Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với
người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng
CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ
đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên
soạn, qua sự trình bày của Hải Nguyên
Sunday, June 7, 2020
Biểu Tình, Bạo Động tại Hoa Kỳ
Nói Với Người Cộng Sản
Tiến Văn
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Trong suốt tuần qua báo chí Mĩ và thế giới liên tục đưa tin về các
cuộc biểu tình đụng độ giữa người dân và lực lượng công lực Mĩ sau khi
ông George Floyd, 46 tuổi, người da màu thuộc tầng lớp bình dân đã chết
vào ngày 25 tháng 05 năm 2020.
Ngay hôm sau, 4 viên cảnh sát dính líu tới vụ chết người đã bị thải
hồi. 05 ngày sau, Derek Chauvin viên cảnh sát có hành vi thô bạo với
George Floyd đã bị khởi tố với tội trạng giết người; ba cảnh sát viên còn lại cũng đang trong vòng bị điều tra.
Tuy nhiên, hàng trăm ngàn người dân Mĩ thuộc đủ mọi màu da đã nhanh
chóng kêu gọi cùng nhau xuống đường để bày tỏ sự công phẫn, phản đối
chính quyền và giới cảnh sát. Các cuộc biểu tình đã lan truyền rộng khắp
trên nước Mĩ, kể cả tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Nhiều nơi, các cuộc xuống
đường đã biến thành các cuộc bạo động, cướp phá. Người biểu tình còn
tấn công cả Nhà Trắng, dinh thự, nơi làm việc của Tổng thống Mĩ. Các
hình ảnh và video quay tại nhiều nơi đã cho thấy người biểu tình Mĩ
không ngần ngại nguy hiểm, đã đối diện và tấn công lại lực lượng công
lực. Những áp lực này đã dẫn tới kết quả vào ngày 3 tháng 6,cả 4 viên
cảnh sát đều bị bắt và bị truy tố tội giết người
Trước sự kiện đối đầu, đụng độ đầy bạo lực giữa dân chúng và cảnh sát
Mĩ, nhiều người chúng ta không tránh khỏi có cảm giác ngán ngẩm trước
viễn cảnh xã hội Mĩ sẽ rơi vào rối ren, bất ổn. Nhiều người còn thốt lên
đầy vẻ hả hê: Ôi dào, nước Mĩ cũng chả hơn gì Việt Nam, cảnh sát cũng
đánh đấm chết người rồi chỉ bị xử nhẹ hều chiếu lệ cho xong chuyện.
Thưa anh chị em và quí vị, những phản ứng như thế thường xảy ra phổ
biến trong nghành công an, an ninh và quân đội Việt Nam kể từ khi chúng
ta có thể tiếp cận được với thông tin trên toàn thế giới. Nhưng cách
nhìn nhận và đánh giá này hoàn toàn phiến diện, mang tính mặc cảm của
người tự ti khi thấy những người hơn mình có khiếm khuyết hoặc mắc lỗi.
Chưa kể, cách nhìn phiến diện này còn chính là định hướng của bọn chóp
bu cầm quyền cộng sản Hồ-Tàu. Chúng muốn bóp méo các sự kiện, thông tin
để dân ta, anh chị em chúng ta không thể nhìn thấy những khía cạnh tiến
bộ, ưu việt của các xã hội tự do, dân chủ.
Trở lại với vụ việc cụ thể đang xảy ra trên đất Mĩ, chúng ta có thể
thấy tình trạng lạm dụng bạo lực của giới cảnh sát Mĩ không phải là
chuyện hiếm, cách đối xử có tính phân biệt nặng tay hơn đối với người da
màu cũng là một vấn đề còn tồn tại trên đất Mĩ và nhiều xứ sở dân chủ
khác. Nhưng ở đây có 3 vấn đề chúng ta cần phải coi lại:
Thứ nhất, xã hội Mĩ, cũng như mọi xã hội dân chủ nhất hiện nay, vẫn
chỉ là xã hội của loài người, hoàn toàn không phải là thiên đường. Do
đó, xã hội Mĩ luôn tồn tại mọi vấn đề khiếm khuyết của con người như
tham lam, gian dối, bạo lực, tranh cãi, xung đột, sai lầm. Tình trạng
lạm dụng công lực và kì thị chủng tộc trong giới cảnh sát Mĩ cũng chỉ là
một hiện tượng tự nhiên nói chung của mọi xã hội loài người.
Thứ hai, xã hội Mĩ đã chọn và xây dựng thực lòng những cơ chế hữu hiệu để chống lại các khuyết tật của
giới cầm quyền, của lực lượng cảnh sát. Đơn cử, đó là báo chí tự do,
báo chí tư nhân được phép hoạt động; không chỉ được phép, đây còn là vấn
đề được đưa vào một hạng mục tối quan trọng của Hiến Pháp Mĩ. Như trong
vụ việc của George Floyd, giới báo chí Mĩ tha hồ tác nghiệp, đưa tin
cho toàn dân và thế giới biết tường tận nhiều chuyện chẳng hay ho gì cho
chính quyền và cho nước Mĩ, nhưng không có ai, kể cả Tổng thống Trump,
có quyền ngăn cản hay kiểm duyệt, cắt bài bất cứ tờ báo bé nhất nào của
nước Mĩ. Cũng đã xảy ra chuyện cảnh sát cấm cản, thậm chí bắt giữ nhà
báo, nhưng những chuyện này chỉ là những hành vi có tính liều lĩnh, dại
dột vì động đến báo chí cũng giống như động đến “lửa”. Chúng ta cũng nên
nhớ rằng đã từng có tổng thống Mĩ đã phải tự xin “về vườn” chỉ vì một
bài báo. Đây là điều toàn dân Việt Nam chúng ta đang nằm mơ cũng chưa
thấy.
Thứ ba, trong vụ việc cụ thể của George Floyd, mặc dù cảnh sát đã bị
điều tra, thải hồi nhưng người dân Mĩ vẫn không hài lòng. Họ vẫn cùng
nhau xuống đường làm tắc nghẽn giao thông, làm đình trệ cuộc sống của xã
hội ở nhiều nơi; họ không ngại những cuộc xuống đường của họ sẽ bị các
phần tử quá khích lợi dụng để trộm cướp, đập phá như đã và đang xảy ra.
Nếu nhìn theo con mắt thông thường của giới cảnh sát Việt Nam thì những
cuộc biểu tình của người dân Mĩ là không thể chấp nhận. Nhưng đó lại là
những ứng xử bình thường trong các xã hội văn minh-dân chủ vì người dân
hiều rằng đó là những hệ quả phụ, những cái giá phải trả cho những mục
tiêu to lớn hơn. Ngay cả trong giới cảnh sát Mĩ, không phải tất cả đều
răm rắp tuân lệnh chỉ huy để ngăn cản, trấn áp người biểu tình quá khích
bởi xã hội Mĩ hiểu rằng phản ứng nổi loạn, phẫn nộ bạo lực của người
dân là cần thiết để bắt kẻ cầm quyền phải phục vụ theo ý dân.
Đối với dân Mỹ và ở mọi xứ dân chủ, người dân nói chung luôn sống với
tinh thần thượng tôn pháp luật, từ việc lặng lẽ xếp hàng chờ đến lượt
cho tới tự giác khai báo thu nhập một cách chi tiết và đầy đủ; nhưng khi
cần họ cũng sẵn sàng nổi dậy, bất chấp pháp luật, để chủ động bắt kẻ
cầm quyền phải thay đổi. Họ không bao giờ ngồi im chờ đợi tiến bộ hay
viết đơn kiến nghị và chờ đợi sự hồi đáp của kẻ cầm quyền. Khi cần, tất
cả sẽ xuống đường.
Đó là một trong những lí do tại sao Mĩ và các xứ sở dân chủ vẫn luôn
là những quốc gia đáng sống, luôn là những địa chỉ, điểm đến mơ ước của
nhiều gia đình, nhiều con em Việt Nam chúng ta, trong đó có cả gia đình
của các anh chị em và quí vị.
Hải Nguyên và Tiến Văn thân chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị anh chị em trong chương trình tuần tới.
07/06/2020
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment