Monday, June 29, 2020

Tin Tức: Thứ Hai 29.06.2020

Tin Tức

Và để mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức với Vân Hà Nguyên Khải
1)  VIỆT NAM PHỦ NHẬN VIỆC THUÊ CÁC PHI CÔNG PAKISTAN CÓ BẰNG GIẢ
Trong khi cục Hàng không VN ra lệnh ngừng bay đối với 27 viên phi công Pakistan, các hãng máy bay VN đều tuyên bố là họ không hề thuê các phi công mang quốc tịch Pakistan.
Lệnh ngừng bay nói trên được đưa ra, sau khi chính phủ Pakistan phát giác là có hơn 200 viên phi công Pakistan sử dụng bằng giả. Vào hôm thứ Bảy 27/6, 27 phi công này bị tạm ngưng làm việc tại các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet và Bamboo Airways.
Tuy nhiên, các hãng này xác nhận các phi công nói trên đã không sử dụng bằng lái do Pakistan cấp. Theo tuyên bố của ông Đinh Việt Thắng, cục trưởng Hàng không VN,  27 phi công này đều được cấp bằng lái tại Việt Nam, trong đó có 17 người làm việc cho VietJet, 6 người được Vietnam Airlines thuê và 4 người do Jetstar thuê. Ông Thắng cho biết thêm là 15 người đã mãn hợp đồng nên đã lên đường về nước, trước khi vụ tai tiếng bằng lái giả nói trên xảy ra.
2)  HEO LẬU NHẬP VÀO TỈNH QUẢNG TRỊ BẰNG ĐƯỜNG SÔNG 
Trong vòng một tháng qua, hàng ngàn con heo từ Lào được đưa đến Việt Nam bằng đường sông đến tỉnh Quảng Trị. Và tại miền Nam, làn sóng nhập heo lậu từ Campuchia vào tỉnh Long An cũng tăng cao.
Theo ước tính của ủy ban biên phòng Quảng Trị, mỗi đêm có khoảng 100 con heo sống được cho mặc áo phao và đưa lên các bè gỗ để vượt sông Xê Pôn tiến vào địa phận tỉnh Quảng Trị. Người dân huyện Hướng Hóa và thị trấn Lao Bảo cho biết, việc nhập heo lậu đã diễn ra từ đầu tháng 5 đến nay. Dọc theo đoạn sông Xê Pôn, cứ vài trăm thước thì có một đường mòn dày đặc dấu chân người cùng phân heo.
Vào ban ngày, hàng trăm con heo được đưa đến bờ sông bên đất Lào. Lợi dụng lúc nhân viên biên phòng ăn cơm tối thì heo được lùa lên bè để vượt sông. Giới chức biên phòng tỉnh Quảng Trị cho hay từ đầu năm nay họ đã bắt giữ 40 vụ heo lậu băng qua biên giới, nhưng chỉ bắt được 200 con.
3)  ĐÓNG CỬA MỘT PHI ĐẠO TÂN SƠN NHẤT VÀ NỘI BÀI ĐỂ TU SỬA
Kể từ hôm nay, thứ Hai 29/6, phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn và phi trường Nội Bài ở Hà Nội sẽ chỉ còn một phi đạo hoạt động, vì các phi đạo còn lại phải khẩn cấp tu sửa sau 3 năm xuống cấp trầm trọng.
Việc tu bổ này cũng nhằm đáp ứng nhu cầu lên xuống của các loại máy bay hạng nặng như Airbus A350-900 và Boeing 787. Ngoài ra, việc sửa chữa cũng giải quyết nạn ngập lụt tại 2 phi trường này vào mùa mưa. Tổng phí tổn dự trù cho việc tu bổ phi đạo và hệ thống thoát nước ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài dự trù lên đến 200 triệu Mỹ kim và sẽ hoàn tất vào cuối năm tới. Trong thời gian tu bổ, các phi trường chỉ còn lại một phi đạo hoạt động. Từ năm 2017 đến nay, một số phi đạo ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài bị hư hỏng nặng do sử dụng quá mức nên bị cày nát bởi các loại máy bay hạng nặng.
4)  ẤN ĐỘ ĐƯA PHI ĐẠN PHÒNG KHÔNG ÁP SÁT BIÊN GIỚI ẤN – HOA
Vào cuối tuần qua, các giàn phi đạn phòng không của Ấn Độ đã tiến vào khu vực Ladakh, giáp biên giới Trung Cộng, khiến tình hình trong khu vực ngày càng thêm căng thẳng.
Theo các nguồn tin, hành động nói trên của Ấn Độ diễn ra, sau khi phát giác các trực thăng vũ trang và chiến đấu cơ Trung Cộng xuất hiện ở khu vực nói trên. Một quan chức Ấn Độ cho biết, các trực thăng Trung Cộng đậu dày đặc tại một bãi đáp trực thăng mà Trung Cộng vừa xây xong tại thung lũng Galwan, sát biên giới Ấn Độ. Chính vì thế, để đề phòng, quân đội Ấn đã đưa các giàn phòng không đến khu vực. Vào cuối tuần qua, không ảnh vệ tinh chụp được cho thấy có ít nhất 16 lán trại của Trung Cộng được xây dựng, cách đường biên giới khoảng 9 cây số.
5)  LŨ LỤT GÂY THIỆT HẠI NẶNG NỀ Ở MIỀN NAM HOA LỤC
Trận lũ lụt lịch sử mấy tuần qua phủ lên miền nam Hoa Lục, đã gây thiệt hại gần 4 tỷ Mỹ kim đối với nền kinh tế Trung Cộng và hơn 14 triệu dân bị ảnh hưởng.
Bộ cấp cứu thiên tai Trung Cộng cho biết, hơn 700 ngàn người ở 26 tỉnh thành đã phải di tản, có 81 người chết hoặc mất tích, tính đến chiều tối Chủ nhật. Trong khi đó, mực nước ở đập Tam Hiệp đã vượt qua mức kiểm soát, gây thêm ngập lụt cho vùng hạ lưu. Giám đốc Trung tâm Khí tượng Trung Cộng cho biết,  trong vòng 20 ngày qua, mực nước của 197 con sông tại Hoa Lục đã vượt mức báo động, trong số đó có 10 con sông lớn cao mức cao kỷ lục.
Vào cuối tuần qua, bộ Cấp cứu Thiên tai Trung Cộng kêu gọi các hồ đập trên sông Dương Tử phải hợp tác để ngăn chận lượng nước đang đổ về đập Tam Điệp, hầu tránh nguy cơ bị vỡ đập. Trong khi đó, thành phố Trùng Khánh ở thượng nguồn sông Dương Tử vẫn tiếp tục chìm trong biển nước của đợt lũ lớn nhất, kể từ 80 năm qua.
6)  NỬA TRIỆU DÂN HOA LỤC BỊ PHONG TỎA ĐỂ NGĂN DỊCH VŨ HÁN
Vào cuối tuần qua, nhà cầm quyền Bắc Kinh ra lệnh phong tỏa hoàn toàn thành phố Tân An ở tỉnh Hồ Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 150 cây số, để chận dịch.
Theo lệnh trên, hơn nửa triệu cư dân ở thành phố Tân An bị cấm ra đường. Mỗi gia đình, chỉ có một người được phép ra ngoài mỗi ngày một lần để mua nhu yếu phẩm và thuốc men. Trường học cũng được lệnh đóng cửa. Đây là biện pháp mà Bắc Kinh từng áp dụng tại thành phố Vũ Hán hồi 4 tháng trước. Lệnh phong tỏa đưa ra, sau khi Bắc Kinh có số trường hợp nhiễm lên đến 311 người, được cho là đến từ ổ dịch ở chợ thực phẩm chuyên bán sĩ Tân Phát Địa. Chợ này cũng được lệnh đóng cửa hồi giữa tháng 6.

No comments:

Post a Comment