Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân và Hướng Dương trình bày sau đây
Sở Xây dựng thành Hồ cho biết là thành phố này đã chi hơn 25 ngàn
tỷ đồng để giải quyết tình trạng ngập lụt suốt 5 năm qua. Trong báo cáo,
sở cho biết đã giải quyết được 25 nơi trong tổng số 36 điểm từng ngập
lụt nặng và nếu tính từ năm 2008 đến nay, có hơn 100 nơi không còn ngập
lụt nữa.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, dư luận tỏ ra hoài nghi về báo cáo này.
Lý do là tình trạng ngập lụt tại Sài Gòn ngày càng nghiêm trọng hơn,
ngay cả khi trời không mưa nhiều con đường vẫn bị ngập khi thủy triều
lên cao.
Trong báo cáo, sở Xây dựng thừa nhận là dù đã đầu tư rất lớn nhưng hệ
thống ống cống thoát nước vẫn rất lạc hậu, không rút nước kịp thời sau
các cơn mưa lớn. Ngoài ra, nhiều kênh rạch bị lấp chiếm tràn lan khiến
nước mưa không thoát được. Một nguyên nhân nữa là việc xả rác bừa bãi
khiến các ống cống bị kẹt nghẽn khiến không thể thông nước.
Trong phần kết luận, báo cáo cho biết là nhà cầm quyền thành Hồ sẽ
đầu tư hơn 1 tỷ Mỹ kim trong vòng 5 năm tới để giải quyết tình trạng
ngập lụt tại thành phố này.
2) VIỆT NAM MUỐN HỢP TÁC VỚI CÁC NƯỚC ĐỂ SẢN XUẤT VŨ KHÍ.
Trong phiên họp về an ninh quốc phòng vào hôm thứ Ba 10/6, Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bộ Quốc phòng đẩy mạnh việc hợp tác với các
nước để nghiên cứu và sản xuất vũ khí.
Ông Phúc đưa ra đề nghị này sau khi bộ Công an tiết lộ là họ đã
nghiên cứu và sản xuất được một số vũ khí cung ứng cho lực lượng công
an. Ông Phúc giải thích là tình hình thế giới biến chuyển quá nhanh
chóng trong mấy năm qua, vì thế Việt Nam phải thay đổi lối suy nghĩ để
đáp ứng với các thách thức về quốc phòng và an ninh, đặc biệt là trong
lãnh vực nghiên cứu và sản xuất vũ khí.
Vào đầu năm nay, bộ Quốc phòng Việt Nam tuyên bố là đang đẩy mạnh
các nghiên cứu về khoa học kỹ thuật để sản xuất các vũ khí tối tân để
tránh lệ thuộc vào việc mua sắm vũ khí từ các nước. Tuy nhiên, theo nhận
định của một số tổ chức quốc phòng thế giới, khả năng sản xuất vũ khí
của Việt Nam vẫn còn yếu kém, vẫn còn phụ thuộc vào các dụng cụ do nước
ngoài cung cấp, đặc biệt là từ Nga.
3) TRUNG CỘNG ĐẶT HỆ THỐNG CÁP NGẦM Ở QUẦN ĐẢO HOÀNG SA.
Các không ảnh vệ tinh đã chụp được cảnh tượng một chiếc tàu Trung Cộng đang thả cáp ngầm xuống đáy biển ở quần đảo Hoàng Sa.
Giới chuyên gia Hoa Kỳ tin rằng hệ thống cáp quang này được sử dụng
cho mục tiêu quân sự, tăng cường khả năng phát giác tàu ngầm. Các chuyên
gia cho biết là chiếc tàu đặt cáp ngầm nói trên có tên là Tian Yi Hai
Gong, rời cảng Thượng Hải từ hai tuần trước và đến quần đảo Hoàng Sa vào
ngày 28/5. Trong hai tuần qua, chiếc tàu đã xuất hiện quanh 3 hòn đảo
Phú Lâm, Cây Tre và đảo Bắc, sau đó di chuyển đến các đảo Duy Mộng, Ba
Ba và Xà Cừ. Tất cả các đảo này đều là các căn cứ quân sự mà Trung Cộng
xây dựng từ mấy năm qua.
Hệ thống cáp quang này có thể là để nối kết với hệ thống cáp quang
dọc theo miền đông duyên hải Hoa Lục, nhưng cũng có thể là một hệ thống
nhằm theo dõi các hoạt động của tàu ngầm trong vùng biển Hoàng Sa.
4) BẮC HÀN CẮT ĐỨT MỌI LIÊN LẠC THÔNG TIN VỚI NAM HÀN.
Gần một tuần qua, bạo quyền CS Bắc Hàn liên tục lên tiếng đe dọa trả
đũa Nam Hàn vì những người đào tẩu Bắc Hàn hiện sinh sống ở Nam
Hàn vẫn tiếp tục dùng bong bóng thả truyền đơn sang Bắc Hàn.
Vào trưa hôm qua, thứ Ba 9/6, Bắc Hàn giận dữ và đã cắt đứt mọi
đường dây liên lạc với Nam Hàn. Trong bản tin, Thông tấn xã Bắc Hàn
tuyên bố đây là bước tiến đầu tiên trong quyết định cắt đứt mọi liên hệ
với Nam Hàn. Các đường dây bị gián đoạn liên lạc gồm đường dây quân sự
nối kết bộ Quốc phòng, đường dây liên lạc với bộ Thống nhất Nam Hàn và
đường dây nóng của Phủ Tổng thống Nam Hàn.
Trong hai năm qua, mối bang giao giữa hai miền Triều Tiên đã bớt căng
thẳng sau các cuộc gặp gỡ giữa lãnh tụ tối cao Kim Jong-un với Tổng
thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae In. Tuy nhiên,
trong mấy ngày qua, có nhiều nguồn tin cho biết nội bộ Bắc Hàn đang có
những biến động lớn, khi bà Kim Jong Yo, em gái ông Kim Jong-un, trở
thành nhân vật có quyền lực thứ nhì ở Bắc Hàn.
5) LHQ HỦY BỎ PHIÊN HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG THƯỜNG NIÊN VÌ DỊCH VŨ HÁN.
Lần đầu tiên sau 75 năm thành lập, cơ quan LHQ tuyên bố hủy bỏ phiên
họp Đại hội đồng thường niên vì rất nhiều nguyên thủ quốc gia cho biết
là họ đang chật vật đối phó với đại dịch Vũ Hán nên không thể tham dự.
Phiên họp thường niên dự trù diễn ra vào tháng 9 tại trụ sở LHQ ở thành phố New York, nơi có ổ dịch Vũ Hán lớn nhất nước Mỹ.
Tuy nhiên, cơ quan LHQ vẫn sẽ tổ chức phiên họp này trên mạng. Tổng
thư ký LHQ, ông Antonio Guterres đề nghị các nguyên thủ quốc gia gửi các
thông điệp thu sẵn và mỗi quốc gia cử một thành viên đến hội trường để
trình chiếu các thông điệp của họ. Cần nói thêm, phiên họp năm nay có ý
nghĩa rất lớn vì nhằm kỷ niệm 75 năm thành lập cơ quan quốc tế này.
6) CHIẾN ĐẤU CƠ ĐÀI LOAN VÀ TRUNG CỘNG ĐỐI ĐẦU TRÊN KHÔNG.
Các chiến đấu cơ Đài Loan vào hôm qua đã bay lên ngăn chặn các chiến
đấu cơ Trung Cộng đang tiến vào vùng nhận diện phòng không của Đài
Loan.
Bộ quốc phòng Đài Loan cho biết các chiếc Sukhoi-30 của Trung Cộng đã
tiến vào vùng phòng không ở phía Tây Nam. Ngay lập tức, không quân Đài
Loan phát đi các cảnh cáo, đồng thời điều động một số chiến đấu cơ bay
lên chận đầu các máy bay Trung Cộng.
Trong mấy tháng qua, Trung Cộng đã lợi dụng đại dịch Vũ Hán để gia
tăng áp lực quân sự lên Đài Loan, đặc biệt là sau khi bà Thái Anh Văn
tái đắc cử chức vụ tổng thống, với chủ trương giành độc lập cho đảo quốc
này.
Vào hôm qua, một máy bay quân sự Mỹ cất cánh từ Nhật đã được phép
băng qua không phận Đài Loan, khiến cho Bắc Kinh càng thêm tức giận.
No comments:
Post a Comment