Thursday, June 25, 2020

Thơ và Phú của Nguyễn Lê (tiếp theo 3)

Thi Ca Yêu Nước

Nguyễn Lê cũng là một quân nhân trong một binh chủng mà người Miền Nam ưu ái tặng cho danh hiệu rất đẹp “Thiên Thần Mũ Đỏ”, một binh chủng mà Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH luôn tung vào các mặt trận ác liệt nhất, khó khăn nhất trong khắp bốn vùng chiến thuật, khi các đơn vị bạn đang bị địch quân vây hãm, vì vậy mà trong suốt cuộc chiến bảo vệ nền tự do cho người dân Miền Nam Việt Nam, binh chủng nhảy dù vừa là niềm hãnh diện cho quân lực VNCH vừa là nỗi kinh hoàng cho cán binh CS Miền Bắc.
CS Bắc Việt thảm bại trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, từ đó họ né tránh các cuộc đụng độ lớn với quân lực VNCH, nhưng tình hình chính trị tại Hoa Kỳ lại gây bất lợi cho Miền Nam VN, khi phong trào phản chiến lên cao, và quốc hội Mỹ không muốn kéo dài cuộc chiến. Trong khi đó khối CS quốc tế và đặc biệt Liên Xô đã gia tăng viện trơ quân sự cho CSVN, với các loại vũ khí tân tiến gồm hàng loạt xe tăng, đại pháo và nhiều loại hỏa tiễn mới, nên CSBV cần chứng minh sức mạnh của họ cho người dân Hoa Kỳ và nâng cao tinh thần cho bộ đội Bắc Việt.
Từ 1970 Hoa Kỳ đẩy mạnh kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh, nên quân lực VNCH phải chủ động chiến đấu trong hầu hết các mặt trân. Năm 1972 giữa lúc cuộc Hòa Đàm tại Paris đang diễn tiến, CS Miền Bắc muốn tạo thêm ưu thế tại bàn hội nghị, nên họ đã gia tăng hoạt động quân sự trên khắp cà 4 vùng chiến thuật, nếu thắng được ở chiến trường thì họ sẽ dấn tới để có thể kết thúc cuộc xâm lược Miền Nam bằng quân sự, nếu không thì cũng làm cho VNCH phải hao tổn tiềm năng chiến đấu.
Từ cuối tháng 3 đến tháng 9 năm 1972, cuộc chiến đã diễn ra khốc liệt, những cụm từ “Mùa Hè Đỏ Lửa, Đại Lộ Kinh Hoàng, Quảng Trị kiêu hùng, Bình Long Anh Dũng, …..” chính là giai đoạn khủng khiếp này. Trong cuộc chiến ấy Nguyễn Lê và những Thiên Thần Mũ Đỏ đã tham chiến một cách anh dũng, để rồi CSBV một lần nữa thảm bại trên mặt trận quân sự. Theo những nhà viết sử, thì có khoảng 70,000 bộ đội BV và 30,000 Quân Sĩ VNCH tử trận, cùng với hơn 100,000 thường dân Miền Nam VN phải thuơng vong.
Sau những ngày tháng quần thảo với quân thù trên khăp các mặt trận. “Mùa Hè Đỏ Lửa” qua đi, Thu về, hồn thơ sống dậy, Nguyễn Lê ngồi nhớ lại những địa danh mà binh chủng của anh đã đi qua, nơi còn in đậm dấu ấn của máu lửa, của xe tăng, đại pháo, của thịt xương trộn cùng cát bụi mịt mù. Nguyễn Lê đã viết nên bài Mũ Đỏ 1972 như một dấu mốc mà ông đã tham dự vào. Ta hãy nghe Mũ Đỏ 1972 sau đây:
Mũ Đỏ 1972
Tháng 4 lửa dậy bừng TÂN-CẢNH
 VÕ-ĐỊNH giã từ xa cao nguyên
PÔ-KƠ xuôi chảy như hờ hững
Đêm BIỂN-HỒ bắn lũ giặc điên
Tháng 5 chiếm đóng cầu AN-LỔ
PHONG-ĐIỀN buồn PHÒ-TRẠCH xác xơ
 HÒA-MỸ rùng mình trong mưa pháo
Chong mắt từng đêm chặn địch từng giờ
Tháng 6 lên đồi TRẦN-VĂN-LÝ
 Thu chưa về tính chuyện sang sông
ĐẠI-LỘ KINH-HOÀNG người là giòi bọ
 Ngàn xác dân đen nhầy nhụa máu hồng
Lầm lũi đội trăng qua MỸ-CHÁNH
 Đêm NANCY hiu hắt sương mờ
 ĐẬP ĐÁ mấy chiều mưa thấm lạnh
HẢI-LĂNG TRƯỜNG-PHƯỚC buồn tiêu sơ
Cuối tháng đưa quân về xóm Đạo
 Tặng LA-VANG câu nguyện lời kinh
 Đuổi về rừng bọn hung tàn bất hảo
 Cô gái TRI-BƯU e ấp cười duyên
Mặc dù giặc cộng đã chiếm được Cổ thành Quảng Trị, hay còn gọi là thành Đinh Công Tráng, nhưng sau đó quân lực VNCH đã vượt sông Mỹ Chánh để chiếm lại cổ thành này. Hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trên cổ thành Quảng Trị đã làm cho tinh thần quân dân Miền Nam hết sức phấn khởi, cho dù bao nhiêu người đã năm xuống trong cuộc chiến ác liệt này.
ÔNG ĐÔ (1) xác giặc tan như pháo
 Tin vui từ đỉnh BARBARA
Đạn rít mấy tầng trời lộng gió
 TRƯỜNG-SƠN nghe thấy khúc hùng ca
Tháng 7 tiến vào ĐINH-CÔNG-TRÁNG (2)
Hiến máu đào cho muôn triệu người vui
Chiến công dâng trọn Anh Linh bè bạn
Mũ Đỏ ngày nào nhớ mãi không thôi!
Cuộc chiến kết thúc ngày ngày 30 tháng Tư, 1975. Nguyễn Lê vào tù cùng với bao nhiêu quân cán chính Miền Nam VN. Ra khỏi tù cũng đành phải lìa xa tồ quốc, khởi đầu một cuộc hành trình mới, đi tìm miền đất tự do, chưa biết tương lai sẽ đi về đâu. Từ một nơi xa lạ, Nguyễn Lê nhìn về quê hương mà lòng đau như dao cắt. Nhìn quanh đây bạn bè, những ngưởi đồng ngũ hôm nào, sao nay không thấy ai, mỗi người mỗi hướng phiêu bạt nơi đâu cả rồi? Chỉ còn minh ta ta cô đơn, độc hành, Tại Kuku Indonesia mùa hạ 1983, từ ký ức Nguyễn Lê viết Đôc Hành Ca, như một bản cáo trạng những tội ác của kẻ thù, đồng thời để gửi gắm tâm sự cùng với lời cam kết và niềm hy vọng sẽ dành lại quê hương .
Độc Hành Ca
Bãi_bến Biển bờ Ơ hờ
Tình ru thiên lý
Ngác ngơ từ tháng 4 thành trì miếu mạo bốc cháy
Ôm hờn theo dấu ngựa Văn-Công
Phượng hoàng vào lồng
Mãnh sư vào củi
Ôi “chiến thắng mùa xuân” hung hăng vợi vợi
Chất ngất oan cừu
Muốn chất củi rừng thiêu rụi Suối Máu Long-Giao
Tàu súc vật ô nhiễm trời Thanh-Hóa
Gục đầu nghe khỉ đột đười ươi thóa mạ
Điệp trùng nghìn ngả chó săn
Trớ trêu đường định mệnh xuôi nam
Phá án cùm lim conex 
Sáng sớm xương da thể dục xích xiềng rên siết
Nửa khuya “thành thật cung khai”
Tìm thiên đường trong hạt muối vụn khoai
Ai bảo “quân tử thực bất tri kỳ vị”
Chiều Bến-Giá muộn phiền cho thân thế
Tô-Vũ về Nam chăn bò
Giới-Tử gầy còm không đủ thịt nuôi vua
Trò dâu bể hừm công hầu khanh tướng
Sụp đổ cả rồi thần tượng
Giờ ta lại cố tìm Ta (*)
Đêm mù sương Bố-Đức La-Ngà
Đèo Sông Pha rừng Bảo-Lộc đợi chờ vô vọng
Từ những Sydney Tokyo trăm hướng
Các Bạn đã về chưa
Chèo bơi xuôi ngược thảm sầu
Viễn trình mờ mịt sông nước
Phụng-Hiệp Ba-Đình Vàm-Nao Thốt-Nốt
Mộc-Hóa Đầm-Cùn Ông-Đốc Kiên-Lương
Xuống Trúc-Giang thương con nước Hàm-Luông
Qua Bến-Đáy ngậm ngùi xa Ba-Động

Dù là lữ khách độc hành, nhưng không khi nào quên lời thề với nước non: “Quốc-Tổ ơi xin phù hộ cho con – Biết tận tụy hy sinh vì đại nghĩa”  để cùng nhau giành lại quê hương.
Cửa Tiểu Cửa Đại sóng dội mùa gió Chướng
 Vàm-Cỏ Đông Vàm-Cỏ Tây sao vẫn mù tăm
Mơ ước cùng nhau giành lại Non Sông
Dù sống thác cũng vẹn tròn nguyện ý
Ta tìm Ta vun trồng hoa nhân ái
Hàng triệu đồng bào thôi khổ ải trầm luân
 Quốc-Tổ ơi xin phù hộ cho con
 Biết tận tụy hy sinh vì đại nghĩa
Tìm nhau mỏi mòn bóng chim tăm cá
Nhất đán hề vạn lý độc hành!
HS, MN, BC và KA xin hẹn quí thinh giả trong TCYN lần tới

No comments:

Post a Comment