Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh và Miên Dương trình bày sau đây.
1) DỊCH CÚM VŨ HÁN BẮT ĐẦU LAN RỘNG TẠI VIỆT NAM
Chỉ trong vòng 3 ngày qua, ổ dịch cúm Vũ Hán ở Đà Nẵng đang có xu hướng lan ra nhiều nơi tại Việt Nam, với một số trường hợp nhiễm được ghi nhận tại Hà Nội, Sài Gòn và tỉnh Đắc Lắc. Trước đó, hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng ghi nhận một số trường hợp nhiễm dịch, tất cả đều xuất phát từ các bệnh viện ở Đà Nẵng.
Tính đến hôm qua, thành phố Đà Nẵng đã có 30 người nhiễm bệnh, nhưng vẫn chưa truy tìm được nguồn lây nhiễm đầu tiên. Tại Hà Nội, một thanh niên làm việc tại tiệm bánh pizza đã bị xác nhận là nhiễm dịch sau khi trở về từ Đà Nẵng. Hiện tiệm pizza đã bị phong tỏa để khử trùng.
Tại Đắc Lắc, một sinh viên đại học Đà Nẵng vừa trở về quê bị xác nhận là nhiễm dịch vào ngày 23/7. Trong khi đó tại Sài Gòn, hai vợ chồng đến từ Đà Nẵng cũng bị xác nhận là nhiễm dịch sau mấy ngày người chồng nằm chữa trị tại bệnh viện Quốc tế City ở quận Bình Tân.
Trong khi đó, giới chức Hà Nội và Sài Gòn cho biết là rất khó truy tìm những người trở về từ Đà Nẵng vì trong vài tuần qua, mỗi ngày có vài ngàn người trở về từ tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
2) NỮ TÀI XẾ CHỐNG TRẠM LỘ PHÍ VẪN BỊ Y ÁN 18 THÁNG TÙ
Tòa phúc thẩm Hà Nội vào hôm qua vẫn giữ nguyên bản án 18 tháng tù mà tòa sơ thẩm tuyên đối với bà Đặng Thị Huệ, còn gọi là Huệ Như, người được xem là cầm đầu cuộc đấu tranh chống đối các trạm thu phí trấn lột tiền bạc của dân.
Bà Huệ Như bị công an huyện Sóc Sơn – Hà Nội bắt giam vào cuối tháng 10 năm 2019 với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”. Trước đó vào ngày 11/6, công an đã giam bà hơn 12 tiếng đồng hồ và tịch thu chiếc xe hơi của bà. Qua hôm sau, bà Huệ Như đệ đơn kiện bộ Giao thông về việc cho phép đặt trạm thu phí sai vị trí ở thành phố Vĩnh Yên.
Bà cũng đệ đơn kiện vụ công an bắt giam và hành hung khiến bà bị xảy thai vào tháng 5 năm 2019. Bà Huệ Như nhiều lần tố cáo các sai phạm của trạm thu phí Bắc Thăng Long trên mạng xã hội, và kêu gọi người dân đấu tranh chống các trạm mà bà gọi là làm ăn “dơ bẩn”. Tuyên bố trong cuộc thẩm vấn tại đồn công an, bà Huệ Như nói không bị ai “kích động hay xúi giục”, tất cả “đều là do bà muốn đòi hỏi quyền lợi cho mình, ai thấy đúng thì ủng hộ”.
3) NAM DƯƠNG LẠI BẮT GIỮ MỘT TÀU CÁ VIỆT
Nhà chức trách Indonesia vào hôm qua cho biết vừa bắt giữ một tàu cá Việt Nam, vào hôm Chủ nhật 26/7 tại vùng biển Natuna. Trên tàu có hai tấn cá.
Theo tường thuật, tương tự như trong vụ bắt giữ trước đây, các ngư dân Việt đã mở cuộc tấn công kháng cự lực lượng tuần duyên Nam Dương. 9 ngư dân Việt đã ném lưới cá và thiết bị xuống biển, sau đó nổi lửa đốt một vỏ xe để chặn đường truy đuổi của tàu tuần duyên Nam Dương. Chiếc tàu cá Việt sau đó húc vào một tàu tuần duyên khác để băng qua một tàu hàng trước khi bị bắt giữ.
Như tin đã loan vào tuần trước, hai tàu cá Việt đã kháng cự dữ dội khi bị lực lượng tuần duyên Nam Dương ngăn chận, khiến một số nhân viên Nam Dương bị hất văng xuống vùng biển Natuna.
4) MỘT TẬP ĐOÀN Ý TÌM THẤY MỎ DẦU KHÍ Ở THỀM LỤC ĐỊA VIỆT NAM
Công ty dầu khí Eni của Ý vào đầu tuần này loan báo là đã tìm thấy một mỏ dầu khí ở lô 114 thuộc giếng Kên Bầu ở ngoài khơi Việt Nam.
Theo nguồn tin này, vị trí tìm thấy mỏ dầu nằm ở thềm lục địa phía bắc, thuộc bể Sông Hồng, cách tỉnh Quảng Trị khoảng 40 hải lý. Theo ước lượng ban đầu, mỏ này có trữ lượng 800 tỷ thước khối khí đốt và khoảng 500 triệu thùng dầu.
Công ty Eni nắm giữ 50% cổ phần khai thác tại lô 114 và 100%, số cổ phần tại lô 116 thuộc bể Sông Hồng. Công ty này đã đến Việt Nam vào năm 2013 và đang khai thác thăm dò tại 4 nơi ở miền TrungViệt.
5) CÁC CÔNG TY VIỆT NAM LỖ HƠN 1 TỶ MỸ KIM VÌ ĐẦU TƯ Ở HẢI NGOẠI
Các công ty quốc doanh Việt Nam đã lỗ hơn 1 tỷ Mỹ kim vào năm 2018 sau khi đầu tư vào 49 dự án ở hải ngoại. Số lỗ lã này có thể cao hơn nữa vì nhiều dự án nói trên vẫn chưa có báo cáo về tài chánh.
Các số liệu nói trên được đưa ra trong báo cáo của bộ Kế hoạch – Đầu tư gửi lên thủ tướng vào đầu tuần này. Theo đó thì tính đến cuối năm 2019, các tập đoàn nhà nước đã đầu tư vào 114 dự án ở hải ngoại, với tổng số vốn là gần 14 tỷ Mỹ kim.
Báo cáo cho biết là nhiều dự án đã tiến hành một cách chậm chạp, một số dự án vấp phải khó khăn và không thể tiến hành, có nguy cơ mất trắng vốn đầu tư. Báo cáo đề nghị thủ tướng ra lệnh cho các tổng công ty và Công ty quốc doanh phải duyệt xét lại toàn bộ các dự án đã đầu tư để có quyết định tiếp tục thực hiện hay phải sang nhượng để thu hồi vốn.
6) NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM THẤT THU HƠN 2 TỶ MỸ KIM VÌ ĐẠI DỊCH VŨ HÁN
Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết là tính đến ngày 15/7, tổng trị giá xuất cảng quần áo và giày dép chỉ đạt khoảng 14 tỷ rưỡi Mỹ kim, sụt giảm hơn 2 tỷ Mỹ kim so với năm ngoái và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.
Theo các số liệu nói trên, trong 3 nhóm hàng hóa xuất cảng chủ lực của nền kinh tế Việt Nam, gồm điện thoại, máy điện toán và dệt may, thì ngành dệt may là bị thiệt hại nặng nhất vì đại dịch Vũ Hán. Thị trường xuất cảng lớn nhất của VN trong 6 tháng đầu năm nay vẫn là Hoa Kỳ, nhưng so với năm ngoái đã sụt giảm hơn 12%. Nhật Bản là thị trường lớn thứ nhì nhưng cũng sụt giảm đến 7% và thị trường Âu châu cũng sụt giảm gần 20%.
Vào ngày 13/7, bộ Công Thương VN cho biết ngành dệt may VN đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu, khách hàng hủy bỏ hợp đồng và chậm trễ trả tiền. Các khó khăn này dẫn đến việc sa thải bớt nhân viên, khiến cho hàng trăm ngàn công nhân bị thất nghiệp hay giảm thu nhập.
No comments:
Post a Comment