, nâng cấp hệ thống tên lửa hiện đại Patriot. Đây là những động thái không thể rõ ràng hơn của Đài Loan trong sự chuẩn bị đối mặt với bất cứ sự manh động nào từ Bắc Kinh.
Philippines dưới sự lãnh đạo kì dị của Duterte cũng đã có quyết định rời bỏ Bắc Kinh để trở về với Hoa Kì.
Những biến đổi quốc tế này đang đặt Trọng và đảng Hồ-Tàu vào một toan tính mới giống như cách đây hơn 30 năm khi hệ thống xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ. Lần này Trọng và đảng Hồ-Tàu sẽ đi đâu ? Chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi trong các kì tới.
Tâm Anh và Tiến Văn thân chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị anh chị em trong chương trình tuần tới.
19/07/2020

No comments:

Post a Comment