Kính thưa quý thính giả, Biển Đông và chủ quyền của dân tộc chỉ
được triệt để bảo vệ, nếu đảng CSVN dứt bỏ xã hội chủ nghĩa, thực hành
đa nguyên, đa đảng và tạ tội với toàn dân. Mời quý thính giả đài ĐLSN
nghe phần Bình Luận của Phạm Quý Ngọ với tựa đề: “Đại hội 13: Vấn đề Biển Đông – ‘điểm mới’ trong Báo cáo chính trị có tạo nên tư duy chiến lược?”_ sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Thiếu chiến lược toàn diện về biển khiến đất nước đã không thể ‘mạnh
về biển’. Trong lịch sử là tư duy ‘ứng phó’ về chống xâm lược từ biển và
trong thời bình là ‘tư duy kinh tế’ bị níu kéo bởi ý thức hệ XHCN là
nguyên nhân quan trọng. Nay trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy, tham
vọng địa chính trị, hung hăng tại Biển Đông và một ‘trật tự thế giới
mới’ đang hình thành, Việt Nam cần thay đổi tư duy để xây dựng chiến
lược biển xứng tầm.
Một trong những nguyên nhân không thể trở thành quốc gia ‘mạnh về
biển’, phát triển kinh tế biển như nêu trong các nghị quyết của Đảng là
tư duy chiến lược biển đã không theo kịp thời đại, và ngoài ra, có phần
bị níu kéo bởi ý thức hệ.
Trước hết, Mỹ và các nước Phương Tây đã nhận ra sự sai lầm và hậu quả
của ‘chính sách can dự’ của Trung Quốc, theo đó trong bối cảnh toàn cầu
hoá – Mỹ, ‘bỏ qua’ sự khác biệt ý thức hệ, đã mở rộng quan hệ kinh tế
với sự tham gia của Trung Quốc với quan niệm rằng tăng trưởng kinh tế sẽ
thúc đẩy dân chủ. Từ thời Tổng thống Barack Obama Mỹ đang thực thi
chính sách ‘xoay trục’ sang Châu Á và Tổng thống Donald Trump phát động
thương chiến Mỹ – Trung. Cuộc chiến này ngày càng leo thang căng thẳng
sang mọi lĩnh vực và hiện hữu nguy cơ biến thành cuộc chiến tranh lạnh
2.0.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đang đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái
sâu nhất so với các cuộc khủng khoảng kinh tế trong một thế kỷ qua.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt, gãy khiến các nước nhận ra sự phụ thuộc vào
kinh tế Trung Quốc không chỉ hàng hoá thông thường mà cả thiết yếu như y
tế và thuốc chữa bệnh. Quan hệ thương mại có thể thay đổi, các nước
đang thay đổi chính sách hướng đến tự chủ. Cuộc gặp thượng đỉnh EU và
Trung Quốc trong tháng 6/2020 không có tuyên bố chung, khi lãnh đạo EU
công bố sách trắng về bảo vệ thị trường và nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn là đối
tác số 1 và Trung Quốc chỉ là bạn hàng cần thiết. Các nhà nghiên cứu
đang phân tích sự thoái trào của toàn cầu hoá và dự báo ‘một trật tự thế
giới mới’.
Hơn thế, chính quyền Trung Quốc, lợi dụng đại dịch COVID-19 bắt nguồn
từ Vũ Hán lan rộng toàn cầu, số ca lây nhiễm và số tử vong tăng nhanh
và các quốc gia đang bị động đối phó vì chưa có vaccine, đã thể hiện
chính sách ngoại giao ‘lang sói’, như kiểu đe doạ và trừng phạt kinh tế
với nước Úc, khi thủ tướng nước này đề xuất ‘một cuộc điều tra độc lập
về sự khởi phát đại dịch’. Bản chất hung hăng của chế độ độc tài hiện
hữu trong quan hệ chính trị và thương mại quốc tế.
Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị ‘phong toả bán phần’ với thế
giới văn minh từ Biển Đông bởi tham vọng địa chính trị của Trung Quốc.
Quốc gia này đã trỗi dậy mạnh mẽ trong hơn một phần ba thế kỷ để trở
thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới. Đây là động lực chủ yếu thúc
đẩy Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực tối cao để thực hiện ‘giấc mộng
Trung Hoa’.
Từ năm 2013 đến nay chính quyền Bắc Kinh đã có nhiều động thái hung
hăng trên Biển Đông, sử dụng đường ‘tự vẽ’ là ‘đường chín đoạn’, vi phạm
Công ước về Luật Biển 1982, quân sự hoá và hành chính hoá các đảo chìm
nổi, xâm phạm chủ quyền biển đảo và đe doạ dùng vũ lực đối với các nước
Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, theo các nhà quan sát, vùng
nhận dạng phòng không (ADIZ) được đề xuất bao trùm cả 2 quần đảo Hoàng
Sa, Trường Sa của Việt Nam, là ‘âm mưu có chủ đích’ của chính quyền Bắc
Kinh chỉ đang chờ thời điểm thích hợp để công bố.
Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam cần có tư duy chiến
lược biển với một tầm nhìn toàn diện và các chính sách đột phá. Một số
điểm chủ yếu, theo tôi, tư duy chiến lược biển cần hướng đến:
Một là, chiến lược phát triển đất nước đến 2045 dự kiến được quyết
định trong đại hội 13 cần coi chiến lược biển phải là bộ phận thiết yếu
dựa trên sự thay đổi tư duy về biển trong tình hình mới. Củng cố và cụ
thể hoá quan điểm phát triển kinh tế với quyết tâm bảo vệ chủ quyền căn
cứ trên luật biển quốc tế;
Hai là, Việt Nam, mặc dù tương đồng về ý thức hệ, nhưng không lệ
thuộc vào nó để trở thành ‘đồng minh’ của Trung Quốc, mà khẳng định sự
độc lập và quyết tâm gìn giữ chủ quyền. Ngoài ra, cần nhận thức rõ hơn ý
thức hệ giáo điều bảo thủ thường gây nên hiệu ứng ngược đối với các nhà
đầu tư, cản trở quá trình cải cách hệ thống chính trị theo hướng phù
hợp với thị trường trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế;
Ba là, xây dựng các phương án chính sách để dần hạn chế sự phụ thuộc
kinh tế, đồng thời đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài từ
Trung Quốc. Các chính sách như vậy cần dựa vào cộng đồng doanh nghiệp và
sự tham gia rộng rãi của người dân để có sự đồng thuận và huy động
nguồn lực xã hội;
Bốn là, nhận thức rõ hơn sự thay đổi địa chính trị trên thế giới, cân
nhắc ảnh hưởng từ chính sách ‘xoay trục’ của Mỹ sang châu Á để có đối
sách phù hợp về an ninh, ngoại giao để hạn chế ‘sự phong toả’ từ ‘chiến
lược biển’ của Trung Quốc;
Năm là, thúc đẩy cải cách thể chế theo hướng dân chủ nhằm tăng hiệu
quả của ‘chính sách Việt Nam can dự’, coi trọng việc thực hiện thực chất
các cam kết cải cách trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đầu
tư (IPA) với các nước phát triển. Tuy nhiên, trong các hiệp định ký kết
với Liên minh Châu Âu thì các điều khoản về quyền lao động, lập hội đoàn
và bảo vệ môi trường trong EVFTA và IPA được đề cao…
Tư duy chiến lược biển có tầm quan trọng để Việt Nam tái định vị trên
bản đồ thế giới trong thế kỷ 21. Liệu ‘vấn đề Biển Đông’ trong Báo cáo
chính trị, được coi là ‘điểm mới’ có đề cập đến một tư duy xứng tầm làm
cơ sở để xây dựng một chiến lược biển?
Phạm Quý Ngọ
No comments:
Post a Comment