Như chúng tôi đã giới thiệu trong chương trình TCYN lần trước, nhà thơ Nguyễn Lê sinh ra và lớn lên ở miền Hậu Giang, nơi sông nước mênh mông, ruộng đồng bát ngát, có lúa xanh mướt chạy đến tận chân trời, có đàn cò trắng tô điểm cho bức tranh đồng quê thêm xinh động. Được sống giữa cảnh thiên nhiên, quanh năm ướp đượm hương thơm của hoa trái cây cỏ Miền Nam, những nhân tố ấy đã thấm đậm nơi con người của tác giả, để dệt nên những vần thơ mang mầu sắc và âm hưởng đặc trưng nét hiền hòa dung dị của người dân Miền Nam.
Đặc tính Phương Nam trong thơ Nguyễn Lê lại càng nổi bật hơn, khi tác
giả sử dụng những ngôn ngữ rất bình dân, rất quen thuộc với bà con
miệt vườn: “mơi thay cho ngày mai, vìa thay cho về, ra đuồi
thay cho vườn sau..v.v..” Chỉ mới thoáng nghe vài ba chữ là như đã hiểu
được lòng nhau. Trong nếp sống văn hóa Miền Nam, quê ngoại còn mang ý
nghĩa của sự trở về, sự thân mật, sự ủi an nâng đỡ; khi người con gái
bước chân đi lấy chồng là phải xa lìa quê mẹ: “má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”.
Nỗi mong ngóng có ngày được trở về quê thăm má luôn canh cánh bên
lòng, tâm trạng ấy chẳng phải chỉ có nơi các cô gái đi lấy chồng xa, mà
nó còn thể hiện tâm trạng của những người xa xứ như chính tác giả. Đến
ngày tư ngày tết, cùng vợ con về thăm quê ngoại, quả là một niềm vui
đáng nhớ. Đi qua bắc, qua phà, qua đò nơi những địa danh quen thuộc, đây
Giồng Trôm, Mỏ Cầy, kia Bình Đại, Cái Mơn, Bến Tre…. đó là quê hương mà
hôm nay Nguyễn Lê cũng như những người con tha huơng viễn xứ luôn mong
ngóng có ngày được trở về thăm lại làng xưa đến cũ.
Theo tác giả “Vìa Ngoại” được viết do cảm tác bài “Ơ Mắm Đồng Quê
Ngoại” của Hải Bằng. Trong ấy Nguyễn Lê đã đưa vào thơ cảnh huống của
thời chiến tranh loạn lạc, nơi nơi còn đang trong khói lửa mịt mù, giặc
còn đang gây bao đau thương tang tóc khắp nơi, thì ngày về thăm quê
ngoại vẫn chỉ là hy vọng, phải chờ đến ngày mai, ngày hòa bỉnh, ngay im
tiếng súng. Ngày ấy đến khi nào chưa biết được! Cho nên:
Mơi yên giặc mẹ ẵm con vìa Ngoại
Đón xe đò mình tạt xuống Giồng-Trôm
Tiện đường đi ta ghé thăm Bình-Đại
Rồi lên Mỏ-Cày Ba-Vát Cái-Mơn
Mơi yên giặc mẹ nách con vìa Ngoại
Đò Vĩnh-Hòa chật khách tiếng reo vui
Người nói“…lóng rày sướng hơn năm ngoái…”
Kẻ bảo“…giờ đây mới thấy nụ cười…”
Mơi yên giặc mẹ cõng con vìa ngoại
Lội băng đồng qua mấy đám mạ non
Ngó rặng cau già lòng như ngây dại
Tủi tủi mừng mừng thăm hỏi bà con
Mơi yên giặc mẹ dắt con vìa Ngoại
Dạy con chống xuồng_dạy con chèo ghe
Mẹ con đi khắp rạch cùn_sông cái
Sông nước nào hơn sông nước Bến-Tre
Vìa ngoại để cảm được mùi vị của quê hương, được thưởng thức những
món đặc sản của miền sông nước, nào chạch, nào lươn, nào ốc bưu, cá lóc,
nào rắn nước, cua đồng, tôm tép tươi ngon, nào cây trái xanh tươi thơm
ngát bốn mùa.
Mơi yên giặc mẹ đem con vìa ngoại
Con sẽ làm quen mùi vị đồng nương
Chạch ruộng ốc Bưu tép Chong ếch nhái
Rắn nước cua đồng ngọt lịm tình thương
Mơi yên giặc mẹ bồng con vìa Ngoại
Ra đuồi sau ăn mớ quít Da Lươn
Cây dâu Miền Dưới chắc còn ra trái
Múi ngọt lừ như mật chuối Dà-Hương
Mơi yên giặc mẹ túm con vìa Ngoại
Giản dị đời ta như cỏ như bông
Cho con trọn tuổi thần tiên thơ dại
Con nhớ đừng quên Tông Tổ Cha Ông
Mơi yên giặc mẹ na con vìa ngoại
Vìa lại làng xưa xóm cũ thân thương
Bỏ kiếp lưu vong bỏ đời oan trái
Vui cảnh nghèo dầu một nắng hai sương
Mơi yên giặc mẹ ôm con vìa ngoại
Bên rừng dừa soi bóng nước lung linh
Ngắm chiều xuống trên mái nghèo lam khói
Nghe chuông Thu-Không thỏ thẻ lời kinh
Mơi yên giặc mẹ đùm con vìa ngoại
Ở với xóm giềng ở với anh em
Quê mình thức giấc qua cơn oằn oại
Tảng sáng rồi thôi giã biệt đêm đen !
Ngày về thăm quê ngoại cũng là ngày bóng đen cộng sản phải tàn lụi,
đó là ngày bình minh trên quê hương, ngày của đoàn viên sum họp, mừng
mừng tủi tủi, tíu tít hỏi thăm nhau xem ai còn ai mất. Nhưng ngày ấy quê
hương có còn như khi trước, hay mảnh vườn xưa nay đã biến thành cao ốc,
vườn dừa xanh nay là bãi sân gôn, nẻo đường xưa nay hóa thành xa lộ,
mái trường xưa nay phủ lớp rêu phong.
Tất cả những hình ảnh thân thương nơi quê ngoại nay chỉ còn trong ký
ức, bao nhiêu kỷ niệm êm đềm lại ùa về trong nỗi nhớ thương, như cuốn
phim cuộc đời lần lượt quay lại những bước đường mà tác giả đã đi qua.
Nguyễn Lê đã ghi lại trong bài thơ năm chữ “Quá là thương” vào năm 2007
sau đây:
Quá Là Thương
Sáng nay ghé thăm vườn
Cây rợp bóng đầu thôn
Dâu mít cùng khoe trái
Cam chanh bưởi đầy bông
Xế mơi xuống thăm đồng
Tung tăng dạo ngoài nương
Lội xuống đìa nôm cá
Nghe cu gáy bờ sông
Sáng nay tới thăm vườn
Coi Ròng-Ròng vô mương
Nhánh Chòi-Mòi đâm tược
Bông Mù-U điểm sương
Xế mơi xuống thăm đồng
Tay đan tay hoàng hôn
Mình nhắc câu thề cũ
Em cười mát đông phong
Nửa đời ta Lục-Bình
Trôi nổi kiếp điêu linh
Mong đêm qua ngày tới
Quê Hương sẽ hồi sinh
Nửa đời ta đoạn trường
Gục đầu kiếp ly hương
Từng đêm mơ cố quốc
Ơi thương quá là thương!
Nỗi hoài mong được về thăm lại cố hương vẫn là niềm thao thức không nguôi, dầu Nguyễn Lê đã “Nửa đời ta đoạn trường, Gục đầu kiếp ly hương, Từng đêm mơ cố quốc. Ơi thương quá là thương.
MN, HS, BC và KA xin hẹn quí thinh giả trong TCYN lần ký tới.
Khôi Anh
No comments:
Post a Comment